17:08 11/05/2022

Mobile Money gặp khó khi “sinh sau đẻ muộn”

Do phát triển sau nên Mobile Money đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán...

Thời điểm "vàng" của Mobil Money đã qua?
Thời điểm "vàng" của Mobil Money đã qua?

Theo số liệu tại Hội thảo: “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền Thông và Báo Lao Động tổ chức sáng 11/5, đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 1,1 triệu khách hàng.

Cùng đó, hơn 3.000 điểm kinh doanh Mobile Money đã được thiết lập với tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán đạt hơn 12.800 đơn vị, tổng số lượng giao dịch đạt hơn 8,5 triệu giao dịch tương ứng tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.

Nhìn chung, sau khi được chấp thuận triển khai thí điểm, 3 doanh nghiệp gồm: VNPT, MobiFone và Viettel đã nỗ lực triển khai cung ứng dịch vụ tới khách hàng, đặc biệt nhóm khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo ngay từ cuối tháng 11/2021 và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. 

 

Số liệu về thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà mạng tham gia thí điểm, con số nêu trên vẫn còn thấp so với số lượng thuê bao di động của Việt Nam đang có (tính đến hết năm 2021 khoảng 123,76 triệu thuê bao) và điều này phản ánh thế khó của Mobile Money khi “sinh sau đẻ muộn”.

Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, cho biết mặc dù MobiFone là đơn vị đầu tiên nhận được giấy phép thí điểm Mobile Money tại Việt Nam nhưng cũng chậm hơi thế giới khoảng 20 năm. Do đó, thời điểm vàng triển khai Mobile Money đã qua.

Bà Tú cho rằng, cách đây 20 năm, số lượng người sử dụng ngân hàng rất ít và đây là lợi thế của dịch vụ di động, trong đó có Mobile Money. Ngược lại, tại thời điểm này, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, các ngân hàng chuyển đổi số rất mạnh thì các ngân hàng mới là đơn vị chiếm ưu thế.

“Hiện tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,74% nhưng số lượng giao dịch thanh toán bằng tiền mặt lại chiếm hơn 80%. Điều này chứng tỏ các giao dịch đều nhỏ lẻ và là đối tượng của Mobile Money. Vì vậy, dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá. Trong khi mảnh đất màu mỡ ngân hàng đã cày xới hết”, bà Tú than thở.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone, cho rằng do được phép triển khai muộn nên việc phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán còn chậm.

 

Tại VNPT, tính đến tháng 3/2022 tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ nhưng không thành công do không đáp ứng các yêu cầu là 156.351 người, chiếm 30%/tổng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ (các nguyên nhân bao gồm: Không thành công do áp dụng công nghệ AI, Big data, do thay đổi CCCD, do không đủ điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng dịch vụ liên tục trong ít nhất 3 tháng…).

Chưa kể, theo quy định hiện tại về ký kết với đơn vị chấp nhận thanh toán thì doanh nghiệp thí điểm không thể hợp tác thông qua các tổ chức khác trên thị trường. Trong khi, quy định này đối với ngân hàng và trung gian thanh toán thoải mái hơn.

Thêm vào đó, về vấn đề bảo mật, ông Tấn đánh giá, các nhà mạng hiện nay vẫn chỉ là “tay mơ” so với các ngân hàng. “Do phát triển sau nên các quy chuẩn về bảo mật an toàn của Mobile Money vẫn chưa rõ ràng. Nếu có hệ thống quy chuẩn bảo mật mang tính quốc gia thì đó sẽ là cơ sở để các nhà mạng lấy làm tiêu chuẩn nhằm tổ chức triển khai và đầu tư hệ thống”, ông Tấn nói.

Ngoài ra, đại diện từ VNPT còn nêu ra một loạt các vướng mắc khác như: Điều kiện mở tài khoản Mobile Money rất chặt chẽ, trong khi hầu hết các ngân hàng đã cho phép khách hàng đăng ký tài khoản online và eKYC toàn trình mà không vướng nhiều bước kiểm tra; hạn mức sử dụng thấp hơn so với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử…

Để giải quyết các vấn đề trên, ông Tấn kiến nghị mở ra cơ chế, chẳng hạn như xem xét cho phép thuê bao di động không cần thực hiện định danh lại; không cần đáp ứng yêu cầu đã sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề; cho phép doanh nghiệp thí điểm có thể mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp ngoài các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; cho phép khách hàng sử dụng Mobile money của các nhà mạng thực hiện thí điểm có thể chuyển/nhận tiền với nhau…

 

Bộ Công an đang nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nói chung và các nhà mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile money nói riêng.

Thứ nhất, các thực dữ liệu dân cư để làm sạch thuê bao di động, cấp tài khoản Mobile money theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 88/TP- VPCP ngày 29/3/2022.

Thứ hai, triển khai thí điểm việc xác thực thẻ căn cước công dân thật/giả, xác thực thông tin cơ bản, thông tin sinh trắc với dữ liệu được lưu trữ trong chip của thẻ căn cước công dân, nhằm tránh các rủi ro, gian lận trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông, công chứng và các giao dịch dân sự, thủ tục khác.

Do vậy, các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money cần tích hợp giải pháp này là cần thiết nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp. Hình thức của giải pháp này được thể hiện qua: các đầu đọc thẻ căn cước công dân gắp chip, thiết bị xác minh di động tại quầy giao dịch, thư viện tích hợp vào các ứng dụng mobile trên nền tảng di động.