14:49 28/04/2011

Mía đường được mùa không hẳn đã vui

Y Nhung

Ước tính sản lượng đường niên vụ 2010 - 2011 sẽ tăng khoảng 200.000 tấn so với vụ trước, song các nhà sản xuất mía đường vẫn âu lo

Dự kiến niên vụ 2010 - 2011, toàn ngành sẽ ép được khoảng 1,1 triệu tấn đường.
Dự kiến niên vụ 2010 - 2011, toàn ngành sẽ ép được khoảng 1,1 triệu tấn đường.
Ước tính sản lượng đường niên vụ 2010 - 2011 sẽ tăng khoảng 200.000 tấn so với vụ trước, song các nhà sản xuất mía đường vẫn âu lo.

Theo báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 15/4, cả nước đã có 16/38 nhà máy mía đường dừng sản xuất. Dự tính đến 30/4 sẽ chỉ còn 8 nhà máy sản xuất tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Từ đầu vụ tới nay, các nhà máy đã ép được 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được 1,03 triệu tấn đường. Sản lượng đường cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 163.200 tấn. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15/4 cũng cao hơn cùng kỳ năm trước là 142.200 tấn, khi ở mức là 524.900 tấn.

Tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự kiến vụ 2010 - 2011 sẽ ép được khoảng 1,1 triệu tấn đường, cao hơn niên vụ trước khoảng 200.000 tấn. So với nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng đường thiếu hụt chỉ vào khoảng 200.000 tấn.

Trong khi đó, từ cuối năm 2010, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sản lượng đường niên vụ 2010 - 2011 đạt khoảng 1 triệu tấn, nên lượng đường cần được cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan trong năm vào khoảng 250.000 tấn.

Với dự báo này, ngay từ tháng 1/2011, Bộ Công Thương đã có Thông tư số 45/2010/TT-BCT phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 150.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất; 50.000 tấn đường thô cho một số nhà máy đường để tinh luyện và 50.000 tấn đường tinh luyện cho một số thương nhân kinh doanh thương mại để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Trên thực tế, so với năm 2010, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đã giảm 50.000 tấn.

Và theo số liệu tổng hợp của Vụ xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lượng đường đã nhập khẩu 3 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 2.000 tấn, khi đạt là 29.000 tấn. Trong số này, các đơn vị thương mại được cấp quota 50.000 tấn, chưa hề tiến hành việc nhập về, chỉ các doanh nghiệp dùng đường làm nguyên liệu được cấp quota 150.000 tấn đã nhập là 18.000 tấn; các nhà máy đường được cấp quota là 50.000 tấn đã nhập 11.000 tấn.

Nhưng do vụ thu hoạch mía đường tại Thái Lan năm nay cũng “thắng lớn” khiến nguồn cung của nước này tăng mạnh. Công tác chống buôn lậu đường của lực lượng chức năng trong thời gian qua lại không hiệu quả, khiến lượng đường lậu lớn đã tràn vào nước ta.

Trong khi thời gian lại này chưa phải là giai đoạn cao điểm về tiêu thụ trường nên sức tiêu thụ của thị trường nội địa khá thấp. Tháng 3 lượng đường tiêu thụ đạt trên 85.000 tấn, sang tháng 4 con số này chỉ là 72.900 tấn, kém xa so với mức tiêu thụ bình quân là 110.000 tấn/tháng của năm 2010. Tất cả những điều này đã gây sức ép đối với ngành mía đường nước ta.

Về phía các nhà sản xuất, lượng tồn kho nhiều, vốn tồn đọng lớn, ngân hàng lại thắt chặt việc cho vay nên buộc phải hạ giá để bán hàng lấy vốn sản xuất.

Cụ thể, giá bán đường từ 15/3 đến 15/4 đã giảm so với tháng trước từ 500 - 1.000 đồng/kg tuỳ theo khu vực. Giá bán đường trắng loại 1, đã có VAT tại kho của các nhà máy tại khu vực phía Bắc và miền Trung là từ 17.500 - 18.000 đồng/kg. Các tỉnh miền Nam là 17.000 đồng/kg.

“Đối với các nhà máy phải mua mía ở mức giá cao (khoảng 1,35 triệu đồng/tấn khi về tới nhà máy), giá bán ra ở mức 17.000 đồng/kg sẽ bị lỗ”, TS. Hà Hữu Phái, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay.

Trước tình hình này, Hiệp hội Mía đường đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng xem xét phương án hỗ trợ các nhà máy đường như giãn thời gian thực hiện đến tháng 7 đối với số lượng quota nhập khẩu đường đã cấp nhưng chưa ký hợp đồng và mở LC.

Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng đối với các nhà sản xuất để có thể tạm trữ đường cũng như trả tiền mua mía nguyên liệu cho nông dân để người dân có thể yên tâm tiếp tục đầu tư vào vụ mới. Song song với đó cần tăng cường công tác chống buôn lậu để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước.