14:14 03/01/2008

“Mức sống gia đình tôi giảm đáng kể”

Ông Vũ Khoan - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ - chia sẻ suy ngẫm và phân tích về hiện tượng lạm phát chưa có hồi kết hiện nay

"Quốc gia nào cũng muốn tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp. Nghệ thuật nằm ở chỗ chúng ta thúc đẩy tăng trưởng nhưng chấp nhận lạm phát ở mức nào."
"Quốc gia nào cũng muốn tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp. Nghệ thuật nằm ở chỗ chúng ta thúc đẩy tăng trưởng nhưng chấp nhận lạm phát ở mức nào."
Từng được chứng kiến và nghiên cứu vụ "siêu lạm phát" hồi thập niên 1980, ông Vũ Khoan - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ - đã chia sẻ suy ngẫm và phân tích về hiện tượng lạm phát chưa có hồi kết hiện nay.

>>“Bão” giá sẽ đạt đỉnh trong dịp Tết

Theo ông, câu chuyện lạm phát giữ vị trí nào trong bức tranh kinh tế năm nay?

Năm 2007, bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng như chỉ số tăng trưởng, thu hút đầu tư, xuất khẩu... nhưng cũng có một vài điểm tối.

Điểm tối nhất chính là chỉ số lạm phát, tức giá tiêu dùng tăng trên 12%, cao hơn tốc độ tăng trưởng. Chỉ số này làm bức tranh kém hẳn đi vì kinh tế tuy đi lên nhưng chất lượng sống đi xuống.

Thưa ông, bằng cách nào chúng ta đã làm chủ được “con ngựa lạm phát” của những năm 1980? Những “đòn” quyết định là gì và có thể áp dụng được gì?

Mức lạm phát khi đó là 800%/năm. Có rất nhiều bàn bạc, tranh luận, nhận định khác nhau. Nhiều cách thức, giải pháp đã áp dụng nhưng cuối cùng thì chúng ta tìm ra, mà thực chất là học kinh nghiệm của thế giới về bốn mối quan hệ cung cầu tạo nên lạm phát. Đó là quan hệ sản xuất - tiêu dùng; tiền - hàng; thu - chi ngân sách và xuất - nhập khẩu. Bốn quan hệ này bị mất cân đối trầm trọng.

Theo ông, bài học lớn nhất của “bài thuốc” đó là gì và có thể áp dụng cho “cơn bệnh” hiện nay?

Bài học đó tên là “Vận hành đúng qui luật khách quan”. Bài thuốc này, theo tôi, luôn đúng trong vận hành kinh tế. Tuy nhiên, mỗi thời điểm lại có những triệu chứng khác nhau nên liều lượng và cách chữa trị cũng phải khác nhau.

Tôi cho rằng hiện nay nền kinh tế của chúng ta không mắc bệnh ở cả bốn mối quan hệ trên. Sản xuất và tiêu dùng thì thực chất hiện không thiếu hàng hóa. Sự thiếu hụt chỉ mang tính cục bộ và tức thời, như thiếu thịt gà khi dịch cúm gia cầm, thiếu thịt trâu bò khi có bệnh lở mồm long móng. Một số vùng thiếu hàng tiêu dùng cũng chỉ là trong thời điểm lũ lụt, thiên tai. Sự thiếu hụt này luôn có sản phẩm thay thế.

Vì vậy giải pháp hạ thuế nhập khẩu nhằm tăng hàng để hạ giá là không trúng “huyệt”. Thu chi ngân sách mới ở mức bội chi trên dưới 4% là không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hai mối quan hệ còn lại thì có vấn đề. Xem ra thì tiền qua kênh phát hành, tín dụng, đầu tư đều cao. Theo thông tin từ các chuyên gia, báo chí, lượng tiền phát hành tăng trên 30%, trong đó có một lượng lớn được dùng để mua ngoại tệ; tín dụng từ các ngân hàng tăng trên dưới 35%, đầu tư toàn xã hội tăng trên 15%, chiếm tới 40% GDP là mức khá cao, chỉ kém Trung Quốc.

Trong khi đó, ít thấy các biện pháp nhằm kịp thời thu hồi tiền về, nhiều công trình chôn vốn, vòng quay không nhiều.

Một hiện tượng đáng chú ý nhưng ít được đề cập là tổng mức bán lẻ tăng tới trên 22%, nếu trừ nhân tố giá thì vẫn cao hơn các năm. Về cân đối xuất nhập khẩu thì nhập siêu ngày càng lớn. Đành rằng trong giai đoạn hiện nay ta chưa thể cân bằng xuất nhập, song không thể xem nhẹ tình trạng nhập siêu vì nó góp phần đẩy lạm phát lên.

Lạm phát là căn bệnh nan y, bốc thuốc chữa trị nó bao giờ cũng có tác dụng phụ. Vì muốn hút tiền về thì phải tăng lãi suất tiền gửi, nhưng như vậy sẽ phải tăng lãi suất tín dụng, từ đó tác động đến sản xuất. Muốn gia tăng xuất khẩu thì không thể để giá nội tệ quá cao. Nhưng điều chỉnh tỉ giá là bài toán tiềm ẩn nhiều tác động khó lường.

Do vậy, muốn chữa lạm phát thành công, duy trì được tăng trưởng kinh tế, không gây xáo động xã hội đòi hỏi cả một nghệ thuật điều hành tinh tế.

Theo ông, nghệ thuật đó là gì? Và lời giải bài toán lạm phát - tăng trưởng hiện nay có “tín hiệu” nghệ thuật ở đâu không?

Quốc gia nào cũng muốn tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp. Nghệ thuật nằm ở chỗ chúng ta thúc đẩy tăng trưởng nhưng chấp nhận lạm phát ở mức nào. Nay chúng ta đã đặt ra và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cao thì toàn bộ vấn đề là có nghệ thuật và những biện pháp hữu hiệu khống chế lạm phát có hiệu quả.

Tôi thấy gần đây Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chủ trương linh hoạt tỉ giá liên ngân hàng. Đây có lẽ là những bài thuốc đánh trúng bệnh vì nói cho cùng, lạm phát là căn bệnh tiền tệ, là hiện tượng kinh tế, do vậy phải chữa bằng “thuốc” tiền tệ, “thuốc” kinh tế. các biện pháp hành chính là cần thiết nhưng chỉ có thể bổ sung như vật lý trị liệu, xoa bóp mà thôi.

Ông đối mặt với cuộc sống giá cả tăng quá cao này như thế nào?

Cũng giống như mọi gia đình chỉ trông vào đồng lương, mức sống gia đình tôi bị giảm đi đáng kể vì giá những sản phẩm thiết yếu đều tăng. Nhà tôi đi chợ hôm nào về cũng kêu giá lên khiếp quá. Tôi cũng cảm nhận được điều đó. Từ thịt, cá, rau, mắm đến gas... đều ảnh hưởng. Trong hoàn cảnh ấy, đương nhiên phải dè sẻn thêm.

Thật ra đối với gia đình tôi thì lạm phát chưa tác động quá mạnh vì hai vợ chồng già chẳng ăn tiêu bao nhiêu. Nhưng cứ nghĩ đến bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo đô thị kiếm một đồng quá nhọc nhằn thì không hiểu bà con xoay xở thế nào.

Lạm phát những năm 1980 đánh vào mọi người lúc đó nghèo như nhau. Nay trước hết nó đánh vào những người nghèo. Đó là nỗi xót xa của chúng ta.