08:01 22/03/2019

Mô hình cửa hàng tiện ích ở Nhật lung lay vì thiếu lao động

An Huy

Những cửa hàng tiện ích sáng đèn suốt đêm là một nét độc đáo và là một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại của người Nhật

Một cửa hàng tiện ich 7-Eleven ở Nhật - Ảnh: Nikkei.
Một cửa hàng tiện ich 7-Eleven ở Nhật - Ảnh: Nikkei.

Sau nhiều năm liên tục phát triển, các cửa hàng tiện ích mở cửa 24 giờ ở Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động cả ngày do phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.

Theo hãng tin Reuters, nhiều chủ cửa hàng tiện ích nhượng quyền ở Nhật đã tham gia vào một chiến dịch kêu gọi doanh nghiệp đầu ngành 7-Eleven cho phép các cửa hiệu được đóng cửa vài tiếng trong ngày, hãng tin Reuters cho hay.

Ngành công nghiệp 100 tỷ USD gặp khó

Thực tế này đang đặt ra những hoài nghi về tương lai của một ngành công nghiệp có trị giá 100 tỷ USD ở Nhật vốn đang phải đối mặt với tình trạng dân số lão hóa, tăng trưởng kinh tế giảm tốc, và những đối thủ cạnh tranh mới như Amazon Prime.

"Vấn đề nằm ở chỗ, nhu cầu của thị trường là bao nhiêu đối với dịch vụ 24 giờ trong thời đại mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến", chuyên gia tư vấn bán lẻ Takayuki Kurrabayashi thuộc Viện nghiên cứu Nomura nhận xét.

Các cửa hàng tiện ích bắt đầu phát triển mạnh ở Nhật vào giữa thập niên 1970, và việc những cửa hàng này mở cửa 24 giờ mỗi ngày được xem là rất phù hợp với mật độ dân số đông đúc và văn hóa làm việc đến khuya ở đất nước mặt trời mọc.

Với tên gọi trong tiếng Nhật là "conbini", những cửa hàng tiện ích sáng đèn suốt đêm là một nét độc đáo và là một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại của người Nhật. Tại các cửa hiệu như vậy, người ta có thể tìm mua mọi thứ, từ cà vạt cho tới bữa ăn được chuẩn bị sẵn cho dân công sở. Ở các vùng nông thôn, cửa hàng tiện ích là nơi người dân có thể gửi bưu kiện, rút tiền ở máy ATM, hoặc thậm chí là thiết bị cứu hộ trong trường hợp xảy ra thiên tai như động đất.

Hệ thống nhượng quyền đã thúc đẩy sự phát triển của các cửa hàng tiện ích ở Nhật, đạt con số khoảng 58.000 vào năm 2018, chủ yếu thuộc ba "ông lớn" là 7-Eleven, FamilyMart, và Lawson.

Trong nhiều năm, mô hình nhượng quyền đã giúp các cửa hiệu tiện ích ở Nhật tránh được ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng thiếu lao động. Nhưng giờ đây, thị trường việc làm trong tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng nhất hơn 40 năm đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho các chủ cửa hàng tiện ích nhượng quyền, những người vừa phải trả lương cho nhân viên, vừa phải trả phí nhượng quyền.

Một liên minh của các chủ cửa hàng tiện ích Nhật nói rằng họ ngày càng khó thuê đủ nhân viên. Nhiều người trong số này cho biết họ phải tự mình làm việc để có thể duy trì mở cửa 24 giờ - một yêu cầu trong hầu hết các hợp đồng nhượng quyền cửa hàng tiện ích.

Dư địa để sáng tạo

"Vào lúc ký hợp đồng, chúng tôi không thể lường trước được tình trạng thiếu lao động thế này", ông Mitoshi Matsumoto, người sở hữu một cửa hiệu 7-Eleven ở Osaka, cho hay. Sau khi vợ ông Matsumoto qua đời vào năm ngoái, ông bắt đầu đóng cửa 4 tiếng mỗi đêm và đã bị 7-Eleven dọa phạt.

Ngay cả Nikkei, tờ báo thân với giới doanh nghiệp Nhật, cũng đã có một bài viết nói rằng các cửa hàng tiện ích nên được phép có số giờ mở cửa phù hợp, cho dù người tiêu dùng có thể cảm thấy đôi chút bất tiện.

Trước sức ép như vậy, 7-Eleven mới đây nói sẽ bắt đầu thử nghiệm rút ngắn thời gian mở cửa tại 10 trong số hơn 20.700 cửa hiệu tại Nhật. Công ty nhấn mạnh đây mới chỉ là thử nghiệm và 7-Eleven chưa hề thay đổi mô hình cửa hiệu mở cửa 24/7.

Nhà phân tích Roy Larke thuộc JapanConsuming.com cho rằng lĩnh vực cửa hàng tiện ích ở Nhật đã bão hòa và sự sáp nhập sẽ trở thành tất yếu trong thời gian tới. "Ở Nhật đang có quá nhiều cửa hàng tiện ích, đôi khi các cửa hiệu mọc lên ngay cạnh nhau. Tôi cho rằng số cửa hiệu này đang dư thừa 10%", ông Larke nói.

Phát ngôn viên Katsuhiko Shimizu của 7-Eleven không đồng tình với đánh giá này. "Vẫn còn nhiều dư địa để sáng tạo", ông Shimizu nói, nhấn mạnh những nỗ lực của công ty trong việc đưa tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các quy trình từ lưu hàng trong kho cho tới thanh toán.

Các chuỗi cửa hàng tiện ích ở Nhật hiện đang thử nghiệm những khuôn mẫu mới như cửa hiệu tiện ích kết hợp hiệu thuốc, cửa hàng giặt khô, thậm chí là phòng tập gym. FamilyMart đã mở những cửa hiệu như vậy để thu hút khách hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng không nên xem nhẹ các cửa hàng tiện ích, một lĩnh vực được biết đến với khả năng duy trì tỷ suất lợi nhuận cao và hiếm khi giảm giá. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nói còn quá sớm để dự báo về kết quả cuộc đua bán thực phẩm trên mạng ở Nhật Bản, bởi cuộc đua này mới chỉ bắt đầu.