Luật hoá quy định nổ súng: 6 trường hợp không cần cảnh báo
Phiên thảo luận cuối cùng trước khi dự án luật này được Quốc hội bấm nút vào ngày 20/6 tới
Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ .
Đây cũng là phiên thảo luận cuối cùng trước khi dự án luật này được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 20/6 tới đây.
Khi nào không cần cảnh báo?
Theo dự thảo luật thì người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng không cần cảnh báo trong 6 trường hợp:
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;
- Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
- Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
- Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật Chính phủ trình đã quy định nguyên tắc chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và phải hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Đồng thời, các trường hợp cụ thể được nổ súng bảo đảm tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật, phù hợp với quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định này như dự thảo luật.
“Biết rõ” có hợp lý?
Nhận định dự thảo luật đã được thiết kế rõ ràng hơn, một số vị đại biểu vẫn thấy rất băn khoăn.
“Sức khỏe cũng là một trong những yếu tố quan trọng và liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, cần được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, khi đặt trong tình thế nguy hiểm và cấp bách thì người thi hành công vụ không có đủ thời gian, không có đủ minh mẫn để xác định rõ trường hợp nào họ hoặc người khác đang bị đe dọa tính mạng hay chỉ bị gây nguy hiểm đến sức khỏe”, đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông) nói.
Tương tự, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng “rất phân vân mấy điểm” là “người thi hành công vụ phải nhận định những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm mới được nổ súng là làm khó họ, và thực tiễn không thực hiện được”.
“Muốn xác định tội danh cần cả một quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thậm chí đến khi tòa tuyên án mới xác định được phạm tội ở trường hợp nào, mà giờ ta quy định người thi hành công vụ phải biết, phải phân biệt ngay trong tình huống đó thì không thực tiễn và không thể áp dụng được”, ông nhấn mạnh.
“Ngoài ra, việc sử dụng một số từ ngữ như “biết rõ” đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... cần suy nghĩ lại, vì Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định: một người chỉ bị coi là có tội khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa, chưa có bản án có hiệu lực thì làm sao biết người ta có phạm tội hay không”, vẫn theo ông Bình.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật) Võ Trọng Việt khẳng định: “Chúng tôi đã làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an - những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Anh em thấy rằng luật thế là rõ, đảm bảo thực hiện tốt”.
Về việc khoản 3 điều 23 mới quy định trách nhiệm của người sử dụng vũ khí trong trường hợp nổ súng không đúng thẩm quyền mà chưa quy định trách nhiệm của người ra mệnh lệnh, ông Võ Trọng Việt cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa cho hợp lý và chặt chẽ hơn.