09:22 28/02/2022

Làm chủ công nghệ lõi trong nền kinh tế số

Nhĩ Anh

Việc làm chủ các công nghệ lõi của Cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), NFT, học máy (Machine Learning) được xem là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể “cất cánh” vươn lên, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số...

Người Việt hoàn toàn có thể tạo ra, làm chủ được các công nghệ lõi
Người Việt hoàn toàn có thể tạo ra, làm chủ được các công nghệ lõi

Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để chạy đua chuyển đổi số và xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển trên thế giới và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát để cùng cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, đi thẳng vào các xu hướng công nghệ cao, tiên tiến nhất hiện nay của cuộc cách mạng 4.0 như AI, Blockchain, NFT, Machine Learning, thậm chí cả Metaverse.

HỆ SINH THÁI CÔNG NGHỆ DO NGƯỜI VIỆT LÀM CHỦ

Tại hội nghị về công nghệ cuối tuần qua, chủ trương, khát vọng làm chủ công nghệ được hiện thực hóa qua các nền tảng hệ sinh thái công nghệ như: Blockchain, AI, Big Data… được các chuyên gia của UniWorld trình diễn với những ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống. Một hệ sinh thái các nền tảng công nghệ mới nhất đã cung cấp ra thị trường với các ứng dụng Unichain- nền tảng công nghệ để làm Blockchain, UniMe- mạng xã hội đảm bảo an toàn bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng; UniAI- công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi người dùng, phân tích số liệu dựa trên các dữ liệu lớn, từ đó đưa ra các quyết định hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ quyết định của con người…

Với những giải pháp nền tảng công nghệ lõi trong hệ sinh thái đã sáng tạo được, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; Đồng sáng lập, Giám đốc tầm nhìn và sáng tạo của UniWorld khẳng định: người Việt hoàn toàn có thể tạo ra, làm chủ được các công nghệ lõi nếu quy tụ được sức mạnh của người Việt kết hợp với các tri thức, tinh hoa công nghệ của các đối tác nước ngoài. “Những giải pháp nền tảng công nghệ đã tạo ra chứng minh một điều, người Việt Nam đã, đang và sẽ làm chủ được công nghệ lõi, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam”, ông Thắng nói.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong thời gian qua đã tập trung nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ nhiều giải pháp công nghệ mới “Make in Vietnam”. Mục tiêu làm chủ các công nghệ lõi của cách mạng 4.0 đã và đang được các tập đoàn công nghệ Việt như Viettel, FPT, VNPT, VinGroup tập trung đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra những nền tảng, giải pháp công nghệ cụ thể.

Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành đơn vị công nghệ hàng đầu Việt Nam, tiên phong dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ những công nghệ lõi như AI, Blockchain cũng như triển khai và ứng dụng các dịch vụ công nghệ hiện đại trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội…

Làm chủ công nghệ lõi trong nền kinh tế số - Ảnh 1

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số cuối năm 2021, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viettel khẳng định hạ tầng viễn thông và nền tảng đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi mua của nước ngoài thì sẽ không làm chủ công nghệ, không làm chủ được triển khai mạng lưới và đặc biệt là không đảm bảo an ninh mạng lưới và bảo mật thông tin. Vì vậy, Viettel quyết tâm tự chủ trong việc nghiên cứu làm chủ sản xuất ra hệ sinh thái các thiết bị của hạ tầng mạng viễn thông và hạ tầng số, thực hiện chiến lược Make in Vietnam. Với bước đi trong nghiên cứu, phát triển các thiết bị trong thực tế, Viettel làm chủ tất cả công nghệ lõi chứ không chỉ dừng lại ở gia công, sản xuất cho nước ngoài.

Đại diện một doanh nghiệp công nghệ khác khẳng định, các công ty công nghệ Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các nhà sản xuất lớn nếu đầu tư bài bản từ gốc, làm chủ công nghệ lõi để có thể tạo ra những sản phẩm xuất sắc nhưng được bán với mức giá tốt.

MAKE IN VIETNAM VÀ CẠNH TRANH TOÀN CẦU

Những nền tảng công nghệ mới AI, Blockchain, các giải pháp sáng chế công nghệ lõi của doanh nghiệp Việt đã được cấp bằng ở Mỹ đến những chiếc máy tính bảng Xelex do các chuyên gia công nghệ người Việt làm chủ đã minh chứng người Việt Nam đã, đang và sẽ làm chủ được công nghệ lõi, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam.

Ông Thắng nhấn mạnh: muốn Make in Vietnam thì bắt buộc chúng ta phải nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ lõi. Chỉ có làm chủ được công nghệ lõi, từ các công nghệ cao nhất như AI, Blockchain…, đến các phần cứng như thiết kế các hệ thống bo mạch, làm chip layout, các thiết bị điện tử. Chỉ có làm chủ công nghệ lõi thì Việt Nam mới kiến tạo được nền kinh tế số an toàn bảo mật, góp phần xây dựng xã hội 5.0.

 
Ông Nguyễn Đình Thắng:
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là quy tụ được sức mạnh của người Việt kết hợp với kiến thức của những nước tiên tiến, giúp Việt Nam làm chủ được công nghệ lõi, làm chủ ứng dụng các công nghệ cao của cách mạng 4.0 như AI, Blockchain, Machine Learning… để tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam.

Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự kết nối hợp tác hỗ trợ, quy tụ sức mạnh từ các nguồn lực. Ông Jon Nguyễn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex khẳng định: để thành công và làm chủ được một công nghệ cần phải có các chuyên gia về bo mạch và hiểu sâu về thiết kế trong tạo ra một sản phẩm. “Chúng tôi đã hội tụ được những chuyên gia là người Việt trên thế giới cùng tham gia để tạo ra một sản phẩm do chính người Việt làm chủ cả phần cứng và phần mềm”. Điều này khẳng định người Việt có thể làm chủ các công nghệ, thiết kế bo mạch cả ở hiện tại cũng như tương lai và có thể sánh ngang với thế giới.

Được biết chiếc máy tính bảng Xelex đầu tiên hoàn toàn do những người Việt làm chủ công nghệ. Đặc biệt thay vì phải thuê gia công ở nước ngoài thì hiện nay nhà máy Trung Nam ở Đà Nẵng đã có thể thiết kế được hơn 10 lớp bo mạch cho máy tính. Ông Jon Nguyễn cho biết: với việc làm chủ công nghệ bo mạch, tương lai Xelex sẽ tiếp tục các thiết kế cho thiết bị AI, IoT, cloud, server… để hỗ trợ các ngành phát triển đảm bảo an ninh thông tin.

Theo các chuyên gia, việc sáng tạo làm chủ phần cứng, các thiết kế bo mạch kết hợp với làm chủ phần mềm sẽ tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam một cách trọn vẹn.

KHAI THÁC CƠ HỘI ĐỂ VIỆT NAM CẤT CÁNH, VƯƠN LÊN

Để Make in Vietnam, làm chủ công nghệ, điều quan trọng trước hết phải xuất phát từ con người đủ năng lực, có trình độ công nghệ cao. Do đó, theo các chuyên gia, cần phải quy tụ, kêu gọi được những người Việt Nam trên toàn cầu, đang làm việc cho các hãng công nghệ lớn, có kinh nghiệm về nước để hợp tác. Cùng với đó hợp tác với các hãng công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với các tri thức của quốc tế. Đặc biệt cần phải nhanh chóng đẩy mạnh quá trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với các xu thế công nghệ mới, làm chủ công nghệ và tạo ra các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam.

Đề xuất về các cơ chế và sự hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển công nghệ lõi, ông Thắng cho rằng để Make in Vietnam cũng như bắt nhịp và tận dụng cơ hội của cách mạng 4.0, chúng ta cần phải có 3 thành tố chính.

Trước hết, hành lang pháp lý phải đi trước một bước, mở đường, tạo cơ hội cho các ứng dụng mới phát triển. Chủ trương của Nhà nước sẽ nhanh chóng tạo ra các cơ chế thử nghiệm ý tưởng công nghệ mới Sandbox, tạo hành lang pháp lý mở đường cho cái mới phát triển.

Thứ hai là yếu tố con người, phải có đủ kiến thức làm chủ công nghệ.

Thứ ba là cần cập nhật các công nghệ tiên tiến mà thế giới đang có, trên cơ sở đó làm chủ công nghệ, tạo ra các sản phẩm ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam; đồng thời hội nhập thế giới, cung cấp cho các thị trường toàn cầu.

 
Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và vươn lên phát triển mạnh mẽ nếu nắm được các công nghệ lõi, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là thời cơ cho Việt Nam cất cánh. Chỉ khi có hoài bão khát vọng và nắm được công nghệ lõi, chúng ta mới có thể cất cánh vươn lên.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong làm chủ công nghệ, các chuyên gia cho rằng con người sẽ làm chủ các công nghệ lõi để tạo ra các sản phẩm tiên tiến, quay trở lại phục vụ sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số và tiến tới xã hội thông minh 5.0.

Với khát vọng người Việt làm chủ công nghệ, phát triển toàn cầu với sự hỗ trợ của tri thức chuyên gia công nghệ các nước, TS.Hoàng Lê Minh khẳng định muốn làm gì cũng cần phải có cơ hội và nguồn lực. Việt Nam hiện nay đã hội tụ đủ các điều kiện về cơ hội và tiềm lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ khát khao đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất mà người Việt cần là định hướng phát triển và thực hiện sáng tạo công nghệ. Các chuyên gia cho rằng để có nguồn lực thực hiện công nghệ AI, Blockchain phải thông qua đào tạo. Cùng với đó cần hình thành những nền tảng đổi mới sáng tạo mở để hợp tác, kết nối, chia sẻ cùng nhau. Đây chính là cơ hội để dẫn đến thành công.

Chia sẻ vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và vươn lên phát triển mạnh mẽ nếu nắm được các công nghệ lõi, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. “Đây là thời cơ cho Việt Nam cất cánh. Muốn vậy, phải đào tạo nguồn lực có đầy đủ kiến thức, nắm được công nghệ lõi. Chỉ khi có hoài bão khát vọng và nắm được công nghệ lõi, chúng ta mới có thể cất cánh vươn lên”, GS. Đức nói.

Dựa trên các công nghệ đã có, nếu không sáng tạo thì không thể làm ra các sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu. Chỉ có sáng tạo mới có thể làm ra những thứ tốt hơn thế giới đã làm hoặc làm ra những thứ thế giới chưa có. Điều này đòi hỏi cần phải tạo dựng được môi trường kết nối tốt nhất, có sự chia sẻ nguồn lực, kiến thức, thế mạnh cũng như các kết quả đã làm được.

“Khi có môi trường chính sách và sự hỗ trợ cộng tác của các đối tác nước ngoài cũng như kết nối với cộng đồng trí thức, đặc biệt là các Việt kiều thì chắc chắc người Việt sẽ tạo ra và làm chủ được các công nghệ lõi”, các chuyên gia khẳng định.

 
The Insight Partners dự báo quy mô thị trường Blockchain sẽ tăng từ 4,93 tỷ USD vào năm 2021 lên 227,99 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép ước tính vào khoảng 72,9% từ năm 2021 đến năm 2028. Sự tăng trưởng của thị trường Blockchain chủ yếu do sự quan tâm của các công ty lớn trên thị trường như IBM, Microsoft, Oracle và Intel...
Còn theo dự báo của Tractica, doanh thu phần mềm AI toàn cầu sẽ tăng từ 10,1 tỷ USD năm 2018 lên 126 tỷ USD năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 43%. Đến năm 2025, doanh thu phần mềm AI có tỉ trọng cao trong các lĩnh vực: tiêu dùng (10%), dịch vụ tài chính (10%), viễn thông (9%), công nghiệp ôtô (9%), bán lẻ (7%)…