10:33 13/10/2008

Lãi suất huy động bao nhiêu là hợp lý?

Hoàng Xuân Quyến

Mức giảm lãi suất huy động vẫn còn dè dặt vì e ngại nguy cơ rủi ro thanh khoản

Lãi suất huy động cần thiết phải được duy trì ở mức lớn hơn tỷ lệ lạm phát để người gửi tiền có lãi thực. Tuy nhiên hiểu thể nào là lãi suất thực dương là vấn đề cần phải bàn - Ảnh: Việt Tuấn.
Lãi suất huy động cần thiết phải được duy trì ở mức lớn hơn tỷ lệ lạm phát để người gửi tiền có lãi thực. Tuy nhiên hiểu thể nào là lãi suất thực dương là vấn đề cần phải bàn - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiệp hội Ngân hàng trong hai ngày 8-9/10 đã  họp nhằm giảm lãi suất huy động và cơ cấu lại kỳ hạn lãi suất.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp này cho thấy, để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, các ngân hàng thương mại cần phải giảm lãi suất cho vay, mà muốn vậy thì phải giảm lãi suất huy động.

Tuy nhiên, mức giảm lãi suất huy động vẫn còn dè dặt vì e ngại nguy cơ rủi ro thanh khoản. Nguyên nhân chính là do quan điểm lãi suất thực dương chưa được cắt nghĩa đầy đủ.

Thế nào là lãi suất thực dương?

Lãi suất huy động cần thiết phải được duy trì ở mức lớn hơn tỷ lệ lạm phát để người gửi tiền có lãi thực. Tuy nhiên hiểu thể nào là lãi suất thực dương là vấn đề cần phải bàn.

Đã có không ít ý kiến cho rằng lãi suất huy động phổ biến hiện nay 17-18%/ năm thấp hơn tỷ lệ lạm phát cả năm xấp xỉ 25%. Và do vậy người gửi tiền chịu lãi suất âm.

Quan điểm này đồng nhất tỷ lệ lạm phát trong quá khứ với lạm phát trong kỳ hạn tiền gửi. Nếu lạm phát theo xu hướng giảm dần thì lạm phát kỳ vọng bị đánh giá cao hơn lạm phát thực. Cách tiếp cận này nhìn lãi suất huy động ở góc độ khuyến khích tiền gửi, nhưng lại bỏ qua nội dung kinh tế của lãi suất.

Vì lẽ đó, rất cần nhìn nhận nội dung kinh tế của lãi suất.

Việc gửi tiền ngân hàng được xem là quyết định đầu tư. Lãi suất huy động được coi là chi phí cơ hội của việc nắm giữ tiền mặt hoặc đầu tư khác. Người gửi tiền đánh đổi cơ hội tiêu dùng họăc cơ hội đầu tư khác của mình để đem tiền gửi ngân hàng trong kỳ hạn xác định.

Đổi lại, người gửi tiền được trả lãi vay ở mức tương xứng đủ để bù đắp cho những rủi ro có thể xảy ra trong thời hạn gửi tiền và có lãi thực. Một cách đầy đủ thì kỳ vọng lãi suất huy động = kỳ vong lãi suất thực dương + kỳ vọng tỷ lệ lạm phát + kỳ vọng bù đắp rủi ro thanh khoản + kỳ vọng bù đắp rủi ro thị trường.

Mỗi nhà đầu tư đều có kỳ vọng riêng về lãi suất thực dương, bởi vì cơ hội đầu tư giữa họ là khác nhau. Mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến các nhà đầu tư cũng khác nhau nên kỳ vọng về mức đền bù cho tỷ lệ lạm phát cũng khác nhau. Bù đắp về rủi ro thanh khoản thể hiện cấu trúc lãi suất khác nhau theo kỳ hạn tiền gửi. Rủi ro thị trường có thể dẫn đến người gửi không thu hồi được tiền gửi do tác động khách quan của thị trường.

Điều này giải thích vì sao mức lãi suất huy động và cấu trúc lãi suất khác nhau giữa các ngân hàng thương mại.

Lãi suất huy động bao nhiêu là hợp lý?

Cơ sở để xác định lãi suất huy động là kỳ vọng trung bình của nhà đầu tư về lạm phát và lãi suất thực dượng. Rủi ro về thanh khoản và rủi ro thị trường do từng ngân hàng quyết định dựa trên cấu trúc kỳ hạn của lãi suất và tiêu chuẩn tín dụng của từng ngân hàng.

Ảnh hưởng của lạm phát

Dựa theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (www.gso.gov.vn) về cơ cấu chi tiêu mặt hàng tiêu dùng bình quân tháng theo 5 nhóm hộ gia đình, tác giả đã tính toán ảnh hưởng của lạm phát đến từng nhóm hộ. Ở đây trích minh họa sự khác biệt giữa nhóm có mức tiêu dùng thấp nhất (nhóm 1) và nhóm có mức tiêu dùng cao nhất (nhóm 5).

  CPI 9 tháng Cơ cấu chi tiêu các nhóm (%) Ảnh hưởng của lạm phát (%)
Hàng tiêu dùng 122.76 Chung Nhóm 1 Nhóm 5 Chung Nhóm 1 Nhóm 5
1. Lương thực 148.45 12.7 26.9 6.5 6.15 13.04 3.16
2. Thực phẩm 133.08 27.4 29.7 24.8 9.08 9.82 8.19
3. Ăn uống ngoài gia đình 131.1 7.7 2.6 10.4 2.38 0.81 3.23
4. Đồ uống và thuốc lá 109.87 2.9 2.8 3.1 0.29 0.28 0.30
5. May mặc, mũ nón, giầy dép 109.51 4.6 5.1 4.1 0.43 0.49 0.39
6. Nhà ở và vật liệu xây dựng 122.33 4.1 2.6 5.3 0.92 0.57 1.19
7. Thiết bị và đồ dùng gia đình 107.97 9.1 6.7 10.0 0.72 0.53 0.79
8. Dược phẩm, y tế 108.61 7.0 6.9 7.1 0.61 0.59 0.61
9. Phương tiện đi lại, bưu điện 115.78 10.8 4.8 13.7 1.70 0.76 2.16
10. Giáo dục 103.3 6.3 5.1 6.5 0.21 0.17 0.21
11.Văn hoá, thể thao, giải trí 104.55 1.3 0.1 2.4 0.06 0.01 0.11
12. Đồ dùng và dịch vụ khác 112.94 3.3 2.3 3.9 0.43 0.29 0.51
Chung         22.99 27.36 20.87

Tỷ lệ lạm phát trung bình 9 tháng 2008 tính chung các nhóm là 22.99%, nhưng tỷ lệ lạm phát cao nhất ở nhóm 1 là 27.36% và thấp nhất ở nhóm 5  là 20.87%. Sự khác nhau này là do cơ cấu chi tiêu quyết định.

Ví dụ, trong khi nhóm 1 dành 55,6% chi tiêu cho lương thực thực phẩm thì nhóm 5 chỉ có 31,3%. Ngược lại, chi tiêu ăn uống ngoài gia đình là 10,4% đối với nhóm 5 nhưng chỉ có 2,6% đối với nhóm 1.

Một số nước trên thế giới (Mỹ, Nhật, Úc) khi phân tích lạm phát thường bỏ ra ngoài các lọai hàng hóa có mức độ biến thiên lớn như giá lương thực, thực phẩm, chất đốt bởi vì những thành tố này mặc dù có mức giá dao động cao nhưng về lâu dài sẽ không làm ảnh hưởng đến xu hướng chung của lạm phát, do đó không ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát. Tỷ lệ lạm phát sau khi bỏ các thành tố nói trên được gọi là lạm phát cơ bản (core inflation).

Bảng trên cho thấy nếu chỉ xem xét lạm phát cơ bản - tức là lọai bỏ giá hàng hóa lương thực, thưc phẩm và ăn uống ngoài gia đình ra khỏi rổ hàng hóa - thì lạm phát cơ bản trong 9 tháng năm 2008 của tất cả các nhóm là 5,5%, nhóm 1 và nhóm 5 tương ứng là 3,7% và 6,3%.

Nếu theo quan điểm của các ngân hàng thương mại chỉ xem xét lạm phát cơ bản như các nước nói trên, thì kỳ vọng về lạm phát cả năm chỉ dao động trong khoảng 7-7.5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát thường (head inflation) 25%.

Phân tích lãi suất cơ bản cho biết có những cấu phần chi tiêu trong cách tính lạm phát nhà đầu tư có thể tự đối phó bằng cách tiết kiệm họăc chuyển đổi cơ cấu chi tiêu để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng. Ví dụ, giảm chi tiêu “ăn uống ngoài gia đình”, “đồ uống và thuốc lá”, “chi phí xăng xe”.

Thiết nghĩ lãi suất tiền gửi sẽ không bao gồm đền bù cho các thành phần chi tiêu trên. Do đó, người viết cho rằng việc sử dụng lạm phát cơ bản để thay thế cho lạm phát kỳ vọng là có cơ sở.

Hơn thế nữa, từ bảng số liệu trên có thế thấy, nếu đại bộ phận người gửi tiền thuộc nhóm 5 - nhóm có thu nhập cao nhất thì sau khi lọai bỏ các thành phần có giá dao động mạnh và các thành phần là hàng tiêu dùng “xa xỉ” thì lạm phát cơ bản chỉ còn 6%.

Từ những phân tích này cho thấy sử dụng tỷ lệ lạm phát cơ bản thay cho lam phát kỳ vọng là có cơ sở. Với mức độ lạm phát như hiện nay thì giả định lạm phát kỳ vọng ở mức 7 - 7,5% là hợp lý.

Kỳ vọng lãi suất thực

Nhìn trên góc độ đầu tư, tiền gửi ngân hàng có độ an toàn cao (rủi ro thấp) là lý do chính để nhà đầu tư lựa chọn. Tỷ lệ tăng thực GDP trung bình năm có thể được chọn thay cho kỳ vọng về lãi suất thưc. Tỷ lệ tăng trưởng thực GDP năm 2008  dự báo  6.5% và 7% năm 2009.

Do vây lãi suất huy động 12 tháng sẽ dao động 14-14.5% trong đó 6.5-7% là lãi thực và 7-7.5% là kỳ vọng về lạm phát.

Rủi ro thanh khoản

Logic của cấu trúc kỳ hạn lãi suất là kỳ hạn tiền gửi càng dài thì lãi suất kỳ hạn càng cao để đền bù rủi ro thanh khoản cho nhà đầu tư. Nhưng kỳ hạn gửi tiền càng dài thì kỳ vọng về lạm phát và lãi suất thực dương càng thay đổi.

Do vậy, tổng mức lãi suất huy động tại thời điểm hiện tại cho các kỳ hạn gửi tiền dài hạn cần được cân nhắc kỹ, bởi lẽ kỳ vọng về lạm phát sau 12 tháng tới có thể giảm dưới 7%, song kỳ vọng về lãi suất thực đang có xu hướng tăng.

Đừng chỉ kêu gọi đơn thuần

Nói tóm lại, người viết cho rằng mức lãi suất huy động khoảng 14-15% là hợp lý và có cơ sở. Với mức lãi suất huy động này, lãi suất đầu ra khoảng 17% là các ngân hàng thương mại đã có lãi và các doanh nghiệp vay vốn dễ thở hơn.

Vì thế, không nhất thiết phải hạ thấp lãi suất cơ bản xuống dưới 14% mới có thể hạ thấp được lãi suất huy động như một số ý kiến gần đây. Với việc duy trì mức lãi suất cơ bản cao, Ngân hàng Nhà nước muốn gửi tín hiệu tới thị trường là lạm phát chưa thể lơ là trong hiện tại.

Tuy nhiên, để có thể hạ thấp lãi suất huy động tiền gửi như mong muốn nhưng vẫn tránh được rủi ro thanh khoản, điều cần thiết là phải thông tin tuyên truyền đúng bản chất kinh tế của lãi suất, cung cấp thông tin tin cậy và đầy đủ về lạm phát kỳ vọng trong 12 tháng tới, để nhà đầu tư hiểu rõ cơ chế xác định lãi suất và quan hệ giữa ngân hàng thương mại và nhà đầu tư dựa trên mối quan hệ kinh tế cùng có lợi, chứ không đơn thuần chỉ là kêu gọi sự thông cảm và chia sẻ khó khăn.

* Tác giả bài viết là Giám đốc Phân tích đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt.