06:00 30/07/2021

Luật điện lực hiện hành đã “lỗi thời”

Nguyễn Mạnh

Luật Điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” nhưng chưa có quy định độc quyền những hoạt động cụ thể nào trong truyền tải điện, dẫn đến đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp thời với phát triển nguồn...

Sửa đổi Luật điện lực để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững.
Sửa đổi Luật điện lực để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững.

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực tiễn thi hành hiện nay.

Trong đó, có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nguồn năng lượng tái tạo.

KHÔNG CÒN PHÙ HỢP

Trong báo cáo: “Đánh giá tác động của chính sách Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực” gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ, Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều (năm 2012 chủ yếu sửa đổi quy định về giá điện và phí, năm 2018 chủ yếu sửa đổi quy định về quy hoạch phát triển điện lực để phù hợp với Luật Quy hoạch).

Do đó, cần tổng kết và đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây (có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều) để đảm bảo việc nghiên cứu đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay.

 
Trong thực tiễn thi hành hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được và cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành hiện đang thiếu cơ sở pháp lý tại Luật Điện lực.

Cụ thể, các vấn đề bất cập được xác định. Thứ nhất, Luật Điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” nhưng chưa có quy định cụ thể nhà nước độc quyền những hoạt động cụ thể nào trong hoạt động truyền tải điện nên dẫn đến đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp thời với phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong toàn quốc.

Thứ hai, chưa có quy định để triển khai chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW để “Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia” và “Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Thứ ba, chưa có quy định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục so với lập quy hoạch mới, chưa có quy định điều chỉnh cục bộ dự án trong quy hoạch phát triển điện lực tại Luật Điện lực và Luật Quy hoạch hiện hành, dẫn đến không thể bổ sung các công trình điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong từng khu vực.

Thứ tư, chưa có quy định “phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh” trong quy hoạch phát triển điện lực, chưa quy định danh mục dự án ngoài dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện trong quy hoạch phát triển điện lực, dự án quan trọng và ưu tiên của tỉnh trong quy hoạch tỉnh dẫn đến không thể đánh giá các dự án điện không có trong danh mục Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch tỉnh là phù hợp với quy hoạch, do đó, không thể triển khai theo các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và điện lực.

Luật Điện lực cần được bổ sung nhằm hoàn thiện quy định pháp luật trong nước, phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa; luật hóa định hướng chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ.

KHÓ THU XẾP VỐN CHO LƯỚI ĐIỆN TRUYỀN TẢI

Trong báo cáo nêu trên, Bộ Công Thương cho biết nếu vấn đề không được giải quyết sẽ gây ra một số hậu quả.

Thứ nhất, khó khăn trong việc thu xếp vốn do nhu cầu nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải là rất lớn. Theo Dự thảo Đề án phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó, lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD, cơ cấu trung bình vốn đầu tư cho nguồn và lưới là 74/26. Giai đoạn 2021 - 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD, trong đó 3,3 tỷ USD cho lưới.

Giai đoạn 2031 – 2045, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó, lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD, cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 73/27. Giai đoạn 2031 - 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD, trong đó 3,4 tỷ USD cho lưới điện truyền tải.

 
Do áp lực thu xếp vốn đầu tư lưới điện truyền tải rất lớn kết hợp với một số nguyên nhân khách quan khác dẫn đến việc đầu tư lưới điện chưa đạt theo kế hoạch, quy hoạch được duyệt, một vài khu vực còn chưa đáp ứng với nhu cầu phụ tải, chưa kịp thời với phát triển nguồn điện gây lãng phí nguồn lực do không giải tỏa hết công suất của nguồn điện.

Thứ hai, ngành điện là một ngành kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu cho các ngành kinh tế khác, trong khi nước ta đang trong giai đoạn đang phát triển, nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Việc dự báo phụ tải, đặc biệt là xác định vị trí phát triển của phụ tải gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, thực tế thời gian qua ngành điện cần phải bổ sung nhiều dự án cục bộ vào quy hoạch để thực hiện cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phụ tải. Trong khi đó, Luật Quy hoạch quy định thủ tục bổ sung quy hoạch rất khó khăn phức tạp, gần như không thể điều chỉnh bổ sung cục bộ. Đây là rào cản lớn cho hoạt động đầu tư xây dựng lưới truyền tải.

Thực tế trong thời gian 3 năm vừa qua, có nhiều dự án nguồn năng lượng tái tạo được bổ sung quy hoạch nhưng không bổ sung lưới điện đấu nối truyền tải. Vì vậy, làm ảnh hưởng đến đồng bộ xây dựng nguồn và lưới gây lãng phí nguồn lực do không giải tỏa hết công suất của nguồn điện.

Thứ ba, không thực hiện được thủ tục đánh giá sự phù hợp theo quy hoạch đối với dự án điện lực để đảm bảo triển khai dự án đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và điện lực. Do đó, không thực hiện được dự án theo các quy hoạch được duyệt.

Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng công trình điện lực. Đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách về thu hút và xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; luật hóa các hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực, đảm bảo thực thi Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng phù hợp với thực tiễn thi hành trong lĩnh vực điện lực.