15:29 18/11/2017

Lần đầu Thủ tướng nêu quan điểm về BOT trước Quốc hội

Nguyên Vũ

Chính phủ đã nhìn ra những bất cập trong hình thức này và đang quyết liệt chấn chỉnh

"Những công trình BOT phải được đấu thầu công khai, rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, giảm chi phí cho xã hội, chứ không phải chỉ định thầu, ảnh hưởng đến công trình", Thủ tướng hồi âm đại biểu.
"Những công trình BOT phải được đấu thầu công khai, rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, giảm chi phí cho xã hội, chứ không phải chỉ định thầu, ảnh hưởng đến công trình", Thủ tướng hồi âm đại biểu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành về quan điểm của mình trước những dư luận khác nhau về các dự án theo mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông tại nghị trường chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã nhìn ra những bất cập trong hình thức này và đang quyết liệt chấn chỉnh. 

Phải đấu thầu công khai

Đầu tiên, Thủ tướng khẳng định, tầm quan trọng của việc xã hội hóa nguồn lực đã được thể hiện trong tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa 13 về phát triển hạ tầng ở Việt Nam. 

"Chúng ta đã có bước phát triển hạ tầng tốt vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, đã thu hút được đến 200.000 tỷ vốn xã hội vào lĩnh vực này, cái được là phải khẳng định", ông nói.

"Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chúng ta đã thấy những bất cập mà tôi chỉ nêu một số ý lớn" , Thủ tướng trình bày.

Trước hết là bất cập trong quy hoạch hệ thống BOT, chúng ta chưa làm tốt điều này,  triển khai ồ ạt dẫn đến chồng chéo. Có những tuyến làm dư luận bất bình, những tuyến gây bức xúc xã hội về số trạm thu phí, số km đặt trạm, giá phí...

Bên cạnh cơ chế, thì thể chế về BOT còn nhiều bất cập, bên cạnh đó cũng thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm diễn ra. Hiện Chính phủ đang kiểm tra chấn chỉnh quyết liệt. 

"Với tinh thần phải xã hội hoá mạnh mẽ nguồn lực trong thời gian tới, BOT là cách thức huy động vốn rất quan trọng trong hai lĩnh vực điện và giao thông. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để các quy định tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở khoa học, kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, giá phí".

"Đặc biệt, những công trình BOT phải được đấu thầu công khai, rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, giảm chi phí cho xã hội, chứ không phải chỉ định thầu, ảnh hưởng đến công trình", Thủ tướng hồi âm đại biểu.

Liên quan đến một dự án cụ thể là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Thủ tướng cho biết mới hôm qua, đích thân ông đã là việc với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thống nhất sẽ làm tuyến này bằng hình thức BOT, trên tinh thần khắc phục những tồn tại của BOT hiện nay. 

Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bắc Giang, Lạng Sơn tìm nhà đầu tư có năng lực nhất để sớm triển khai dự án này, hoàn thành vào năm 2019 - 2020. Công việc sẽ được triển khai ngay khi kết thúc kỳ họp Quốc hội.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách

Trước đó chỉ vài ngày, Văn phòng Chính phủ cũng đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết.

Trong đó, việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức đầu tư BOT và BT đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục. 

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng nghị quyết nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Thủ tướng cũng cho biết đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT...

Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành các quy trình quyết toán hợp đồng đối với các nhà đầu tư, thực hiện quyết toán các công trình theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát thời gian thu phí hợp lý các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT và BT thời gian qua, đánh giá toàn diện những mặt được và những hạn chế, bất cập, đề xuất kiến nghị các giải pháp khắc phục hữu hiệu trong giai đoạn tới.