14:04 27/03/2008

Mạng xã hội: Tiện ích chưa song hành cùng lợi nhuận

Minh Sơn

Là một đại diện tiêu biểu của kỷ nguyên web 2.0, mạng xã hội đang nằm trong quá trình tiến hóa của chính nó

Một vấn đề lớn đối với các mạng xã hội hiện nay là chúng đang có mô hình khép kín, không tương tác với các trang web bên ngoài.
Một vấn đề lớn đối với các mạng xã hội hiện nay là chúng đang có mô hình khép kín, không tương tác với các trang web bên ngoài.
Là một đại diện tiêu biểu của kỷ nguyên web 2.0, mạng xã hội đang nằm trong quá trình tiến hóa của chính nó.

Khi lợi ích không đồng nghĩa với lợi nhuận


”Cá lớn nuốt cá bé” là điều thuờng xuyên xảy ra trong lĩnh vực công nghệ. Một thập kỷ trước đó là trường hợp của Microsoft, khi hãng này mua lại trang cung cấp dịch vụ thư điện tử Hotmail. Còn ngay trong tháng 3 này đó là thương vụ AOL - thuộc hãng giải trí khổng lồ Time Warner - mua lại mạng xã hội ảo Beco với giá 850 triệu đô la.

Microsoft và AOL có hai điểm chung. Thứ nhất, họ đều đặt niềm tin vào xu hướng phát triển của những dịch vụ được mua lại. Thứ hai, như bao doanh nghiệp khác, họ kỳ vọng vào một khoản lợi nhuận khổng lồ sẽ đến trong tương lai.

Trớ trêu thay, cả hai điều này không phải lúc nào cũng đi cùng nhau.

Xu hướng của dịch vụ thư điện tử, và sau đó là các mạng xã hội, diễn ra đúng như những gì mà người ta kỳ vọng ở nó. Mạng xã hội tạo sự liên kết giữa mọi người, giúp chúng ta tương tác với nhau qua mọi hình thức, và nó đang tỏ ra vô cùng thuận tiện.

Nhưng điều thứ hai, khoản lợi nhuận kếch sù như kỳ vọng, dường như vẫn còn lảng tránh ở đâu đó. Tại sao lại như vậy? 

Đầu tiên, thư điện tử và các dịch vụ liên quan khó có thể trở thành một hình thức kinh doanh. Những quảng cáo đặt trên các trang thư điện tử của Google, Microsoft, Yahoo!, AOL chỉ chiếm một phần rất nhỏ tổng doanh thu.

Phần lớn diện tích những trang này là để cung cấp những dịch vụ hữu ích cho người sử dụng như: thư điện tử, danh sách địa chỉ, lịch quản lý thời gian, ổ cứng lưu trữ… Chính những thứ này mới là tâm điểm khiến những người sử dụng dịch vụ tìm đến và gắn bó.

Mạng xã hội cũng đang trong tình huống tương tự. Cho dù giá trị của MySpace, Facebook và những mạng xã hội khác đã được đẩy lên rất cao, các hãng này cũng chưa thể tìm ra mô hình kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận. Sergey Brin, người đồng sáng lập ra Google, gần đây đã phải thừa nhận rằng các mạng xã hội đang có vấn đề và chúng sẽ không thể mang lại doanh thu như kỳ vọng.

Tình hình còn tồi tệ hơn đối với Facebook, hãng đang liên minh với Microsoft. Nỗ lực của Facebook nhằm xây dựng lại ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến với mô hình mới - Beacon, đã hoàn toàn thất bại.Ý tưởng của Facebook là thông báo cho người sử dụng mỗi khi anh ta mua một món hàng mới bằng cách chạy một dòng nhỏ trong danh sách “Feed” của anh ta.

Trên lý thuyết, đây có vẻ như là một kiểu tiếp thị “truyền miệng” rất hay. Nhưng thực tế thì những thông tin cá nhân của người dùng đã bị xâm phạm qua cách “truyền miệng” này. Người sáng lập ra Facebook là Mark Zuckerberg hồi tháng 12 đã phải thừa nhận: “Chúng tôi thực sự đã không làm tốt công việc của mình trong phiên bản này”. Kèm theo đó là một lời xin lỗi chính thức với người sử dụng.

Đóng hay mở?

Một vấn đề lớn đối với các mạng xã hội hiện nay là chúng đang có mô hình khép kín, không tương tác với các trang web bên ngoài. Một mạng xã hội lớn phải có tính “mở” - cho phép những lập trình viên có thể tùy chọn viết những ứng dụng mới và có ích thêm cho chúng.

Một điểm nữa là các mạng xã hội phải được “thông” với nhau. Những “cư dân” trong mạng xã hội này phải có khả năng tương tác với những người trong mạng xã hội khác. Nhưng điều này không tồn tại ở những mạng xã hội hiện nay. Không thể gửi tin nhắn cho một người bạn trong MySpace nếu bạn chỉ có tài khoản ở Facebook.

Thư điện tử ngày nay đã được mở rộng và chia sẻ với nhau giữa các nhà cung cấp. Nhưng trong quá khứ chúng cũng chỉ được phát triển trong mạng nội bộ. Dịch vụ “chat” qua mạng cũng hoàn toàn tương tự, trước đây người sử dụng chỉ có thể trò chuyện với nhau trong một mạng kín, nhưng ngày nay nó đã được mở rộng. Các tài khoản của Yahoo giờ có thể “chat” với các tài khoản của Google hay Hotmail.

Trong lúc đó, các mạng xã hội mới chỉ đang ở bước đầu của quá trình tiến hóa, và xu hướng mở rộng và chia sẻ có lẽ là không thể tránh khỏi. Kế hoạch phát triển một mã tài khoản duy nhất đã được phát triển, theo đó với một tài khoản duy nhất bạn có thể truy cập vào mọi mạng xã hội ảo khác nhau.

“Mạng xã hội trong tương lai sẽ giống như không khí vậy. Chúng sẽ có mặt ở khắp mọi nơi. Bạn không cần phải đăng nhập vào Facebook để xem những bài viết mới từ bạn bè, nó sẽ nằm ngay trong hòm thư của bạn. Không cần phải đưa ảnh lên Facebook nếu muốn chia sẻ với những người bạn, bởi với sự cho phép của bạn, những bức ảnh này sẽ tự động hiện ra trong hòm thư của những người khác”, Charlene Li một chuyên gia ở viện nghiên cứu Forrester, dự báo.

Không những thế, mạng xã hội sẽ trở nên thông minh hơn. Những tài khoản e-mail có thể tự nhận biết được mức độ quan trọng cũng như mục đích của lá thư mà nó nhận được. Chúng còn có khả năng từ chối và tự động phân loại những lá thư.

Ví dụ, Joe nhận được 2 bức thư từ Jack và Jane, nhưng hòm thư chỉ mở bức thư của Jane vì trong lịch làm việc hôm sau của Joe chỉ có Jane. Trong khi đó những bức ảnh bữa tiệc của Joe chỉ xuất hiện trong hòm thư của Jack chứ không phải của Jane.

Những mạng xã hội thông minh tương tự sẽ xuất hiện nhiều trong tương lai. Nếu không bị áp lực phải kiếm tiền thì những mạng này sẽ còn duy trì được sự phát triển của chúng. Facebook hiện đã có những thử nghiệm để phát triển một kho dữ liệu lớn chưa từng có về người sử dụng. Thunderbird - một dự án mã nguồn mở, đang cho phép người sử dụng tối ưu hóa những gì được chia sẻ.

Trong tuơng lai, những mạng xã hội mở với các tính năng thông minh sẽ phát triển rộng khắp, nhưng cũng giống như không khí, không ai có thể định vị được chúng.

(Theo Economist)