14:14 11/10/2022

Các tỉnh miền Trung mưa to trên diện rộng, nhiều nơi mưa rất to gây ngập lụt.

Văn Anh

Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi xuất hiện mưa to liên tục trong 02 ngày qua làm cho nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt.

Đường Bạch Đằng, Hội An ngập sâu trong nước (CTV)
Đường Bạch Đằng, Hội An ngập sâu trong nước (CTV)

Trong 48 giờ qua, các địa phương ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi xuất hiện mưa to liên tục trong 02 ngày qua làm cho nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, cho biết, một số nơi của tỉnh có mưa lớn trong 48 giờ qua (từ 16h 00 ngày 09/10 đến 05h 00 ngày 11/10/2022) đo được tại các trạm khí tượng thủy văn như: Tam Lãnh 580,8mm; Tam Trà 530,8mm; Đại Hiệp 515,8mm; Đầu mối hồ Thạch Bàn 511,6mm, Duy Phú 503,6mm; Đầu mối hồ Vĩnh Trinh 496,2mm; Điện Hồng 461,6mm; Hồ Nước Rôn 449,6mm; Đầu mối hồ Việt An 419,8mm, Đập đầu mối Hồ Trung Lộc 110,4mm… Mực nước lúc 08 giờ ngày 11/10 tại các trạm như sau: Tại Hội Khách là 12.63m dưới mức báo động I ; Tại Ái Nghĩa là 8.62m, dưới báo động III: 0.38m; Tại Giao Thuỷ là 8.13m dưới báo động III là 0.67m, đỉnh lũ tại Giao Thuỷ đạt 8.35m lúc 04h ngày 11/10. Tại Câu Lâu là 4.07m trên động III là 0.07m; Tại Hội An là 2.17m trên báo động III là 0.17m; Tại Tam Kỳ là 2.31m trên báo động II là 0.11m.

Dự báo lũ trên các sông Vu Gia tại Ái Nghĩa trong khoảng 6 - 24 giờ tới tiếp tục xuống chậm; sông Thu Bồn trong 1 - 6 giờ tới tại Câu Lâu và Hội An sẽ đạt đỉnh, trong 6-24 giờ tới xuống chậm. Trên sông Tam Kỳ trong 1 - 6 giờ tới tiếp tục lên và đạt đỉnh, trong 6-24 giờ tới xuống chậm.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt sâu trên diện rộng tại hạ lưu các sông và những vùng trũng thấp, ven sông suối tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình và thị trấn Núi Thành. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Thu Bồn: cấp độ 3; Trên Sông Vu Gia và Tam Kỳ: cấp độ 2. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi; ngập lụt sâu, diện rộng tại hạ lưu các sông, giao thông chia cắt tại các vùng trũng, thấp ven sông tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình và thị trấn Núi Thành, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Đối với 17 hồ chứa thủy lợi lớn của Quảng Nam, theo báo cáo cho biết mực nước hồ Phú Ninh lúc 04h ngày 11/10/2022 là 28.25m; dung tích hiện tại là 240,47 106m 3 ; tỷ lệ đạt so với dung tích hữu ích: 69,9%. Còn 12/17 hồ đã đầy nước và tích đạt 100% gồm: Khe Tân, Thạch Bàn, Phú Lộc, An Long, Hương Mao, Phước Hà, Đá Vách, Vĩnh Trinh, Nước Rôn, Cao Ngạn, Đông Tiễn, Hố Giang. 05 hồ tích đạt trên 50-90% gồm: Phú Ninh, Thái Xuân, Trung Lộc, Việt An, Cây Thông. Đối với 56 hồ chứa do các địa phương quản lý, có 31 hồ xấp xỉ và tích đầy nước, ác hồ còn lại hiện nay dưới tràn.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nam Trà My vào khoảng 16h00 ngày 09/10/2022, tại khu vực sông nước Na - địa phận giáp ranh xã Trà Cang với xã Trà Nam, đã xảy ra vụ việc bị nước cuốn trôi khi đi qua sông làm 02 người bị mất tích là anh Hồ Văn Tiến, sinh năm 1985, trú tại làng Long Cheng, Thôn 1, xã Trà Cang; chị Hồ Thị Dâu, sinh năm 1994, trú tại làng Tak Leng, Thôn 1, xã Trà Cang. Rất may, đến chiều ngày 10/10/2022 anh Hồ Văn Tiến đã bơi được vào bờ về nhà an toàn. Hiện tại Thôn và xã đã huy động lực lượng tìm kiếm chị Hồ Thị Dâu.

Tại Quảng Ngãi, theo Văn phòng UBND huyện Sơn Tịnh, cho biết chiều ngày 10/10 trên địa bàn vừa xảy ra trận lốc xoáy lớn làm tốc mái và sập tường 19 ngôi nhà dân xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh và nhiều cây trồng của người dân địa phương. UBND xã Tịnh Hiệp đã huy động lực lượng xung kích hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ưu tiên những hộ bị thiệt hại nặng chưa có chỗ ở.

Nước lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang dâng cao gây ngập trên nhiều tuyến đường, khu dân cư, người dân bắt đầu chạy lũ. Đến cuối giờ chiều 10/10, tại một số địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi đã bị ngập lụt, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập cục bộ gây chia cắt. Mưa lớn khiến mực nước sông Vệ, sông Phước Giang trên địa bàn huyện Nghĩa Hành dâng cao đã gây ngập tại nhiều nơi, nhiều tuyến đường chính và khu dân cư ở 2 xã Hành Tín Tây và Hành Dũng bị chia cắt, cô lập hoàn toàn 374 hộ, với hơn 700 nhân khẩu; có hơn 200 hộ dân nhà bị ngập sâu trong nước, chính quyền xã đã huy động các lực lượng di dời xen ghép 70 hộ, với 100 nhân khẩu đến nhà kiên cố, cao ráo, an toàn.

Huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các xã đặt biển báo và bố trí người canh gác ở các điểm xung yếu, nguy hiểm không cho người dân đi lại; tổ chức ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân vùng trũng thấp di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu.

Đồng thời, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nghĩa Hành đã kích hoạt Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ huyện đến cơ sở, yêu cầu các xã, các ngành chủ động các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ" để ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và giảm thiểu thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân.

Tại thị xã Đức Phổ, mưa lũ cũng bắt đầu gây ngập nặng khi nước lũ từ sông Trà Câu đã tràn bờ đê; đến 16h chiều ngày 10/10, nước sông Trà Câu đã dâng lên trên mức báo động 3 và dự báo sẽ tiếp tục dâng cao.

Mưa lũ cũng gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi như: Tỉnh lộ 623 Sơn Hà đi Sơn Tây bị chia cắt khi nước sông Rin dâng cao gây ngập cầu từ trưa ngày 10/10. Tại huyện Sơn Tây, ngoài mưa lớn, nước sông dâng cao làm tuyến đường ĐH83 dẫn về các xã Sơn Màu, Sơn Tinh, Sơn Lập xảy ra hàng chục điểm sạt lở, giao thông trên truyến bị ách tắc, gián đoạn do đất đá, cây cối sạt, đổ ngã chắn ngang đường.

Ngoài 02 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi bị ngập lụt nặng ở nhiều nơi, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng bị ngập lụt làm một số tuyến đường giao thông bị chia cắt. Các lực lượng chức năng của các tỉnh miền Trung đã và đang tích cực huy động lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.