10:21 12/04/2010

Châu Âu cuống cuồng cứu Hy Lạp

Kiều Oanh

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí cứu Hy Lạp khỏi thảm họa vỡ nợ bằng một gói vốn vay trị giá 40 tỷ USD

Thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker, phát biểu ở Brussels (Bỉ) hôm 11/4 - Ảnh: Getty.
Thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker, phát biểu ở Brussels (Bỉ) hôm 11/4 - Ảnh: Getty.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí cứu Hy Lạp khỏi thảm họa vỡ nợ bằng một gói vốn vay trị giá 40 tỷ USD. Quyết định trên được châu Âu đạt được vào ngày 11/4 trong bối cảnh Athens sắp sửa bị cuộc khủng hoảng nợ công dồn vào chân tường.

Tờ New York Times cho biết, theo kế hoạch giải cứu đã được chờ đợi từ lâu này, Hy Lạp sẽ được vay vốn với lãi suất 5%, thấp hơn nhiều so với mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp 7,5% trên thị trường tuần trước. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng không thấp như Hy Lạp chờ đợi.

Ngoài 40 tỷ USD vốn vay từ EU, Athens có thể hy vọng được vay thêm 20 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với mức lãi suất thậm chí còn thấp hơn 5%.

Theo các nhà chức trách EU, khoản vay nói trên sẽ ở trạng thái chờ kích hoạt và sẽ được cấp ngay khi Athens có đề nghị. Hiện phía Hy Lạp vẫn chưa đưa ra đề nghị chính thức nào về việc xin được giải cứu.

Trước khi đi tới quyết định cụ thể cứu Hy Lạp, các nhà lãnh đạo châu Âu mới chỉ hứa “suông” với Athens. Đức là nước đi đầu trong việc phản đối cứu Hy Lạp vì lo ngại một động thái như vậy có thể tạo tiền lệ cho các nước có nợ công cao ở châu Âu đòi được vay vốn theo.

Tuy nhiên, những lo ngại gia tăng về khả năng Hy Lạp rơi vào thảm họa vỡ nợ, đe dọa địa vị của đồng Euro và kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền tại các quốc gia đang có mức nợ khổng lồ khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Italy đã buộc Liên minh châu Âu (EU) phải hành động. Kết quả là những cam kết cụ thể đã được đưa ra sau một thời gian dài bị trì hoãn vì bất đồng giữa các thành viên của liên minh này.

“Châu Âu đã đạt tới sự đoàn kết với kế hoạch cứu trợ này. Đó là thông điệp quan trọng nhất của ngày hôm nay”, ông Silvio Peruzzo, chuyên gia kinh tế về khu vực sử dụng đồng Euro thuộc ngân hàng Royal Bank of Scotland, nhận xét trên New York Times.

Tại buổi họp báo diễn ra Brussels, Bỉ, nhân quyết định giải cứu Hy Lạp, Thủ tướng Luxembourg, người đứng đầu nhóm bộ trưởng bộ tài chính Eurozone, ông  Jean-Claude Juncker, phát biểu: “Kế hoạch đã có tiền”.

Tờ New York Times bình luận, động thái cứu Hy Lạp - vụ giải cứu một quốc gia đầu tiên trong lịch sử của khối sử dụng đồng Euro - đã đưa 16 nước thành viên xích lại gần nhau hơn. Ngoài ra, quy mô của gói giải cứu hơn mức kỳ vọng của thị trường sẽ có tác dụng tích cực trong việc trấn an các nhà đầu tư, theo đó giúp Hy Lạp có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường trái phiếu.

Theo New York Times, giới phân tích đang kỳ vọng lợi suất trái phiếu Chính phủ Hy Lạp sẽ giảm mạnh khi thị trường đi vào giao dịch ngày hôm nay. Mức lãi suất 5% mà EU dành cho khoản cứu trợ Hy Lạp đang được xem là một mốc chuẩn để so sánh với lợi suất trái phiếu do Athens phát hành.

Trước khi EU chính thức công bố chi tiết của gói giải cứu Hy Lạp ngày 11/4, Athens vẫn hy vọng sẽ được cấp vốn vay với lãi suất ngang bằng với mức mà IMF vẫn áp dụng cho các khoản vay của định chế này. Tuy nhiên, với việc đưa ra một mức lãi suất cao hơn những gì mà Athens kỳ vọng, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đang muốn phát đi tín hiệu rằng, Hy Lạp cần tự mình giải quyết khủng hoảng nợ bằng con đường huy động vốn từ thị trường trái phiếu, nếu có thể.

Hy Lạp dự kiến trong ngày mai (13/4) sẽ thực hiện một đợt đấu giá trái phiếu chính phủ. Phản ứng của thị trường đối với đợt phát hành này sẽ cho thấy động thái ngày 11/4 của EU đã đủ sức xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư hay chưa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou tuyên bố, Athens sẽ nỗ lực để tránh phải vay tiền từ EU và IMF. “Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục vay vốn từ thị trường như thường lệ, và chúng tôi đủ khả năng để làm được điều này. Chính phủ Hy Lạp vẫn chưa đề nghị kích hoạt cơ chế hỗ trợ dù cơ chế này đã được thiết lập”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Hy Lạp, ông George Papandreou, miêu tả quyết định của EU là sự chứng nhận đối với những nỗ lực mà Chính phủ của ông đã thực hiện để tự giải thoát khỏi gọng kìm khủng hoảng. “Với quyết định ngày hôm nay, toàn thể châu Âu đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, không ai có thể đùa với đồng tiền chung của chúng tôi, không ai có thể đùa với số phận chung của chúng tôi”, New York Times dẫn lời phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, ít có khả năng Hy Lạp sẽ tự thoát khỏi khủng hoảng mà không cần tới sự hỗ trợ của EU. Dù được EU cứu, nhưng Hy Lạp vẫn tiếp tục phải chống chọi với vô vàn thách thức. Ngoài “núi” nợ công, Hy Lạp còn gánh khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp cao ngất. Sự phản đối quyết liệt của dân chúng nhằm vào các kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Athens khiến cho các kế hoạch này khó được thực thi.

Để được nhận sự cứu trợ này, Hy Lạp sẽ phải tuân thủ những đòi hỏi ngặt nghèo của EU trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Các đòi hỏi này đã được EU đưa ra từ trước và không được bổ sung thêm khi khối này công bố số tiền cứu trợ Hy Lạp vào ngày 11/4.

Phần đóng góp của mỗi quốc gia trong nhóm sử dụng đồng Euro sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp của họ vào dự trữ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), mà tỷ lệ này chủ yếu dựa trên quy mô nền kinh tế của mỗi quốc gia. Là nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, Đức sẽ là nước đóng góp nhiều nhất vào kế hoạch này, với số tiền có thể lên tới hơn 6 tỷ Euro, tương đương trên 7 tỷ USD.

Những nước đang gặp khó khăn tài chính như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland cũng đã nhất trí tham gia đóng góp để cứu Hy Lạp.