Lương Tổng Kiểm toán có thể cao hơn lương bộ trưởng
Có ý kiến đề nghị cần tăng mức lương của Tổng Kiểm toán lên tương đương mức lương của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao
Tại phiên họp sáng 22/12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thuyết minh về đề xuất bậc lương mới cao hơn, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nói, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Kiểm toán nhà nước là một cơ quan Hiến định độc lập. Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định nhiệm vụ và trách nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước cao hơn, nặng nề hơn so với Luật Kiểm toán nhà nước năm 2006.
Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đối với kết luận, kiến nghị của ngành về sai phạm của đơn vị được kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Vì vậy, cần quy định bậc lương mới đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước để tương xứng với vị thế, trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước đã được Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định, ông Phớc nhấn mạnh.
Bảng lương mới được đề xuất choTổng Kiểm toán nhà nước có 2 bậc lương: bậc 1 hệ số lương 9,80 và bậc 2 là 10,40, cao hơn mức hiện hành 0,1 (mức hiện hành bằng lương bộ trưởng).
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến tại Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với mức lương mới của Tổng Kiểm toán.
Có ý kiến đề nghị, cần tăng mức lương của Tổng Kiểm toán lên cao hơn, tương đương mức lương của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao (bậc 1, hệ số lương 10,4; bậc 2, hệ số lương 11,00), vì cùng là người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập, do Quốc hội bầu.
Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, Bộ Nội vụ có văn bản cho rằng, mức lương chức vụ của Tổng Kiểm toán nên đưa vào đề án tiền lương trình Trung ương xem xét, thông qua (dự kiến vào tháng 5 năm 2018).
Nhưng, cơ quan thẩm tra nhận thấy, theo quy định tại điều 62 của Luật Kiểm toán nhà nước thì việc xác định mức lương của Tổng Kiểm toán thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, do đó, Uỷ ban nên xem xét và quyết định kịp thời.
Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói, về lâu dài sẽ đưa bảng lương của Tổng Kiểm toán vào đề án tiền lương, còn trước mắt nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định như đề xuất thì Bộ này cũng chấp hành.
Đại diện Bộ Tài chính cũng ủng hộ, vì mức tăng không cao nhưng thể hiện được vị thế của Tổng Kiểm toán.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị khi đưa bảng lương của Tổng Kiểm toán vào đề án trình Trung ương cần nhìn nhận đúng vai trò của Tổng Kiểm toán - người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dù quyết định mức lương của Tổng Kiểm toán thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng vẫn nên để Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương Trung ương xem xét. Sau đó nếu thấy được thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết.
Quan điểm chung của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mức lương của Tổng Kiểm toán như đề xuất là hợp lý, Thường vụ sẽ có ý kiến với Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương trung ương, khi nào Trung ưong quyết định thì sẽ ban hành chính thức, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận.