Rà soát quy định về nổ súng để tránh lạm dụng
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Một trong những nội dung nhiều vị đại biểu còn băn khoăn là quy định về nổ súng tại điều 21 dự thảo luật.
Khoản 2 điều này quy định, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc sau:
a) Việc nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định;
b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;
c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Đặt quy định về nổ súng trong mối liên quan đến việc sử dụng các công cụ hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu thực tế nhiều sỹ quan chỉ huy không bản lĩnh, không nắm vững quy định về nổ súng thì không dám sử dụng chứ chưa nói đến cán bộ, chiến sỹ bình thường.
Ông kể, trong thực tế, khi ra lệnh tấn công các đối tượng phạm tội chống người thi hành công vụ đã có một số phóng viên, thậm chí có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chất vấn tôi rằng, ai cho phép anh dùng quả nổ, quả khói để tấn công vào dân.
"Tôi giải thích rằng, ranh giới giữa tội phạm và không phải tội phạm rất mong manh nhưng rất rõ ràng, do đó ranh giới việc người tốt và kẻ xấu cũng rất mong manh và rõ ràng. Khi anh ta là người tốt nhưng do quá khích đã dùng giáo mác, gậy gộc tấn công làm người thi hành công vụ bị thương thì anh ta lập tức trở thành người phạm tội. Chúng tôi tấn công là thực hiện quyền phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật là để ngăn chặn và bắt giữ người phạm tội chứ không phải là nhân dân", đại biểu nói tiếp.
Cho rằng điều 21 quá dài, đại biểu Cầu - Giám đốc công an tỉnh Nghệ An đề nghị tách điều này thành 6 điều luật tương tự như sau. Một điều quy định về khái niệm nổ súng và cảnh báo, một điều quy định về nguyên tắc nổ súng, một điều quy định về nổ súng sau khi đã cảnh báo, một điều quy định về nổ sung trong trường hợp không cần cảnh báo, một điều quy định nổ súng trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp và một điều quy định về hậu quả pháp lý của việc nổ súng.
Hoàn toàn nhất trí với phân tích của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nhấn mạnh nổ súng là vấn đề rất nhạy cảm phải được quy định chặt chẽ và cụ thể nếu không rất dễ bị lạm quyền khi nổ súng và người được phép sử dụng vũ khí sẽ vô tình bị phạm tội do vượt quá giới hạn cho phép.
Theo đại biểu thì việc quy định theo hướng liệt kê các tình huống được phép nổ súng, đối tượng mà người thi hành công vụ được phép nổ súng còn bộc lộ nhiều bất cập, còn thiếu, có những nội dung còn trừu tượng, chưa được chi tiết và chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.
Quy định trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do nổ súng gây ra theo đại biểu cũng rất khó hiểu. Vì bảo vệ lợi ích của mình, của người khác mà người thi hành công vụ buộc phải nổ súng để ngăn chặn hành vi nguy hiểm do người khác gây ra, có thể gây thiệt hại về thương tích hoặc có thể gây chết người hoặc gây thiệt hại khác và không thể hạn chế được thiệt hại khi đối tượng đang tấn công quyết liệt, đại biểu lập luận.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý, đối với các đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe, người thi hành công vụ hoặc người khác thì cần cho phép nổ súng ngay chứ không cần phải sau khi đã cảnh báo. Bởi đây là hành vi hết sức nguy hiểm và manh động, nếu không nổ súng kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, quy định về nổ súng là nội dung đặc biệt quan trọng có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định về nổ súng nhằm đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm phù hợp với các bộ luật khác có liên quan, nhất là Bộ luật Hình sự.