18:05 28/04/2010

Lo tình huống xấu, Hy Lạp ban lệnh cấm bán khống

Mai Phương

Hy Lạp vừa ban bố lệnh cấm bán khống trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh khủng hoảng nợ liên tục leo thang

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou. Chính phủ Hy Lạp đang chạy đua với thời gian để có được gói cứu trợ của EU và IMF - Ảnh: AP.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou. Chính phủ Hy Lạp đang chạy đua với thời gian để có được gói cứu trợ của EU và IMF - Ảnh: AP.
Các nhà chức trách Hy Lạp vừa ban bố lệnh cấm bán khống trên thị trường chứng khoán nước này. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh giá cổ phiếu của Hy Lạp liên tục lao dốc, trước những lo ngại liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ công.

Theo hãng tin BBC, lệnh cấm trên được Chính phủ Hy Lạp đưa ra sáng 28/4 theo giờ địa phương, trước khi thị trường mở cửa giao dịch. Trước đó, Hy Lạp đã cấm bán khống các cổ phiếu ngân hàng.

Các lệnh cấm bán khống được ban bố nhằm ngăn các nhà đầu tư đặt cược vào sự lao dốc của giá cổ phiếu. Hoạt động bán khống bị xem là có thể làm xói mòn niềm tin vào thị trường, đặc biệt trong bối cảnh Hy Lạp đang ngấp nghé bờ vực vỡ nợ cấp quốc gia.

Ngày 27/4, thị trường chứng khoán thế giới đã chao đảo mạnh sau khi Hy Lạp và Bồ Đào Nha bị Standard & Poor’s đánh tụt hạng mức tín nhiệm. Giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán Hy Lạp đã sụt giảm 9% vì thông tin này.

Hiện tại, định mức tín nhiệm nợ của Hy Lạp đã bị Standard & Poor’s hạ về mức BB+ từ mức BBB+ trước đó. Việc giảm điểm tín nhiệm này đồng nghĩa với việc trái phiếu chính phủ do Athens phát hành không còn được xem là trái phiếu hạng đầu tư, mà là loại chứa đựng nhiều rủi ro.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp vì thế cũng tăng vọt theo. Trong phiên giao dịch ngày 27/4, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm do Chính phủ Hy Lạp phát hành đã leo lên mức 10,13%, cao chưa từng có đối với một quốc gia sử dụng đồng Euro.

Trong khi đó, các kế hoạch giải cứu Hy Lạp vẫn chưa được thực hiện. Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cùng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet đang chuẩn bị tới Đức, để thúc giục các nhà làm luật nước này thông qua việc giải cứu Hy Lạp. Liên minh châu Âu (EU) và IMF đang được xem là “người cho vay cuối cùng” đối với Athens ở thời điểm hiện nay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27/4 đã nhắc lại yêu cầu đối với Hy Lạp để đổi lấy kế hoạch giải cứu. Theo bà Merkel, Hy Lạp trước hết cần vạch ra những bước tiếp theo để giảm thâm hụt ngân sách trước khi chính phủ của bà thông qua gói vốn vay. “Nếu không, sẽ chẳng có ai giúp Hy Lạp cả”, bà Merkel cảnh báo.

Ở thời điểm này, bất kỳ một thông tin khả dĩ nào về diễn biến kế hoạch cứu Hy Lạp cũng có tác dụng trấn an thị trường, dù ít dù nhiều. Hôm 27/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy trong chuyến thăm Tokyo đã công bố sẽ tổ chức một cuộc họp gồm người đứng đầu các nhà nước và chính phủ trong khu vực sử dụng đồng Euro vào ngày 10/5 tới để đàm phán về cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Ông Van Rompuy khẳng định, tiến trình đàm phán về kế hoạch cứu Hy Lạp đang diễn ra trôi chảy và sẽ không có chuyện nợ của Hy Lạp bị tái cơ cấu.

Ngoài ra, tờ Financial Times còn loan tin, IMF đang cân nhắc tăng mức viện trợ cho kế hoạch cứu Hy Lạp lên 25 tỷ Euro, từ mức 10 tỷ Euro như dự kiến ban đầu.
Hy Lạp đang cần một gói giải cứu từ EU và IMF muộn nhất là tới thời điểm giữa tháng 5 này, vì đó là thời điểm mà Athens phải thanh toán cho các nhà đầu tư trái phiếu số nợ đáo hạn 8,5 tỷ Euro. Theo giới phân tích, nếu Hy Lạp vỡ nợ, thì các ngân hàng nước ngoài nắm giữ nợ của Athens chắc chắn sẽ “lãnh đủ”.

BBC cho biết, điều làm các nhà đầu tư lo lắng ở thời điểm này là sự suy giảm niềm tin vào Hy Lạp có thể lan rộng sang các nền kinh tế “ọp ẹp” khác trong khối sử dụng đồng Euro. Định mức tín nhiệm của Bồ Đào Nha cũng vừa bị Standard & Poor’s hạ về A- từ mức A+ trước đó.

Một số quốc gia khác trong Eurozone đang bị xem là có khả năng “theo chân” Hy Lạp bao gồm Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland…