Mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đạt net-zero vào năm 2050
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 vừa diễn ra ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Việt Nam đã công bố các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo là cam kết cắt giảm năng lượng than nhằm đạt net-zero vào năm 2050. Điều này liệu có khả thi?...
Việc cam kết cắt giảm điện than nhằm đạt net-zero vào năm 2050 của Việt Nam được đánh giá là một nỗ lực không hề nhỏ với một quốc gia sử dụng than đá làm nguồn năng lượng phát điện chủ yếu và cơ bản đã khai thác hết nguồn thủy điện. Để thực hiện được tham vọng này, Việt Nam cần phải làm gì và có sự hỗ trợ gì từ các tập đoàn nước ngoài? Cuộc trò chuyện với ông Håkan Agnevall, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Wärtsilä, với VnEconomy sẽ cho độc giả hiểu hơn về điều này.
Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của cam kết này từ Việt Nam?
Cá nhân tôi rất ấn tượng trước thông báo của Việt Nam về việc đặt mục tiêu đạt được net-zero vào năm 2050. Điều này cho thấy sự cam kết và đóng góp thực sự của Việt Nam trong việc tham gia các hành động khẩn cấp về khí hậu toàn cầu. Với sự hiểu biết của chúng tôi về thị trường của Việt Nam, Wärtsilä tin rằng Việt Nam có tất cả tiềm năng cần thiết để đạt được mục tiêu net-zero và đủ điều kiện cần cho cuộc cách mạng năng lượng tái tạo trong những năm tới.
Việt Nam đã nổi lên như một điểm nóng về đầu tư năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á nhờ sự phát triển của điện mặt trời. Kể từ khi biểu giá FiT cho điện mặt trời đầu tiên được ban hành vào năm 2017, sự bùng nổ phát triển của nguồn điện này trong hai năm qua đã dẫn đến việc có thêm hơn 16 GW công suất điện.
Trong 5 năm tới, các dự án điện gió dự kiến sẽ dẫn đầu trong việc bổ sung thêm công suất điện. Việc phát triển và triển khai các nhà máy điện tái tạo này sẽ tạo ra các cơ hội thương mại và việc làm tại Việt Nam. Sẽ có cơ hội cho sự đổi mới trong tương lai khi các công nghệ mới được phát triển và mở rộng quy mô để đạt net-zero cho đất nước.
Để đạt được mức net-zero vào năm 2050, Việt Nam cũng sẽ cần phải vượt qua một số thách thức. Trong đó có thách thức liên quan đến việc có được nguồn tài chính cần thiết để tạo điều kiện quá trình chuyển đổi năng lượng, mà tôi tin rằng sẽ được hỗ trợ rất nhiều từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp hợp tác song phương hoặc đa phương. Một thách thức khác là đưa các công nghệ mới vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Các chính sách và khuôn khổ pháp lý mới cần được phát triển để thu hút đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo này.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Phạm Minh Chính đã khẳng định “Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt net-zero vào năm 2050”. Theo ông, để cam kết này đạt được như mong đợi, Việt Nam cần phải làm những gì và có những lộ trình như thế nào ngay từ bây giờ?
Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào điện than và có nhiều dự án mới đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trước những thách thức trong việc tìm nguồn tài chính cho những nhà máy điện mới, Việt Nam cần xem xét lại tính khả thi của các dự án này. Đồng thời, Việt Nam sẽ cần tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước, cung cấp năng lượng sạch và đầu tư vào các công nghệ điện linh hoạt như điện khí ICE. Để đạt được mục tiêu net-zero, các lĩnh vực khác có lượng khí thải nhà kính (GHG) cao như giao thông vận tải và nông nghiệp cũng cần hành động nhằm thúc đẩy việc thực hiện cam kết.
Kinh nghiệm tại một số nước trong khu vực, việc cam kết giảm khí thải carbon sẽ gây khó khăn cho phát triển công nghiệp. Việt Nam cần làm gì để hài hòa lợi ích vừa giảm được khí thải carbon theo lộ trình, vừa phát triển công nghiệp?
Kết hợp một cách hài hòa giữa phát triển kinh tế trong nước và thực hiện cam kết toàn cầu về môi trường không là nhiệm vụ dễ dàng đối với bất kỳ quốc gia nào. Quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều mà diễn ra dần dần qua nhiều năm. Sau COP26, một kế hoạch hành động cụ thể và chi tiết cần được tạo lập để các khu công nghiệp hiểu rõ những gì cần phải làm, từ đó điều chỉnh hoạt động của họ nhằm giảm phát khí thải nhà kính.
Mặt khác, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã thực hiện những bước đầu như lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các cơ sở sản xuất của họ để giảm tiêu thụ năng lượng hoặc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Một hệ thống năng lượng điện tái tạo tốt và linh hoạt có thể sản xuất nguồn điện với mức giá phải chăng và đáng tin cậy, giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với những nước khác để thu hút nguồn vốn FDI mới từ các tập đoàn lớn trên toàn cầu, đồng thời tăng khả năng xuất khẩu, đặc biệt đối với các thị trường thuộc khối Liên minh Châu Âu.
Với kinh nghiệm sẵn có và giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng của mình, tập đoàn Wärtsilä có giải pháp gì để hỗ trợ gì cho Việt Nam thực hiện cam kết khử carbon nhằm đạt net-zero vào năm 2050 với những nhiên liệu trong tương lai?
Để đạt được mục tiêu net-zero, cần có một lượng đáng kể các nhà máy điện khí linh hoạt sử dụng động cơ đốt trong (ICE) nhằm đảm bảo việc cung cấp năng lượng một cách ổn định khi nắng tắt gió lặng. Các nhà máy điện khí cân bằng (balancing) dựa trên công nghệ ICE của chúng tôi sẽ đóng một vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu điện tại các giờ cao điểm, đồng thời duy trì sự ổn định của hệ thống dưới sự biến động từ các nhà máy điện mặt trời và điện gió. Các động cơ ICE hiện nay có thể chạy bằng khí tự nhiên (LNG), khí sinh học, khí metan tổng hợp hoặc hỗn hợp giữa khí tự nhiên và khí hydro (tới 25% hydro) và sẽ có khả năng chuyển đổi sang các loại nhiên liệu trong tương lai, bao gồm 100% hydro và amoniac.
Những giá trị của điện khí linh hoạt sử động cơ đốt trong (ICE) đã được ghi nhận một cách rõ ràng trong các dự thảo gần đây của Quy hoạch điện VIII (PDP8) khi Việt Nam đang có kế hoạch chuyển đổi từ than sang năng lượng tái tạo và khí tự nhiên. Với kinh nghiệm toàn cầu, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết, đặc biệt là quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới một hệ thống điện bền vững và đáng tin cậy.