09:43 22/05/2007

Mua bản quyền phần mềm: “Không độc quyền trong cơ quan Chính phủ”

"Không thể có chuyện độc quyền dù là sản phẩm hay nhà cung cấp, dù Microsoft hay bất kỳ ai"

Thứ trưởng Vũ Đức Đam.
Thứ trưởng Vũ Đức Đam.
Liên quan đến việc Chính phủ mua bản quyền phần mềm của Microsoft, báo giới đã trao đổi với ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông.

Thưa ông, việc Chính phủ mua bản quyền phần mềm của Microsoft đồng nghĩa với việc tất cả máy tính trong các cơ quan của Chính phủ sẽ sử dụng phần mềm của Microsoft?

Tất nhiên không phải như vậy. Chính phủ chỉ mua một số lượng nhất định. Không thể có chuyện độc quyền dù là sản phẩm hay nhà cung cấp, dù Microsoft hay bất kỳ ai.

Vì sao Chính phủ lại đứng ra ký hợp đồng chung cho các bộ, ngành mà không để các bộ, ngành tự thỏa thuận mua, giống như Bộ Tài chính đã làm?

Làm như vậy, muốn giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền thì Việt Nam sẽ phải trả chi phí cao hơn rất nhiều. Việc Chính phủ đứng ra mua cho tất cả cơ quan thuộc Chính phủ không chỉ tiết kiệm chi phí trực tiếp mà còn đem lại những lợi ích khác.

Các phần mềm Chính phủ đã mua bản quyền sẽ được sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất khi mà phần lớn máy tính ở Việt Nam chỉ dùng soạn thảo văn bản?

Phần mềm văn phòng có rất nhiều tính năng ngoài việc soạn thảo văn bản đơn thuần. Sử dụng tốt các tính năng này sẽ giúp rất nhiều cho nhiệm vụ tin học hóa công tác văn phòng theo đúng nghĩa. Đây chính là trách nhiệm của các cơ quan.

Thưa ông, tại sao chúng ta lại phải mua phần mềm của Microsoft mà không mua phần mềm của các hãng khác cũng có những tính năng tương tự, hoặc khuyến khích sử dụng những phần mềm nguồn mở được phổ biến rộng rãi trên mạng?

Phần mềm văn phòng của Microsoft là phần mềm thương mại đóng gói thông dụng nhất. Mặt khác, việc mua bản quyền nằm trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác chiến lược. Việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới có ý nghĩa khác hẳn so với mối quan hệ mua bán thông thường và với các doanh nghiệp khác.

Phần mềm mã nguồn mở miễn phí bản quyền trên mạng luôn được khuyến khích sử dụng không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà trong toàn xã hội. Việc mua bản quyền phần mềm của Microsoft cũng tạo sức đẩy để phần mềm nguồn mở được sử dụng rộng rãi hơn. Nếu cứ sử dụng phần mềm thương mại không trả phí bản quyền thì đương nhiên chẳng ai nghĩ tới chuyển sang sử dụng phần mềm nguồn mở.

Liệu Việt Nam có nên xây dựng một hệ phần mềm văn phòng của riêng mình?

Điều quan trọng là tạo môi trường cạnh tranh trên nguyên tắc chuẩn mở để người sử dụng có sự chọn lựa. Việc xây dựng một phần mềm văn phòng riêng của Việt Nam cần được xem xét trên tất cả góc độ, đặc biệt là góc độ thương mại trong điều kiện toàn cầu hóa. Tránh duy ý chí và đầu tư mang tính bao cấp. Giải pháp hiện thực hơn là tạo cơ chế, phát triển công cụ để hỗ trợ sử dụng phần mềm văn phòng nguồn mở. Người sử dụng phần mềm mã nguồn mở không phải trả phí bản quyền nhưng rất cần được hỗ trợ kỹ thuật.