16:15 04/11/2020

Kinh tế Việt Nam qua lăng kính thế giới

Quách Mạnh Hào

Dự báo tăng trưởng tích cực trong 2020 và những năm tiếp theo

Kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện những nỗ lực phục hồi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3/2020 đạt 2,62% sau khi chỉ đạt 0,39% trong quý 2, so với mức 3,68% trong quý 1. 

Các tổ chức quốc tế theo dõi kinh tế Việt Nam đã không ngần ngại trao cho Việt Nam những mỹ từ, chẳng hạn như "điểm sáng hiếm hoi" hay "sự thần kỳ mới". Mặc dù các đánh giá nêu trên là đáng khích lệ, nhưng điều đáng quan tâm không kém là những rủi ro, hay những vấn đề đáng chú ý đi kèm với những dự báo nêu trên. Nói cách khác, trong khi vui với những kết quả ban đầu, chúng ta đồng thời cần nhìn nhận xem liệu các tổ chức quan sát Việt Nam thực sự đã suy nghĩ thế nào khi đưa ra các dự báo của họ. 

Mặc dù 2020 sẽ là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế kém nhất trong nhiều năm, Việt Nam thực ra lại là số ít các quốc gia có tăng trưởng GDP ở mức dương. Trong bối cảnh đại dịch, sự hồi phục của kinh tế Việt Nam cho thấy những tiến bộ đến từ nội lực. 

Số liệu tháng 10 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngành chế biến chế tạo và thương mại dịch vụ tiếp tục khởi sắc, lần lượt tăng 8,3% và 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều quan trọng là các chỉ số này đã liên tục trong xu thế tăng từ mức sụt giảm mạnh thời kỳ phong tỏa, làm tăng niềm tin rằng: nền kinh tế đã đi qua thời kỳ khó khăn nhất.

Kinh tế Việt Nam qua lăng kính thế giới - Ảnh 1.

PGS. TS. Quách Mạnh Hào

Các tổ chức quốc tế theo dõi kinh tế Việt Nam đã không ngần ngại trao cho Việt Nam những mỹ từ, chẳng hạn như "điểm sáng hiếm hoi" hay "sự thần kỳ mới". Trong cuộc họp thường kỳ ngày 30/10, Chính phủ cũng tự hào liệt kê những đánh giá tích cực từ những tổ chức này. 

Chẳng hạn, IMF cho rằng Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á năm 2020 với GDP tăng trưởng 1,6% và năm 2021 sẽ đạt 6,7%; hay như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kinh tế 2,5-3% trong năm 2020; hoặc như Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. 

Trong một báo cáo gần nhất năm dự báo quý 4/2020, Fitch Solutions cho rằng sự sụt giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2, chỉ tăng 0,4% so với 3,7% trong quý 1, dẫn tới mức tăng GDP nửa đầu năm đạt 1,8%, chủ yếu là do giảm tăng trưởng lĩnh vực chế biến chế tạo và sự sụt giảm của lĩnh vực dịch vụ. Điều này có nghĩa rằng, với việc Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch, sự hồi phục của lĩnh vực chế biến chế tạo, cùng với thương mại dịch vụ nội địa, sẽ là động lực cho tăng trưởng. 

Fitch Solutions kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục tốt trong nửa sau của năm và tăng mức dự báo GDP sẽ đạt 3,0% thay vì 2,8% trong báo cáo trước đó. Trong cách phân tích của Fitch Solutions, sự hồi phục của nền kinh tế sẽ được dẫn dắt bởi sự phục hồi chủ yếu của lĩnh vực chế biến chế tạo và một phần của lĩnh vực bán lẻ, nghỉ dưỡng và vận chuyển. 

Nhìn xa hơn một chút, họ cho rằng kinh tế Việt Nam có thể sẽ gặp rủi ro nếu Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, điều này có thể tạo ra những khó khăn lớn cho lĩnh vực chế biến chế tạo liên quan tới xuất khẩu và hệ lụy là kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, do thị trường Mỹ là quan trọng trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Một điểm quan trọng đáng chú ý là trong báo cáo của Fitch Solutions có đề cập tới việc sử dụng chính sách tiền tệ như là một công cụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm các mức lãi suất cơ bản vào ngày 12/5, đưa lãi suất tái chiết khấu xuống còn 4,5% từ mức 5,0%, lãi suất chiết khấu xuống 3,0% từ 3,5% và lãi suất cho vay qua đêm xuống 5,5% từ mức 6,0%. 

Với việc nền kinh tế mặc dù hồi phục nhưng còn khá yếu, đặc biệt với mục tiêu tiếp tục đảm bảo tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, các biện pháp nới lỏng sẽ tiếp tục được kỳ vọng, trong đó họ cho rằng mức lãi suất chiết khấu có thể được giảm thêm 0,5% để về mức 2,5% vào cuối năm 2020. 

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là họ quan ngại rằng vấn đề của nền kinh tế hiện tại nằm ở việc thiếu nhu cầu vay vốn trong bối cảnh kinh tế bất ổn chứ không phải lãi suất, và bởi vậy, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa cũng không giúp hỗ trợ nên kinh tế. Quan điểm này khá sát với quan điểm được nêu ra trong báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam – Anh quốc tại Đại học Lincoln. Hơn thế, việc cố ép tín dụng với nền kinh tế rất có thể sẽ gây ra tình trạng đầu tư quá mức dẫn tới rủi ro hệ thống.

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo của Fitch Solutions là việc thâm hụt ngân sách được dự báo tăng lên 6,4% GDP thay vì mức 6,0% trước đó. Lý giải cho vấn đề này, các lập luận đưa ra cho rằng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế hiện tại của Chính phủ chủ yếu dựa vào việc miễn, giảm thuế trong khi các khoản chi tiêu công không giảm, và do vậy tăng thâm hụt ngân sách là điều không tránh khỏi. 

FITCH SOLUTIONS: TÌNH TRẠNG XẤU NHẤT DƯỜNG NHƯ ĐÃ QUA

Khi phân tích về những triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, họ cho rằng Việt Nam có thế mạnh là một nền kinh tế năng động tăng trưởng nhanh tại châu Á trong những năm gần đây với GDP trung bình hàng năm khoảng 6,3% trong 10 năm qua. Quy mô dân số và lực lượng lao động sẽ tiếp tục tăng với mức tiền công cạnh tranh so với các nước khác như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Điểm thuận lợi là Việt Nam đã tích cực nỗ lực hòa nhập kinh tế rộng rãi thông qua việc tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do và đã từng bước đa dạng hóa thị trường cũng như sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, điểm yếu nằm ở mức thâm hụt ngân sách và nợ công khá cao, có thể làm cho nền kinh tế dễ bị tác động hơn bởi những bất ổn kinh tế toàn cầu – điều này sẽ ảnh hưởng tới khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu. 

Mặc dù vậy, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Với việc là thành viên của các tổ chức lớn chẳng hạn như: WTO và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, sự mở rộng và đa dạng hội nhập kinh tế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tới các thị trường và nguồn vốn nước ngoài, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh cao hơn. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục các biện pháp hoàn thiện cơ chế thị trường, bao gồm việc cổ phần hóa các công ty nhà nước, giải quyết các vấn đề liên quan tới nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng cũng như tự do hóa khu vực này. Quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục là một động lực tăng trưởng dài hạn. Dự báo dân số thành thị sẽ tăng trưởng lên trên năm 50% vào năm 2040 so với 32% vào năm 2013.

Mối nguy hiểm rình rập với nền kinh tế Việt Nam rất có thể lại chính là sự tự mãn, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chính sách tiền tệ. Sự thiếu thận trọng trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã dẫn tới tăng trưởng tín dụng nhanh và giá cả tăng cao trong thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ đã thành công trong việc đưa lạm phát xuống dưới mức mục tiêu, kể từ năm 2014. Trong khi thành tựu này có sự đóng góp của giá dầu giảm, Ngân hàng Nhà nước đã trở nên thận trọng hơn trong chính sách tiền tệ với mục tiêu ổn định tài chính là quan trọng hàng đầu.

ISH MARKET: KỲ VỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TIẾP TỤC SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG

Tổ chức ISH Markit kỳ vọng vào sự tiếp tục phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau Đại hội Đảng với việc tiếp tục tự do hóa nền kinh tế. Trong ngắn hạn, họ cho rằng dịch bệnh sẽ vẫn ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh tế hướng tới xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm: chế biến chế tạo, du lịch và nông nghiệp. 

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 1,0% trong năm 2020 và có thể tăng trở lại lên 5,4% trong năm 2021. Họ cũng nhấn mạnh rằng mặc dù số liệu cho thấy có sự cải thiện trong các chỉ số kinh tế, sự hồi phục phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, và, quan trọng hơn, nhu cầu của thị trường toàn cầu. Sức ép giảm giá tiền đồng có thể có trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất thế giới trong tương lai gần với sự tăng trưởng nhanh của lĩnh vực chế xuất và sự đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quá trình này. Đáng chú ý là nền kinh tế đã cho thấy sự trỗi dậy dù có những khó khăn. Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng tốt trong năm 2019 trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

Nhưng việc cổ phần hóa tiến triển chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng trong tương lai. Hiện tại, các công ty nhà nước vẫn chi phối tới một phần ba nền kinh tế. Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước trong lĩnh vực chế biến chế tạo có thể giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

MARKET LINE: TĂNG TRƯỞNG PHỤ THUỘC XUẤT NHẬP KHẨU TIỀM ẨN RỦI RO 

Theo đánh giá của Market Line, Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực. Điều này có được là do các Chính sách thân thiện với thị trường của chính phủ. Các điều kiện kinh tế ổn định đã giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lĩnh vực chế biến chế tạo tiếp tục được đầu tư thường xuyên là một lý do khác cho tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của khu vực chế biến chế tạo đã giúp nền kinh tế trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa, chẳng hạn các hàng hóa điện tử trung gian. 

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu àm cho nền kinh tế trở nên mong manh trước các cú sốc đến từ bên ngoài, chẳng hạn như cầu yếu. Điều kiện kinh tế yếu đi tại các đối tác thương mại chính yếu sẽ có tác động tới lĩnh vực xuất khẩu, và khu vực chế biên chế tạo của Việt Nam. Chúng ta cần phải đa dạng hóa hơn nữa các đối tác thương mại, từ đó giảm thiểu những cú sốc đến từ một đối tác thương mại cụ thể. 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực FDI, mặc dù chỉ số rào cản FDI (theo OECD năm 2018) của Việt Nam ở mức thấp so với nhóm các nước cạnh tranh (Malaysia và Indonesia), và sự ổn định chính trị và kinh tế tại Việt Nam là nhân tố chính giúp thu hút thêm nhiều FDI cho đất nước, những phiền toái về thuế quan và thủ tục hành chính lại đang là yếu tố cản trở sự phát triển của khu vực này. Theo số liệu của WB, các doanh nghiệp Việt Nam có 6 lần thanh toán thuế một năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị và trả thuế, và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận. 

ĐIỂM CHUNG TRONG CÁC DỰ BÁO

Còn rất nhiều các tổ chức quốc tế khác quan sát Việt Nam và đưa ra dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam, nhưng những tổ chức nêu trên được chọn giới thiệu trong bài viết này bởi sự chi tiết trong số liệu, và không kém phần quan trọng là họ không phải là những cái tên quen thuộc thường thấy như WB hay IMF. Những đánh giá của họ cho thấy một điểm chung là sự tích cực trong dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và những năm tiếp theo. 

Động lực cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng. Họ cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện cơ chế thị trường và quá trình cổ phần hóa.

Khó khăn hiện hữu với nền kinh tế Việt Nam hiện tại tiếp tục là sự thiếu nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Trong bối cảnh đó, sự chủ quan của chính sách tiền tệ có thể sẽ là một nhân tố rủi ro quan trọng. Chính sách nới lỏng thông qua cắt giảm lãi suất rất có thể không có tác dụng bởi vấn đề chính yếu nằm ở việc thiếu nhu cầu vay vốn.

Trong dài hạn, cấu trúc tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu cũng là một yếu tố làm giảm sự chủ động của nền kinh tế trước biến động của các yếu tố bên ngoài. Quá trình cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước, chiếm 1/3 nền kinh tế, rất có thể sẽ giúp cải thiện năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo và tăng trưởng kinh tế.