17:48 10/04/2023

Mắc mớ hành trình thoái vốn dự án xi măng Đại Việt – Dung Quất

Phan Linh

Đã hơn 2 tháng kể từ khi Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơm, mã chứng khoán: BCC-HNX) công bố Nghị quyết số 170/NQ-HĐQT của Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc thoái vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Xi măng Miền Trung (CRC) nhưng đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể, trong khi dự án tiếp tục thua lỗ và các nhà đầu tư muốn mua thì ngồi chờ…

Nhà máy Nghiền Xi măng Đại Việt – Dung Quất (Ảnh: Phạm Anh)
Nhà máy Nghiền Xi măng Đại Việt – Dung Quất (Ảnh: Phạm Anh)

Hiện, Vicem Bỉm Sơn đang sở hữu 76,8% vốn tại CRC, tương đương hơn 9,9 triệu cổ phần.

CRC chủ yếu sản xuất, kinh doanh, triển khai Dự án Đầu tư Nhà máy Nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất (trước đây có tên là Dự án đầu tư Nhà máy Nghiền Clinker Dung Quất), công suất thiết kế 500.000 tấn xi măng/năm.

THUA LỖ VÌ BỊ NGĂN CẢN HOẠT ĐỘNG

Ngày 7/4/2023, trao đổi trực tiếp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tại văn phòng Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), ông Hà Quang Hiện, Chánh Văn phòng Vicem, cho biết  ngày 6/4/2013, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Xi măng Bỉm Sơn) là công ty thành viên của VICEM mua 9.953.280 cổ phần, tương ứng 76,8% tổng số cổ phần Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung (CRC) với giá 11.560 đồng/cổ phần, đưa CRC thành công ty con của Xi măng Bỉm Sơn.

Năm 2013, do mới vận hành nên nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất chỉ đạt 17,9% công suất, tương ứng 89.525 tấn) nên bị lỗ 26,32 tỷ đồng nhưng đến năm 2014, hoạt động sản xuất của CRC ổn định, lãi 1,33 tỷ đồng. Lẽ ra, nếu duy trì công suất và sản lượng đều đặn, dự án Đại Việt – Dung Quất đã trở thành thương vụ đầu tư mang lại lợi nhuận lớn cho Xi măng Bỉm Sơn và Vicem, đồng thời hiện thực hoá tầm nhìn chiến lược của Vicem trong việc hình thành cơ sở cung ứng xi măng cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nhất là khi dự án có lợi thế ở vị trí thuận lợi gắn với cảng Dung Quất, trục giao thông đường bộ và đường sắt Bắc – Nam.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2016 đến nay, dự án nói trên của CRC nhiều lần bị dừng sản xuất do các hộ dân xung quanh không đồng ý với phương án đền bù di dời của UBND tỉnh Quảng Ngãi nên bao vây, phong toả, ngăn cản hoạt động, dẫn đến nhà máy không có dòng tiền trong khi vẫn phải trang trải các chi phí lãi vay, duy trì bộ máy.

Cũng theo ông Hà Quang Hiện, tính đến hết 31/12/2022, CRC lỗ luỹ kế 254,492 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 124,892 tỷ đồng; nợ phải trả 307,641 tỷ đồng, gấp 2,37 lần vốn điều lệ CRC. Kéo theo đó, Xi măng Bỉm Sơn phải trích lập dự phòng 207,803 tỷ đồng đối với các khoản đầu tư và nợ phải thu tại dự án; trong đó, dự phòng đầu tư tài chính là 116,190 tỷ đồng, dự phòng nợ phải thu khó đòi 91,613 tỷ đồng. 

Như vậy, có thể thấy, nút thắt gây nên việc lỗ và âm vốn của nhà máy Đại Việt – Dung Quất chính là bị dừng hoạt động bởi người dân sở tại ngăn hoạt động; mặc dù tính toán chiến lược về “phủ sóng” xi măng tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như tính toán các chỉ số tài chính dự án  của Vicem cũng như Xi măng Bỉm Sơn là phù hợp.

THOÁI VỐN HAY GIỮ LẠI?

Trước tình hình bết bát tài chính của xi măng Đại Việt – Dung Quất, ngày 19/1/2023, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn công bố Nghị quyết số 170/NQ-HĐQT về việc thoái vốn đầu tư tại CRC với 2 phương án: (1) giữ lại Nhà máy Nghiền Xi măng Đại Việt và (2) thoái toàn bộ 76,8% vốn tại CRC.

Tiếp đó, ngày 6/3, Vicem Bỉm Sơn đã có công văn số 449/XMBS-KHCL báo cáo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) về 2 phương án đối với CRC.

Tại công văn số 499, Vicem Bỉm Sơn cho biết đối với phương án giữ lại CRC theo chiến lược của Vicem, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 168/QĐ-TTg ngày 28/2/2023. Theo quy hoạch thì Nhà máy Đại Việt – Dung Quất nằm trong Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quát, do đó dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải toả tái định cư. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất sẽ làm việc với Vicem và Vicem Bỉm Sơn để tháo gỡ các vướng mắc và hỗ trợ đưa Nhà máy xi măng Đại Việt vận hành ổn định. 

 

Vicem Bỉm Sơn cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Nhà máy Đại Việt – Dung Quất hoạt động xuất hàng bình thường, đảm bảo lượng xi măng xuất cho khách hàng. Từ 01/1 đến 27/2, CRC đã xuất bán 4.126 tấn xi măng.

Mặc dù nút thắt Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất  đã được tháo gỡ, nhưng Vicem Bỉm Sơn cho rằng việc di dời và tái định cư người dân xung quanh không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian trong khi CRC đang gặp nhiều khó khăn do thời gian bị gián đoạn sản xuất đã ngót nghét 7 năm. Vì vậy, Vicem Bỉm Sơn đề xuất Vicem cho phép triển khai thoái toàn bộ vốn tại CRC và thu hồi công nợ. Về vấn đề tài chính cho di dời và tái định cư nêu trên, ông Hà Quang Hiện, Chánh Văn phòng Vicem, cũng thừa nhận: “Cần có nguồn tài chính khoảng 1.000 tỷ đồng và nguồn này rất khó lấy từ ngân sách nhà nước”.

Đối với phương án thoái vốn, tại công văn số 499, Vicem Bỉm Sơn cho biết đến cuối tháng 2/2023, vẫn đang có 2 nhà đầu tư khẳng định quan tâm và muốn mua lại Nhà máy Xi măng Đại Việt là Công ty TNHH MTV Thiên Phú và Công ty cổ phần Xi măng Đức Sơn.

Giới đầu tư đánh giá đây là cơ hội rất lớn để Vicem Bỉm Sơn cải thiện hiệu quả đầu tư, hạn chế thất thoát cho các cổ đông, đặc biệt là cổ đông Nhà nước.

“Nếu Vicem Bỉm Sơn bán được vốn tại CRC thì quá tốt, vì dự án đã bị đình trệ quá nhiều năm dẫn đến thua lỗ khiến BCC phải trích lập dự phòng hơn 207 tỷ. Nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào BCC cũng ngần ngại về điều này nên vẫn đứng ngoài quan sát. Càng sớm thoái vốn tại CRC thì các cổ đông hiện tại của BCC càng có lợi trong đó có cổ đông Nhà nước. Ngoài ra, BCC cũng sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư…”, anh Lê Văn Hiệp, nhà đầu tư ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.

Tại buổi làm việc với VnEconomy ngày 7/4/2023, ông Hà Quang Hiện, Chánh văn phòng Vicem, cho biết ngày 16/3/2023, Hội đồng Thành viên Vicem đã có văn bản số 411/Vicem-HĐTV yêu cầu Người đại diện vốn Vicem tại Vicem Bỉm Sơn nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất theo chỉ đạo của Hội đồng Thành viên Vicem tại văn bản số 223/Vicem – HĐTV ngày 30/11/2022 và văn bản số 38/Vicem-HĐTV ngày 06/1/2023.  

Theo ông Hà Quang Hiện, xét về mặt chiến lược, đến nay, Vicem vẫn rất cần một nhà máy ở khu vực miền Trung để chiếm lĩnh thị phần cung cấp xi măng của khu vực Nam Trung Bộ đang thiếu xi măng nhất cả nước. 

“Thật ra thì trong chiến lược, Vicem vẫn đang rất cần một nhà máy vì khu vực này chưa có nhà máy xi măng nào lớn cả. Hiện nay, Nhà máy Đại Việt – Dung Quất vẫn chỉ là trạm nghiền thôi. Nếu có trạm nghiền trong khu vực này thì chi phí logistics rất tốt. Vicem chỉ đưa clinker vào đó thôi. Nghĩa là chiến lược thì tuyệt vời. Quan trọng là thực tế vận hành của nhà máy như thế nào thôi”, ông Hà Quang Hiện nói.

Thực tế cho thấy, Nhà máy Đại Việt – Dung Quất được xây dựng trong Khu Kinh tế Dung Quất, có cảng nhập clinker sát biển và có tiềm năng mở rộng công suất. Đây là khu vực có hạ tầng và tiện ích đồng bộ, gần sân bay, cảng biển nước sâu và nằm trên trục giao thông chính.

Bên cạnh lợi thế cung cấp xi măng tại chỗ cho Khu công nghiệp Dung Quất và Chu Lai, đây cũng là cửa ngõ để xuất khẩu xi măng sang Lào. Việc mở rộng và gia tăng thị phần tại các tỉnh Nam Trung Bộ là giải pháp tối ưu nhằm khắc phục tình trạng dư cung ở thị trường truyền thống của Vicem Bỉm Sơn là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung.

Tuy nhiên, ông Hiện cũng cho biết nếu giữ lại và vận hành hiệu quả Nhà máy Đại Việt – Dung Quất thì phải giải quyết triệt để việc người dân gây cản trở. Qua các cuộc làm việc với Vicem, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết chi phí di dời, tái định cư ước tính 1.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, ngân sách tỉnh Quảng Ngãi không đảm đương được mà phải kêu gọi nhà đầu tư. Việc này không dễ dàng thực hiện trong một thời gian ngắn. Kỳ vọng với việc Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng thông qua gần đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ sớm tìm được nhà đầu tư cùng thực hiện tái định cư cho các hộ dân quanh khu vực nhà máy.

 

VICEM BỈM SƠN MUA CRC RẺ HƠN ĐỊNH GIÁ

Năm 2013, sau khi được Hội đồng thành viên Vicem chấp thuận việc mua cổ phần CRC với với số lượng tối thiểu 76% và tối đa không vượt quá 80% tổng số cổ phần, giá chào mua tối đa không quá 11.680 đồng/cổ phần; BCC và CRC đã ký biên bản thương thảo mua hơn 9,9 triệu cổ phần CRC, tương đương 76,8% tổng số cổ phần giá chào mua và chào bán cổ phần 11.560 dồng/cổ phần. Tổng giá trị thương vụ hơn 115 tỷ dồng.

Khi đó, báo cáo định giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt đã đưa ra ba kịch bản định giá CRC theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Trong đó, kịch bản một giá 18.127 đồng/cổ phần; kịch bản hai giá 30.809 đồng/cổ phần;  kịch bản ba là giá 43.795 đồng/cổ phần.

Chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Định giá PIV xác định giá trị tài sản của CRC là hơn 373 tỷ đồng.

Như vậy, mức giá 11.560 đồng/cổ phần mà Vicem Bỉm Sơn bỏ ra để sở hữu 76,8% cổ phần CRC là thấp hơn rất nhiều so với các kịch bản định giá.