09:12 25/12/2007

Mùa mua sắm trực tuyến: Các chiêu lừa và cách tránh

Kiều Oanh

Mùa nghỉ lễ cuối năm là thời kỳ mà các khách hàng mua sắm trên mạng dễ bị “ăn quả lừa” nhất

Xu hướng mua sắm trên mạng ngày càng gia tăng khiến bọn tội phạm ảo có nhiều “đất” để “tác nghiệp” hơn bao giờ hết.
Xu hướng mua sắm trên mạng ngày càng gia tăng khiến bọn tội phạm ảo có nhiều “đất” để “tác nghiệp” hơn bao giờ hết.
Mùa nghỉ lễ cuối năm bao giờ cũng là quãng thời gian tuyệt vời nhất cho những lời chúc mừng, bưu thiếp và những lời chào hàng trên mạng.

Đây cũng là "mùa làm ăn" của các loại hình lừa đảo trực tuyến.

Các chuyên gia cho biết, đây là thời kỳ mà các khách hàng mua sắm trên mạng dễ bị “ăn quả lừa” nhất vì bọn tội phạm thường đánh vào tâm lý thích mua hàng giảm giá của các nạn nhân.

Xu hướng mua sắm trên mạng ngày càng gia tăng khiến bọn tội phạm ảo có nhiều “đất” để “tác nghiệp” hơn bao giờ hết. Thống kê của Dec.20comScore cho thấy, từ ngày 1/11 đến thời điểm trước Giáng sinh, thị trường mua sắm trên mạng đã đạt doanh số khoảng 25 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty an ninh mạng cũng dự báo, lượng tiền bị lừa đảo trong hoạt động mua sắm trực tuyến chắc chắn cũng sẽ tăng theo, đưa tổng số tiền lừa cả năm nay lên mức 3,6 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, dưới đây là một số loại hình lừa đảo trên mạng phổ biến và cách phòng tránh.

Email “hàng triệu USD”

Có thể bạn đã từng nhận được email từ một “giám đốc ngân hàng ở Nigeria” đề nghị bạn “bí mật giúp đỡ” mở một tài khoản ngân hàng để chuyển hàng triệu USD lợi nhuận từ kinh doanh dầu lửa. “Ông bạn tốt” này thực ra đang tìm cách biến bạn thành một “chú cừu non”, tự nguyện "kê khai" các thông tin tài khoản.

Trên thực tế, bọn tội phạm loại này đã ngày càng thành công hơn trong những năm gần đây. Một cuộc điều tra do công ty nghiên cứu thị trường Gartner tiến hành cho thấy, trong thời kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 8/2007, đã có hơn 3,6 triệu người bị mất tiền vì kiểu lừa này, tăng so với mức 2,3 triệu người vào năm 2006.

Một lý do dẫn tới số người bị lừa tăng cao là thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn tội phạm loại này. Chúng đã mạo danh những tổ chức tài chính hoặc những công ty uy tín như Citibank, PayPal hay eBay để gửi email cảnh báo về việc hủy tài khoản hoặc phát hiện các hoạt động lừa đảo. Nhiều khách hàng ngây thơ đã nhấp chuột vào đường link gửi kèm với hy vọng giải quyết được vấn đề, nhưng rốt cuộc là bị mất thông tin tài khoản và các thông tin cá nhân khác.

Cách tốt nhất để tránh rơi vào bẫy của bọn tội phạm này là không click vào các đường link gửi kèm các email kiểu nói trên. Theo các chuyên gia, nếu bạn có lỡ nhấp chuột vào đó và thấy đường link có chứa toàn chữ số hoặc quá dài thì rất có khả năng bạn đã “sập bẫy”. Những dấu hiệu viết sai chính tả hoặc lỗi ngữ pháp cũng là dấu hiệu của một trang web lừa đảo.

Tuy nhiên, cũng có những trang web rất tinh vi và khó xác định được có phải là một web “ma” hay không. Vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng nên download các phần mềm an ninh về máy tính của mình, cho dù đó là bản dùng thử.

Thẻ quà tặng “giá bèo”

Thẻ quà tặng là một cách phổ biến mà các hãng bán lẻ áp dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, trong những năm gần đây, thẻ quà tặng đã trở thành một chiêu thức được bọn tội phạm ảo rất chuộng để rửa tiền.

Bọn tội phạm thường dùng tiền “bẩn” để mua một số loại thẻ như thẻ điện thoại hoặc thẻ quà tặng. Sau đó, chúng bán lại những thẻ này cho người khác, với mức giá có vẻ hơi “hớ một tí”. Với chiêu thức này, chúng có được một nguồn tiền hợp pháp hơn, như séc cá nhân hay chuyển tiền ngân hàng trực tuyến. Khách hàng mua những loại thẻ này, thường là thông qua các trang bán đấu giá, vẫn tin là mình đã “vớ bở”.

Những người mua thẻ quà tặng trên mạng cũng dễ mua phải thẻ đã có người sử dụng. Bọn tội phạm có thể đánh cắp mã số thẻ khi thẻ còn đang được rao bán hợp pháp và bán lại cho bạn. Khi bạn sử dụng thẻ đó, người mua hợp pháp trước bạn đã tiêu hết tiền trong thẻ. Biện pháp phòng tránh tốt nhất là đừng mua thẻ quà tặng được rao bán bừa bãi.

Các trang web “từ thiện”

Nhiều tên tội phạm còn nhẫn tâm lợi dụng các trang web từ thiện. Chiêu thức điển hình là bạn nhận được một email từ một tổ chức từ thiện có tiếng, hoặc thậm chí có thể là bạn chưa nghe thấy bao giờ nhưng có những lời kêu gọi nghe rất “mùi mẫn”. Trong email này thường có sẵn đường link để người truy cập “giao nộp” các thông tin về tài khoản hoặc số thẻ tín dụng để quyên góp tiền.

Trang web có “quà tặng miễn phí”

Có thể những trang này đến một lúc nào đó sẽ đem đến cho bạn một món quà miễn phí thật sự, nhưng các chuyên gia cho biết, có tới 99% khách hàng “hết chịu nổi” trước khi vượt qua được các “chướng ngại vật” trên con đường tiến tới món quà này. Vì để có khả năng được nhận quà, bạn phải đăng ký nhận email chiêm tinh hàng tuần hay đặt báo miễn phí.

Khi hoàn thiện những bản đăng ký này, không ít người đã “ngoan ngoãn khai báo” cho các site spam và các nguồn thiếu tin cậy khác các thông tin cá nhân của mình.

Các chương trình ghi lại thao tác bàn phím (keylog)

Các chương trình ghi lại các chữ cái và chữ số mà người sử dụng gõ vào các website này được các chuyên gia coi là một mối đe dọa đặc biệt là các dịp nghỉ lễ. Các chương trình này thường được download tự động về máy tính của bạn khi bạn truy cập vào các trang web có virus, mở đính kèm có nhiễm virus trong email, hoặc nhấp chuột vào một quảng cáo có virus.

Có thể chương trình này đã “phục sẵn” trong máy tính của bạn từ trước và chỉ chờ khi nào bạn mua hàng trên mạng là “ra tay”, vì khi đó bạn phải cung cấp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng. Để tránh loại tội phạm này, bạn nên tránh vào những trang web có độ tin cậy thấp và nên có các chương trình bảo vệ máy tính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách ưu việt nhất để tránh bị lừa khi lướt web là bạn nên thận trọng và khôn ngoan như trong cuộc sống ngoài đời, vì theo như lời một chuyên gia, “cuộc sống trên mạng cũng chẳng khác gì cuộc sống thật”.

(Theo BusinessWeek)