14:46 10/02/2021

Chuyển đổi mô hình phát triển trong kỷ nguyên của năng lượng xanh

Phan Anh

"Nếu coi vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu nghiêm trọng như đại dịch Covid thì sẽ tạo sức mạnh rất lớn góp phần đưa Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với sự chuyển đổi mô hình phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững"

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, về những điểm nhấn của ngành trong năm 2020 cũng như định hướng phát triển cho 2021 mà Tài nguyên & Môi trường, đang dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng và đóng góp rất lớn các nguồn lực cho phát triển bền vững đất nước.

Năm 2020 là năm tổng kết nhiệm kỳ 5 năm 2016- 2020. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn quan trọng của ngành Tài nguyên & Môi trường trong năm 2020 cũng như 5 năm qua?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, ngành Tài nguyên & Môi trường đứng trước nhiều khó khăn sóng gió. Các lĩnh vực quản lý, đặc biệt môi trường luôn nảy sinh những sự cố bất ngờ; đất đai luôn đứng đầu trong số các lĩnh vực nóng, có số lượng khiếu kiện đông. Khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến khai thác trái phép, sử dụng thiếu hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Cũng trong 5 năm qua, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực, mọi mặt kinh tế - xã hội Việt Nam.

Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự chuyển tiếp từ chủ trương huy động tất cả nguồn lực cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế dựa trên mô hình khai thác, sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên sang giai đoạn phát triển mới với chủ trương tăng cường quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững.

Hòa chung dòng chảy phát triển, Bộ Tài nguyên & Môi trường luôn hướng về cơ sở, lắng nghe người dân và doanh nghiệp, từ đó có giải pháp giải quyết các vướng mắc bằng thể chế để giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên & môi trường cho phát triển.

Tài nguyên & Môi trường đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp nguồn lực to lớn cho phát triển. Trong 5 năm qua, thu từ đất đạt hơn 850 nghìn tỷ đồng và năm 2020 đã gấp 2 lần so với năm 2015. Đã chuyển dịch khoảng 230 nghìn ha đất sang phục vụ phát triển kinh tế, hạ tầng, đô thị, tạo giá trị gia tăng lớn, nâng cao hiệu quả sử dụng. Gần 1 triệu ha đất chưa sử dụng được đưa vào sử dụng, phát triển rừng... Tài nguyên nước, khoáng sản, tài nguyên biển đã có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.

Để kiến tạo những bước tiến vững chắc, ngành Tài nguyên & Môi trường chủ động nghiên cứu lý luận, thực tiễn đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Chuyển đổi phương thức quản lý từ bị động sang chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm. Đã tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong bảo vệ môi trường, môi trường được đặt ở vị trí trung tâm, hài hòa với kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, đã xác định rõ mô hình kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn là xu thế để giải quyết những thách thức về an ninh tài nguyên, môi trường và khí hậu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.

Đặc biệt, những vấn đề của người dân, doanh nghiệp đã được tập trung giải quyết trên tinh thần kiến tạo, phục vụ, cải cách cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4, trong đó cấp độ 4 là hơn 50%; qua đó sự hài lòng của nhân dân có sự chuyển biến qua từng năm. Đồng thời, Bộ đã đi tiên phong trong chuyển đổi số và hình thành chính phủ số, nền kinh tế số dự trên nền tảng dữ liệu lớn. Đây sẽ là giải pháp Bộ tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng vừa nhấn mạnh đến vấn đề phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa các chủ trương này trong thực tế?

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, đã đến lúc phải thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Ngay từ bây giờ cần tập trung triển khai giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm.

Trước hết, cần tiếp tục cụ thể hóa các chế định về phát triển kinh tế tuần hoàn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối trong thu hồi và tái chế hoặc trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ; quản lý dự án theo vòng đời.

Hai là chuyển đổi mô hình kinh tế, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; chú trọng từ thiết kế, quy hoạch, chọn lọc dự án đầu tư dựa trên công nghệ tiên tiến; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên tiêu chí tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải. Trước mắt, phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải.

Bà là lập quy hoạch các khu tái chế, xử lý chất thải có tính liên vùng để nâng hiệu quả đầu tư, xử lý đồng bộ với công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn.

Bốn là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về tài chính, công nghệ, thúc đẩy thay đổi tư duy, thiết kế mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng: tăng cường sử dụng sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng; ứng dụng công nghệ thiết kế hiện đại giảm tiêu hao vật liệu và tài nguyên; truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm phân loại rác thải tại nguồn.

Vậy Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ có những giải pháp đột phá nào trong năm 2021 để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, vừa góp phần đưa những nguồn lực của ngành phục vụ phát triển kinh tế, vừa quản lý và bảo vệ môi trường hiệu quả?

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở kỷ nguyên của năng lượng xanh. Do đó, Bộ sẽ thúc đẩy thay đổi quan điểm phát triển, chuyển đổi mạnh mẽ từ khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, thân thiện môi trường. Với những nguồn lực không thể tái tạo, cần phải được tính toán, hạch toán để phân bổ hài hòa cho các lĩnh vực, cho thế hệ sau, đảm bảo sử dụng tối ưu và hiệu quả nhất, giảm thiểu chất thải ra môi trường.

Để làm được điều này, trong giai đoạn 2021-2025 ngành sẽ hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật, xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch quốc gia, quy hoạch quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cùng với đó tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; thiết lập nền tảng tài nguyên số để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số trong các lĩnh vực quản lý.

Tập trung triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó sẽ hoàn thiện các chính sách đã được quy định trong luật;  giải quyết hài hòa giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với thiên nhiên ngay từ quy hoạch, quyết định dự án phát triển; phải tính đến môi trường trong các chi phí đầu tư phát triển sản xuất. Cần phải tiếp tục phát động phong trào, tuyên truyền sâu, rộng để doanh nghiệp và người dân hiểu, thực hiện các quy định của luật, đặc biệt là những nội dung mang tính cách mạng, đột phá về bảo vệ môi trường. Người dân là lực lượng nòng cốt, vừa tham gia thực hiện, vừa giám sát thực hiện.

Cuối cùng là tập trung xây dựng chương trình tổng thể quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu cho các vùng chịu rủi ro thiên tai; đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường mạng lưới trạm khí tượng thủy văn với công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

Tôi cho rằng, nếu coi vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu nghiêm trọng như đại dịch Covid thì sẽ tạo sức mạnh rất lớn góp phần đưa Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với sự chuyển đổi mô hình phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững.

Liên quan đến chính sách, một bộ luật được người dân mong chờ, kỳ vọng sửa đổi, đó là Luật Đất đai. Xin Bộ trưởng chia sẻ lộ trình chuẩn bị và những vấn đề đặt ra để sửa đổi luật này trong thời gian tới?

Đất đai là một trong những tài nguyên rất quan trọng, là đầu vào của nền kinh tế và liên quan đến tất cả người dân. Thông qua các Nghị định của Chính phủ đã tháo gỡ căn bản những khó khăn, vướng mắc để giải phóng, đưa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra phải sửa đổi một cách căn bản, toàn diện luật này.

Đây là đạo luật quan trọng được xây dựng trên các quan điểm, chủ trương của Đảng, nguyện vọng của nhân dân. Lộ trình trước mắt sẽ tập trung là tổng kết Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương và thi hành Luật Đất đai. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện khẩn trương trong đó nhiều vấn đề sẽ được nghiên cứu, đánh giá cơ sở lý luận, thực tiễn, lắng nghe người dân để giải quyết một cách căn cơ như: chế định về sở hữu toàn dân, quyền của người sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất để phân bổ hợp lý giữa các mục đích sử dụng, giữa các thế hệ, khai thác không gian; hay như vấn đề kinh tế, tài chính và phương pháp định giá đất; các cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai; phòng, chống suy thoái, ô nhiễm đất, cũng như giải quyết vấn đề tập trung tích tụ đất đai phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động để không làm nảy sinh những vấn đề xã hội khác...

Tôi cho rằng, trong mọi chính sách đất đai đều phục vụ cho mục tiêu phát triển và phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Để giải quyết tất cả các vấn đề đang đặt ra hiện nay là không dễ. Bộ Tài nguyên & Môi trường đã xác định sẽ tập trung nghiên cứu hoàn thiện các chủ trương và lắng nghe người dân. Trên cơ sở đó sẽ trình Trung ương ban hành một Nghị quyết với các chủ trương hợp lòng dân, và sẽ thể chế thành Luật Đất đai mới. 

Tôi mong muốn bộ luật này sẽ được ban hành vào năm 2022 hoặc trong nhiệm kỳ tới.