10:52 17/04/2008

Lập “ngân hàng” cho người nghèo: Cửa mới “hé”!

Công Lý

Các điều kiện thành lập tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam còn khá gò bó

Do đối tượng khách hàng của hoạt động tín dụng quy mô nhỏ có đặc thù là người nghèo, nên tài sản đảm bảo cho khoản vay cũng mang tính đặc thù, đó là khoản tiết kiệm bắt buộc.
Do đối tượng khách hàng của hoạt động tín dụng quy mô nhỏ có đặc thù là người nghèo, nên tài sản đảm bảo cho khoản vay cũng mang tính đặc thù, đó là khoản tiết kiệm bắt buộc.
Ngày 9/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2005/NĐ - CP về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam.

Sau hơn hai năm, những quy định này được sửa đổi bằng Nghị định 165/2007/NĐ-CP và đến đầu tháng 4/2008 mới có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Các điều kiện thành lập loại hình này còn khá gò bó... Theo quy định, đối tượng được phép thành lập tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam bao gồm: tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam, quỹ từ thiện và quỹ xã hội, tổ chức phi chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức khác trong nước và nước ngoài có thể tham gia góp vốn. Vốn pháp định của một tổ chức tài chính quy mô nhỏ là 5 tỷ đồng.

Hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ được hiểu như là hoạt động của dịch vụ tài chính ngân hàng nhỏ gồm: tín dụng quy mô nhỏ, nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tự nguyện và một số dịch vụ thanh toán cho các hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay trên địa bàn Việt Nam có rất ít tổ chức tài chính quy mô nhỏ đang hoạt động, đáng kể nhất là gần 60 tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Một cá nhân, tổ chức muốn góp vốn để thành lập loại hình này phải tìm được đối tác là một tổ chức của Việt Nam đã từng hoạt động trong lĩnh vực này liên tục trong khoảng thời gian ít nhất 3 năm trước đó. Ngoài ra, trong một năm trước khi xin thành lập phải đáp ứng được yêu cầu về quản trị, kiểm soát và điều hành an toàn.

Đây thực sự là một đối tác khó tìm ở Việt Nam bởi số lượng quá ít, chủ yếu là các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân... Do đó sẽ hạn chế nhiều tổ chức cá nhân chưa từng hoạt động tài chính quy mô nhỏ muốn đưa vốn vào hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước mới đây thì các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ... Và vốn điều lệ được góp dưới hình thức hiện vật không được vượt quá 5% tổng số vốn điều lệ của tổ chức tài chính quy mô nhỏ...

Đây là một quy định mang tính an toàn nhưng lại hạn chế sự linh hoạt của các tổ chức này vì chỉ được hoạt động tín dụng trong phạm vi số vốn điều lệ của mình.

Theo nhiều ý kiến, nên nới lỏng quy định này vì các tổ chức tài chính quy mô nhỏ có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau sau khi đã đăng ký hoạt động. Nếu số vốn này được Ngân hàng Nhà nước bảo đảm xác thực thì phải được tổ chức tài chính quy mô nhỏ đưa vào hoạt động tín dụng.

 

Thêm một hạn chế nữa là điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động là tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải có phương án kinh doanh khả thi trong 3 năm đầu hoạt động. Phương án kinh doanh khả thi trong 3 năm là một khoảng thời gian dài vì hoạt động tín dụng quy mô nhỏ có đối tượng khách hàng chứa đựng rủi ro cao.

Khách hàng tài chính quy mô nhỏ là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp thoả mãn các tiêu chí theo quy định của tổ chức tài chính quy mô nhỏ trên cơ sở tham khảo chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ.

Do đối tượng khách hàng của hoạt động tín dụng quy mô nhỏ có đặc thù là người nghèo, nên tài sản đảm bảo cho khoản vay cũng mang tính đặc thù, đó là khoản tiết kiệm bắt buộc. Đó là khoản tiền nhỏ gửi định kỳ tương ứng với một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá trị của khoản vay được giữ lại.

Như vậy đối tượng tài sản khác như bất động sản, phương án kinh doanh sản xuất..., không thể trở thành tài sản thế chấp bảo đảm khoản vay. Đây là một điểm thiếu tính linh hoạt trong hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ, vì đối tượng khách hàng là người nghèo thường không có tiền để gửi tiết kiệm bắt buộc, như vậy họ cũng không thể vay được tiền để hoạt động sản xuất, kinh doanh.

* Tổ chức tài chính quy mô nhỏ chính là doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

Với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải có ít nhất một thành viên góp vốn là tổ chức đã trực tiếp tham gia quản trị hoặc điều hành một hoặc một số tổ chức, chương trình, dự án có cung cấp dịch vụ nhận tiết kiệm bắt buộc và cấp tín dụng quy mô nhỏ tại Việt Nam trong 3 năm liền trước thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép. Phải chứng minh được việc quản trị, kiểm soát và điều hành an toàn, bền vững đối với các hoạt động tài chính quy mô nhỏ trong thời gian ít nhất là 1 năm liền trước thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép.

Với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì ngoài những điều kiện trên thì phải có báo cáo tài chính của các chương trình, dự án hoặc tổ chức có hoạt động tài chính quy mô nhỏ trong 2 năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập.