13:00 14/03/2023

Miền Trung đẩy mạnh nông nghiệp xanh, bền vững

Chu Khôi

Miền Trung là vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của nhiều loại thiên tai, nhiều diện tích đất canh tác bị khô hạn, xâm nhập mặn, bị sạt lở do bão lụt… Vì vậy, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thông minh là những giai pháp tránh được những tác động xấu từ thiên tai, biến đổi khí hậu, giải quyết được vấn đề thiếu đất canh tác…

Mô hình trồng rau công nghệ cao ở Nghệ An
Mô hình trồng rau công nghệ cao ở Nghệ An

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có hơn 7,8 triệu ha đất nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 80,48% diện tích tự nhiên của vùng và 28,86% diện tích nhóm đất nông, lâm, ngư nghiệp của cả nước. Trong đó tiểu vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 4,1 triệu ha, chiếm 79,68% diện tích tự nhiên của Bắc Trung Bộ. Tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 4,4 triệu ha, thì có khoảng 3,7 triệu ha đất nông lâm ngư nghiệp.

THIÊN NHIÊN KHẮC NGHIỆT, NÔNG NGHIỆP NHIỀU RỦI RO

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2005-2022 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đạt 3,36%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Tỷ trọng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản trong GRDP toàn vùng chiếm tỷ trọng cao hơn so với bình quân cả nước.

Với diện tích tự nhiên chiếm 28,9% diện tích của cả nước, bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước, miền Trung có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy - hải sản, nghề muối, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng.

Tại tiểu vùng Bắc Trung Bộ, sắn cùng với lúa, ngô là 3 cây trồng chủ lực. Tỷ trọng đất trồng lúa vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 54,79% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tiểu vùng.

Trong khi tại tiểu vùng Nam Trung Bộ, diện tích đất canh tác lúa hàng năm chỉ khoảng 554 nghìn ha, diện tích các cây trồng khác là 1.396 nghìn ha (trong đó có nhiều cây công nghiệp như sắn, tiêu, điều, cao su, cà phê…); diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lên tới khoảng 1.750 nghìn ha.

Tại Duyên hải Nam Trung Bộ, sản lượng thủy sản thường chiếm 27,4% giá trị thủy sản của cả nước. Giai đoạn năm 2004-2020, tốc độ tăng trưởng thủy sản của tiểu vùng đạt 5,5%/năm, trong đó, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận là những địa phương có sản lượng đánh bắt hải sản lớn nhất (233-268 ngàn tấn/năm). Nuôi trồng thủy sản cũng đạt tốc độ tăng bình quân 6,9%/năm trong giai đoạn này.

Cả nước có 5 trung tâm nghề cá lớn, thì Duyên hải Nam Trung Bộ có 2 trung tâm, tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa. Bên cạnh đó, Duyên hải Nam Trung Bộ rất nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Công việc chế biến thủy sản cũng khá phát triển. Nổi tiếng phải kể đến muối Cà Ná, Sa Huỳnh, nước mắm Nha Trang, Phan Thiết.

Dù đạt nhiều thành quả, nhưng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nông nghiệp miền Trung đối mặt với muôn vàn  khó khăn. Miền Trung là vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của nhiều loại thiên tai, hiểm họa. Về đất đai, nông nghiệp miền Trung đang phải đối mặt với việc diện tích đất canh tác bị giảm do sạt lở đất từ tác động của thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.

CHÚ TRỌNG NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, THÔNG MINH

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho ngành nông nghiệp khu vực này.

Theo đó, sẽ phát triển nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả và bền vững. Cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó tập trung khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển hạ tầng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết hướng sản xuất nông nghiệp tại khu vực miền Trung là mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, bảo đảm sự phát triển toàn diện trong mối tương tác với môi trường sinh thái.

“Khu vực miền Trung cần có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững. Trong đó, cần chú trọng bảo vệ và phát huy các nguồn tài nguyên tự nhiên (đất đai, nước, rừng, đa dạng sinh học) để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp riêng biệt”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Với những khu vực đất khó canh tác, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng để đối phó với tình trạng hạn, mặn, thiếu nước tưới, sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung cần thay đổi phương pháp tưới tiêu bằng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vì sẽ tiết kiệm nước.

Đề cập về lợi thế không gian biển rộng lớn, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là tiềm năng to lớn của miền Trung, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các địa phương cần tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các địa phương ở miền Trung đều đã có quy hoạch chiến lược để phát triển ngành thủy sản. Tại Đà Nẵng, kinh tế biển chiếm gần 70% trong cơ cấu ngành nông, lâm, thuỷ sản, nên địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn  thành phố đạt 38.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2023 phát hành ngày 13-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Miền Trung đẩy mạnh nông nghiệp xanh, bền vững  - Ảnh 1