Quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Dung Quất “cởi trói” nhiều dự án
Ngày 30/3, tại Khu kinh tế Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức công bố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Rất nhiều dự án khởi động trở lại sau nhiều năm dừng vận hành...
Trước đó, ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045.
Theo điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất có quy mô diện tích khoảng 45.332 ha; trong đó, phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha.
Toàn khu kinh tế được chia làm 5 phân khu chức năng. Về quy mô dân số và đất đai, đến năm 2030, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 347.000 người; trong đó, dân số đô thị là 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 85%. Tầm nhìn đến năm 2045, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 575.000 người; trong đó, dân số đô thị là 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 95%.
Đến năm 2030, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 4.403 ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 7.183 ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 1.433 ha. Đến năm 2045, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 8.040 ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 9.365 ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 2.901 ha.
Về định hướng phát triển đô thị, phấn đấu giai đoạn 2026 - 2035 đưa Huyện Lý Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV; đô thị Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; nâng cấp xã Tịnh Phong đạt đô thị loại V, thành lập thị trấn Tịnh Phong thuộc huyện Sơn Tịnh; giai đoạn 2036 - 2045 tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng nâng cao cho các đô thị.
Đồng thời, hướng tới thành lập thành phố Bình Sơn, thành phố Lý Sơn (huyện Lý Sơn) trực thuộc tỉnh Quảng Ngã; từng bước hình thành vùng đô thị động lực phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi (gồm các thành phố Quảng Ngãi, Bình Sơn, Lý Sơn và thị trấn Tịnh Phong) và của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại hạn chế đối với sự phát triển của Dung Quất trong thời kỳ vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới như Trung tâm điện khí miền Trung, và Khu gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Không chỉ 2 dự án trên, quy hoạch được phê duyệt lần này sẽ cởi trói được cho rất nhiều dự án khác. Đơn cử, có Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất. Dự án này được triển khai bởi Công ty cổ phần Xi măng miền Trung với công suất thiết kế 500.000 tấn xi măng/năm. Từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2021, nhà máy phải tạm dừng hoạt động khi người dân địa phương vùng lân cận dự án phản đối. Nguyên nhân chính xuất phất từ vướng mắc bởi vấn đề quy hoạch, di dời các hộ dân. Khi triển khai quy hoạch Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã có kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất do Công ty Sembcorp Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư.
Song, kế hoạch này phải gác lại để chờ Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Và sự chậm trễ trong phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể khiến các dự án trong vùng quy hoạch gặp khó khăn. Riêng Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất, theo tính toán nếu không bị dừng hoạt động sẽ chạy đủ công suất đạt 500.000 tấn/năm, doanh thu dự kiến đạt hơn 560 tỉ đồng/năm và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 49 tỉ đồng/năm.
Đáng nói, năm 2018, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có kết luận (Thông báo số 45/TB-VPCP ngày 31.1.2018 và văn bản số 5579/VPCP-V.I ngày 13.6.2018) yêu cầu: UBND tỉnh Quãng Ngãi công bố lộ trình, kế hoạch, phương án di dời dân; tuyên truyền, vận động các hộ dân không cản trở để Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất vận hành chạy thử, quan trắc môi trường, xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.