10:36 05/06/2023

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng

Phan Linh

Sáng 5/6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trước Quốc hội. Cơ quan thẩm tra đã nêu 5 lý do cần cân nhắc về việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng...

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản phù hợp với các luật có liên quan. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan, nhất là các luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, hạn chế tối đa mâu thuẫn, bất cập trong triển khai thực hiện quy định của Luật sau này; rà soát các FTA để bảo đảm sự tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế.

CÂN NHẮC VIỆC SỬA ĐỔI CÁC GIỚI HẠN CẤP TÍN DỤNG 

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 55), Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ như tại dự thảo Luật. Đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động đến thị trường chứng khoán.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật quy định lộ trình phù hợp để các cổ đông hiện hữu thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư. 

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng ngày 5/6 tại hội trường.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng ngày 5/6 tại hội trường.

Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 127), cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng, vì 5 lý do.

Thứ nhất, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro.

Thứ hai, có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước.

Thứ ba, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

Thứ tư, trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với Luật hiện hành.

Thứ năm, thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị trường hợp áp dụng quy định này cần có lộ trình cho các khoản vay và đối tượng đã vay vốn trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm dòng vốn không bị dừng đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

KIẾN NGHỊ MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA LUẬT

Về đối tượng áp dụng (Điều 2), ông Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát mở rộng đối tượng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là “các công ty công nghệ tài chính”. 

 

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ như tại dự thảo Luật. Đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động đến thị trường chứng khoán.

Về áp dụng pháp luật (Điều 3), Uỷ ban Kinh tế cho rằng quy định ưu tiên áp dụng Luật các tổ chức tín dụng tại khoản 2 Điều này sẽ làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị các nội dung cần có quy định đặc thù so với các luật khác thì quy định cụ thể ngay trong từng điều, khoản của dự thảo Luật.

Về giải thích từ ngữ (Điều 4), đối với khái niệm người có liên quan, đề nghị bổ sung đánh giá thực trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng, giữa ngân hàng với doanh nghiệp và công ty chứng khoán, từ đó làm rõ cơ sở đề xuất bổ sung thêm đối tượng người có liên quan; rà soát với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán để bảo đảm thống nhất khi triển khai. Ngoài ra, đề nghị rà soát, làm rõ khái niệm về hoạt động ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã...

Về ngân hàng chính sách (Điều 17), Chính phủ đã bổ sung thêm quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết; bổ sung, hoàn thiện các quy định theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn; rà soát các quy định tại các luật có liên quan, bảo đảm không vướng mắc và đủ căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện. Đồng thời, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; việc xử lý trong trường hợp khẩn cấp hoặc gặp khó khăn về thanh khoản. Trong dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng luật riêng điều chỉnh loại hình ngân hàng chính sách.

Về tài chính, hạch toán, báo cáo (từ Điều 135 đến Điều 143): Chính phủ đã bổ sung thêm nguyên tắc quản lý tài chính (Điều 135). Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn tại các Nghị định có liên quan, trong đó có các quy định liên quan đến vốn; sử dụng vốn, tài sản; việc bảo đảm an toàn vốn; doanh thu, chi phí, lợi nhuận, lãi dự thu, trích lập dự phòng, chế độ kế toán, kiểm toán, trích lập các quỹ... để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện cũng như quản lý, giám sát đối với hoạt động của tổ chức tín dụng.