16:41 09/11/2011

"Kinh tế thế giới đang đối mặt thập kỷ mất mát”

An Huy

Bà Christine Lagarde cảnh báo, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một “thập kỷ mất mát”

Nữ Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde.
Nữ Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa cảnh báo, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một “thập kỷ mất mát”, hãng tin CNBC cho hay.

Bà Largarde cũng nhận định rằng, nhiệm vụ gánh vác trọng trách đưa tăng trưởng và niềm tin quay trở lại với kinh tế thế giới giờ phụ thuộc vào các nước giàu.

Bình luận trên được người đứng đầu IMF đưa ra tại một diễn đàn tài chính ở Bắc Kinh vào ngày 9/11.

Cũng tại đây, bà Lagarde cho rằng, kế hoạch của châu Âu nhằm tăng cường gói giải cứu tài chính cho Hy Lạp là một “bước đi đúng hướng”, nhưng triển vọng của nền kinh tế thế giới vẫn còn đầy hiểm nguy và bất ổn.

“Mây đen đang che phủ chân trời, nhất là ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là châu Âu và Mỹ”, bà Lagarde nói.

“Chúng tôi nhận thấy rằng, nếu chúng ta không hành động kiên quyết cùng nhau, nền kinh tế toàn cầu sẽ có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy của những xáo trộn, những bất ổn tài chính cũng như sự suy sụp của nhu cầu toàn cầu… Chúng ta có thể gặp phải nguy cơ mà nhiều nhà bình luận gọi là thập kỷ mất mát”, CNBC trích lời bà Lagarde.

Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày, bà Lagarde sẽ tập trung bàn thảo với các nhà chức trách nước này về vấn đề kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ châu Âu – “khối bom hẹn giờ” đến nay đã buộc cả Thủ tướng Hy Lạp lẫn Thủ tướng Italy phải từ chức.

Trước khi đặt chân tới Bắc Kinh, bà Lagarde đã có chuyến công du 2 ngày tới Nga nhằm thuyết phục Moscow chi tiền cho Quỹ bình ổn tài chính của khối Eurozone (EFSF).

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi lớn đi đầu là Trung Quốc sẽ đầu tư một phần kho dự trữ ngoại hối khổng lồ vào việc mở rộng EFSF, cơ chế được thiết lập nhằm gỡ rối mớ bòng bong nợ công của “lục địa già”.

Tuy nhiên, khối BRIC - nhóm nước gồm các nền kinh tế đang phát triển lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga – tới giờ vẫn chưa cho thấy sự sẵn sàng đầu tư trực tiếp vào EFSF. Thay vào đó, các nước này muốn góp vốn thông qua IMF.