07:06 22/07/2025

Cần để hộ kinh doanh tự nguyện tuân thủ chính sách hóa đơn điện tử thay vì áp lực hành chính

Song Hà

Quyết định bãi bỏ chế độ thuế khoán để chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế được các chuyên gia đánh giá là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Song, việc triển khai chính sách cần trên tinh thần hỗ trợ, cảm thông và kiến tạo, thay vì “đao to búa lớn”…

Hộ kinh doanh không chỉ là nơi tạo việc làm, mà còn là "huyết mạch" mang lại sự năng động và linh hoạt cho nền kinh tế.
Hộ kinh doanh không chỉ là nơi tạo việc làm, mà còn là "huyết mạch" mang lại sự năng động và linh hoạt cho nền kinh tế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP ngày 20/3/2025  sửa đổi một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ, trong đó có những sửa đổi liên quan đến nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên.

HỘ KINH DOANH LO LẮNG LÀM SAI BỊ PHẠT

Các quy định của Nghị định 70 tác động lớn đến các chủ thể kinh doanh, trong đó có hộ và cá nhân kinh doanh. Tại “Hội thảo tham vấn về kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn, chứng từ tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP” mới đây do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều hộ kinh doanh đã bày tỏ lo ngại về những khó khăn khi áp dụng các quy định thuế và hóa đơn điện tử mới.

Bà Lê Thanh Nguyệt (hộ kinh doanh cho thuê nhà) chia sẻ là hộ kinh doanh doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm và không có hàng tồn kho nên quy định về sổ sách kế toán không phù hợp, khó thực hiện.

Việc hộ xuất hóa đơn không thường xuyên (chỉ 1 lần/năm khi khách thanh toán) khiến việc mua và duy trì phần mềm quản lý hóa đơn trở nên tốn kém, không hiệu quả. Thậm chí những bất cập về công nghệ do phải cài quá nhiều phần mềm, ứng dụng trên điện thoại gây phiền phức.

Ngoài ra, hộ kinh doanh khó khăn trong tiếp cận thông tin thuế. “Đối với những hộ kinh doanh nhỏ rất khó khăn trong tiếp cận thông tin từ cơ quan thuế. Gọi điện lên các đường dây nóng của cơ quan thuế thì không bao giờ kết nối được cuộc gọi. Khi trực tiếp lên cơ quan thuế, phải đi lại 4-5 lần chưa giải quyết được những khúc mắc”, bà Nguyệt nêu thực tế.

Ủng hộ việc hộ kinh doanh phải nộp thuế, song bà Nguyệt kiến nghị cơ quan quản lý cần xem xét lại mức thuế cao đang áp với hộ kinh doanh nhỏ, đơn giản hóa thủ tục, chỉ áp dụng một vài phần mềm quản lý hiệu quả và cung cấp thông tin, văn bản hướng dẫn nhắm đúng vào từng ngành nghề cụ thể để các hộ kinh doanh dễ dàng áp dụng.

Nhiều hộ kinh doanh cho thuê nhà lo ngại về những khó khăn khi áp dụng các quy định thuế và hóa đơn điện tử mới.
Nhiều hộ kinh doanh cho thuê nhà lo ngại về những khó khăn khi áp dụng các quy định thuế và hóa đơn điện tử mới.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Khánh Ly (hộ kinh doanh phụ tùng ô tô Gia Phạm) cho rằng việc chuyển đổi từ "thuế khoán" sang "hộ kê khai" là cực kỳ khó khăn, thậm chí còn khó hơn cả doanh nghiệp. Do vướng mắc lớn trong việc xử lý hàng tồn kho (tương đối nhiều) và công nợ cũ từ trước khi chuyển đổi, vì không có chính sách hướng dẫn thấu đáo.

“Một ngày 3 nhân viên kế toán chỉ loay hoay với việc xuất hóa đơn đúng, đủ, lo sợ bị phạt nặng khi xuất sai hóa đơn. Còn chủ hộ kinh doanh thì “ăn không ngon, ngủ không yên”. Do đó cần phải có chính sách đi sâu, đi sát, giúp các hộ kinh doanh thoát khỏi nguồn cơn này”, bà Ly chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Ly e ngại nếu chính sách không được áp dụng đồng bộ, những hộ kinh doanh tuân thủ sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh với các hộ vẫn đang nộp thuế khoán. Chính sách ưu đãi hiện nay với doanh nghiệp mới thành lập được miễn thuế 3 năm đầu, nhưng hộ kê khai lại không được hưởng ưu đãi tương tự, gây ra sự bất bình đẳng.

Vì vậy, bà Ly đề xuất cần có chính sách rõ ràng để giải quyết các vấn đề tồn đọng (hàng tồn kho, công nợ cũ). Đồng thời giãn tiến độ áp dụng quy định để các hộ kinh doanh có thời gian thích ứng và thực hiện đúng.

Đặc biệt, cần áp dụng chính sách đồng bộ, triệt để cho tất cả các hộ kinh doanh để tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Xem xét các khoản chi phí được khấu trừ (ví dụ: bảo hiểm cho nhân viên) để giảm gánh nặng cho hộ kinh doanh.

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thường trực Hội đồng Tư vấn chính sách, đánh giá việc bãi bỏ chế độ thuế khoán để chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế là một "cuộc cách mạng" của ngành thuế và cả đất nước, giúp tăng tính minh bạch, thúc đẩy chuyển đổi số và tạo ra sự công bằng.

Ông Trần Quốc Khánh kiến nghị cần xem xét lại ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh.
Ông Trần Quốc Khánh kiến nghị cần xem xét lại ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh.

Song, chính sách này sẽ tác động sâu rộng đến 5,6 triệu hộ kinh doanh-một khu vực cực kỳ quan trọng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp từ 23 - 30% GDP (tùy theo cách tính) và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động. Không chỉ là nơi tạo việc làm, hộ kinh doanh còn là huyết mạch mang lại sự năng động và linh hoạt cho nền kinh tế.

Điển hình trong thời gian Covid-19, khi tất cả các cửa hàng phải đóng cửa, thì hộ kinh doanh chính là những người đầu tiên “go online” và bán hàng online. Họ len lỏi đến những địa bàn sâu xa nhất mà doanh nghiệp không vươn tới để thu mua nông, lâm sản. Họ bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, đặc sản của dân tộc (ẩm thực, thủ công mỹ nghệ). Vì vậy, bất kỳ chính sách nào tác động đến họ đều phải được thực hiện một cách "rất cẩn thận".

CÓ CÁCH TIẾP CẬN MỀM DẺO, THAY VÌ "ĐAO TO BÚA LỚN"

Để thực thi Nghị định 70 một cách hiệu quả, theo ông Khánh, tinh thần triển khai cần theo phương châm "giáo dục - hỗ trợ - cảm thông - kiến tạo", thay vì "đao to búa lớn", đe nẹt, hay phạt nặng.

Đặc biệt cần có lộ trình chuyển đổi dài, tối thiểu 2-3 năm (chứ không phải 6 tháng hay 1 năm), để các hộ kinh doanh có thời gian thích nghi. Trong giai đoạn này, không truy thu quá khứ và không phạt nặng các sai sót không cố ý.

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo.
Ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo.

Mặt khác, cần hỗ trợ tài chính và thủ tục. Đơn giản hóa tối đa quy trình: Cục Thuế nên tự động tính toán số thuế phải nộp dựa trên dữ liệu từ máy POS đã kết nối và gửi thông báo, người dân chỉ cần xác nhận và chuyển tiền, tương tự cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Nhà nước nên hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí mua máy POS (khoảng 10-11 triệu đồng/máy) và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ miễn phí xuất hóa đơn điện tử (hiện đang thu khoảng 210 đồng/hóa đơn).

"Vấn đề cốt lõi là sự bất hợp lý của ngưỡng chịu thuế. Mức để thu thuế hộ kinh doanh mặc dù đã được nâng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng nhưng vẫn hết sức bất hợp lý", ông Khánh phân tích; đồng thời, ông Khánh dẫn chứng sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa người làm công ăn lương và hộ kinh doanh. Người làm công ăn lương được giảm trừ gia cảnh, thu nhập ròng dưới 200 triệu đồng/năm (dự kiến) có thể không phải nộp thuế.

Trong khi hộ kinh doanh phải nộp thuế trên doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, dù lợi nhuận thực tế của họ rất thấp (ví dụ: để có lợi nhuận 200 triệu đồng, họ có thể phải đạt doanh thu 2 tỷ đồng).

Chính bất cập này là động cơ để che giấu doanh thu. Do đó, ông Khánh kiến nghị cần xem xét lại ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh, có thể áp dụng cơ chế tương tự giảm trừ gia cảnh để tạo sự công bằng và khuyến khích họ công khai doanh thu một cách tự nguyện. Đồng thời ông đề xuất miễn thuế cho hộ kinh doanh có doanh thu dưới 2 tỷ đồng/năm.

Ông Khánh kết luận: "Chính sách bãi bỏ chế độ thuế khoán và chuyển sang nộp thuế theo doanh thu thực từ máy tính tiền là bước tiến cần thiết, để xây dựng một nền kinh tế minh bạch. Tôi hoàn toàn ủng hộ và chúng ta nên làm thế. Nhưng trong quá trình triển khai, để bền vững, chúng ta cần phải hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như tôn trọng lợi ích chính đáng của các hộ kinh doanh. Chúng ta vào cuộc với một tinh thần giáo dục, hỗ trợ, cảm thông và kiến tạo. Có như thế, chính sách mới đi vào cuộc sống và trở thành một động lực khuyến khích bền vững, tự nguyện tuân thủ thay vì cảm thấy áp lực từ những yêu cầu hành chính".