Nghiên cứu lập đề án xây dựng cảng hàng không quốc tế tại Ninh Bình
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại địa phương để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại địa phương để trình Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ thành lập tổ công tác chuyên môn để hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình và đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng, thẩm định và trình duyệt đề án, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện.
Đề xuất này xuất phát từ việc doanh nghiệp Xuân Trường kiến nghị được đầu tư xây dựng một cảng hàng không quốc tế tại Ý Yên (tỉnh Nam Định) hoặc tại một vị trí do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất. Nguồn vốn đầu tư cho dự án này dự kiến sẽ không sử dụng ngân sách Trung ương, mà được huy động từ ngân sách của tỉnh Ninh Bình (sau sáp nhập) và vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống cảng hàng không cả nước, hiện chưa xác định vị trí tiềm năng hình thành cảng hàng không tại khu vực tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh).
Trong 12 vị trí được xác định có tiềm năng, hiện mới có ba địa phương hoàn tất đề án và được Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch gồm Gia Bình (Bắc Ninh), Măng Đen (Kon Tum) và Vân Phong (Khánh Hòa).
Tuy vậy, Bộ Xây dựng đánh giá, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, Ninh Bình sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ và vận tải hàng không. Vì thế, việc nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư cảng hàng không mới được đánh giá là nhu cầu chính đáng và phù hợp với định hướng phát triển dài hạn.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng hàng không trong thời gian tới để phù hợp với tình hình mới. Cơ quan này cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch và dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới. Do đó, kết quả nghiên cứu từ Đề án của tỉnh Ninh Bình sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai thủ tục điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật.
Cùng với đề xuất sân bay, doanh nghiệp Xuân Trường còn kiến nghị được đầu tư xây dựng hai trục đường chính nối từ khu vực Di sản Tràng An và Bái Đính (trung tâm tỉnh Ninh Bình) đi Nam Định và Phủ Lý (Hà Nam). Mỗi tuyến đường được thiết kế 8 làn xe, kết nối liên vùng, kết hợp với việc xây dựng 9 cây cầu vượt sông Đáy và sông Hoàng Long.
Tổng thời gian dự kiến thi công toàn bộ hệ thống hạ tầng này là không quá 12 tháng, sau đó sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng. Nguồn vốn triển khai cũng tương tự như dự án sân bay: sử dụng ngân sách địa phương (sau sáp nhập) và vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, không sử dụng ngân sách Trung ương.
Đánh giá về đề xuất này, Bộ Xây dựng cho rằng việc đầu tư bổ sung hạ tầng giao thông kết nối là rất cần thiết trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính. Tuy nhiên, việc triển khai phải tuân thủ đúng quy hoạch tỉnh và thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh Ninh Bình. Các hạng mục như đường chính hay cầu qua sông phải được xác định rõ trong quy hoạch được phê duyệt mới đủ điều kiện để thực hiện.
Tại văn bản số 1100/UBND-VP4 ngày 30/6/2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã thống nhất với nội dung nêu trên, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát quy hoạch tỉnh làm căn cứ pháp lý cho quá trình triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian tới. UBND tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự phù hợp với mục tiêu phát triển tổng thể và các quy định pháp luật liên quan.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp, hướng dẫn tỉnh Ninh Bình trong quá trình thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm tính khả thi của dự án.