08:29 20/11/2013

Lời hứa và trách nhiệm bộ trưởng

Lê Châu

Quốc hội xem xét trách nhiệm thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ

Bộ trưởng Cao Đức Phát (phải) và Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bên hành lang Quốc hội - Ảnh: VnExpress.<br>
Bộ trưởng Cao Đức Phát (phải) và Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bên hành lang Quốc hội - Ảnh: VnExpress.<br>
Đại biểu Quốc hội nghẹn ngào trước nghị trường vì “khi chúng ta đang ngồi đây thì hàng vạn người dân đang ngập tràn trong lũ”. Nhưng một trong những người phải chịu trách nhiệm về việc này là Bộ trưởng Bộ Công Thương thì không có mặt, vì đang đi công tác nước ngoài.

Ngày 19/11, Quốc hội có một phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp để xem xét trách nhiệm thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.

Cần điều tra xem xét trách nhiệm


Đánh giá cao tinh thần vào cuộc của Chính phủ trong ứng phó với thiên tai, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Phúc lại nêu vấn đề: “Làm thế nào để có giải pháp thật sự căn cơ, chứ cứ lãnh đạo Chính phủ đến chỉ đạo quyết liệt thì không thấy lũ, lãnh đạo Chính phủ đi thì lũ lại... về”.

Vị đại biểu đến từ miền Trung, nơi mà “trước khi kỳ họp thứ 6 bắt đầu thì bà con nơi đây đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề của lũ lụt, và ngay cả khi chúng ta đang ngồi đây thì cũng có hàng ngàn người dân đang ngập tràn trong lũ”, đã đưa ra một kiến nghị đanh thép rằng “cần điều tra, xử lý kỷ luật, thậm chí xem xét trách nhiệm”.

Đây cũng là kiến nghị của đại biểu Đỗ Văn Đương: “Không thể vì lợi ích nhỏ mà hi sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ du như vậy. Phải truy cứu trách nhiệm hình sự một cách nghiêm khắc như “quy tội” cố ý làm trái”.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng cần xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong các vấn đề liên quan đến thủy điện. Là người điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn có cho biết do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang công tác nước ngoài nên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến quy hoạch thủy điện và chính sách cho đồng bào tái định cư thủy điện.

Tuy nhiên, sau đó, đến tận lúc kết thúc, cũng không thấy Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu.

Đối thoại vô tiền khoáng hậu


Nhắc lại nội dung câu chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại kỳ họp thứ 3 về có bao nhiêu dự án đầu tư gây ra lãng phí, thất thoát, đại biểu Đỗ Văn Đương nhắc người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư đang nợ câu trả lời về tình hình tổng rà soát này.

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của đại biểu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn tỏ ra mạnh mẽ  hơn nhiều khi ông nói thẳng, “để biết bao nhiêu dự án thất thoát, lãng phí là rất... khó, vì tiêu chí thế nào là lãng phí, không hiệu quả?”.

Tương tự là cuộc đối thoại giữa đại biểu Nguyễn Thành Tâm và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại biểu Tâm nói: “Kỳ họp thứ 4, tôi chất vấn Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nợ đọng xây dựng cơ bản. Sau đó, tôi nhận được công văn hứa sẽ trả lời sau khi có kết quả rà soát. Tới kỳ 5, tôi tiếp tục chất vấn, nay vẫn không nhận được trả lời”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rành rọt nói đã gửi báo cáo về số liệu nợ đọng xây dựng cơ  bản đến các đại biểu Quốc hội, theo đó, nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm từ hơn 80 nghìn tỷ xuống còn khoảng 43 nghìn tỷ đồng, đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Ông Vinh còn băn khoăn vì, “không hiểu sao đại biểu lại không nhận được báo cáo?”.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm, sau khi nghe trả lời như vậy đã nhấn mạnh rằng cái mà ông muốn nhận được, không phải là các con số mà là việc xử lý trách nhiệm ra sao trong việc để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản như vậy, bởi vì đó là sự thể hiện kỷ luật ngân sách chưa nghiêm.

Nhiều việc đòi hỏi phải có thời gian...


Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo tổ  chức thực hiện quyết liệt, có những việc đã  đạt kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới”.

Phó thủ tướng cũng cho biết, đến nay, các nội dung trong nghị quyết đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, có nhiều nội dung đòi hỏi việc triển khai phải có thời gian, nguồn lực và phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì như: quản lý và sử dụng đất đai, ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện...