13:11 20/02/2024

Mỹ lo Trung Quốc bán tháo hàng hoá giá rẻ ra toàn cầu

An Huy

Mỹ lo ngại nhiều nhất về sự dư thừa công suất của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là các ngành năng lượng sạch như ô tô điện, tấm pin mặt trời và pin ion lithium...

Những container hàng hoá tại một hải cảng ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Những container hàng hoá tại một hải cảng ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Washington đã cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nếu Trung Quốc tìm cách giải quyết tình trạng dư thừa công suất của nước này bằng cách bán tháo hàng hoá trên thị trường quốc tế - giới chức Mỹ cho hay.

Hai quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với tờ Financial Times rằng một phái đoàn của Mỹ đã nêu rõ mối lo này trong một chuyến thăm Trung Quốc gần đây, bao gồm trong các cuộc thảo luận với Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.

NHỮNG MẶT HÀNG KHIẾN MỸ LO NGẠI

“Chúng tôi lo ngại rằng các chính sách hỗ trợ công nghiệp và chính sách kinh tế vĩ mô tập trung nhiều hơn vào vấn đề nguồn cung hơn thay vì quan tâm tới nhu cầu nằm ở đâu của Trung Quốc đang dẫn tới một tình trạng mà sự dư thừa công suất của ở nước này rốt cục sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác trên thế giới”, Thứ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ Jay Sahmbaugh - người mới đây dẫn đầu một phái đoàn kinh tế thăm Bắc Kinh - cho biết.

Mỹ lo ngại nhiều nhất về sự dư thừa công suất của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là các ngành năng lượng sạch như ô tô điện, tấm pin mặt trời và pin ion lithium. Ông Shambaugh cho biết ông đã nhấn mạnh với phía Trung Quốc rằng không chỉ Mỹ lo ngại và Trung Quốc nên hiểu rằng bất kỳ phản ứng nào của Mỹ hay các quốc gia khác “không phải tự nhiên mà có”.

Vị Thứ trưởng là người đứng đầu bên phía Mỹ của một trong hai nhóm công tác mà Washington và Bắc Kinh đã thành lập sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen thăm Trung Quốc vào năm ngoái để thảo luận về những vấn đề như dư thừa công suất, trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Phần còn lại của thế giới sẽ đáp trả, và họ làm vậy không phải là một cách bài Trung Quốc mới, mà hỏ chỉ phản ứng với chính sách của Trung Quốc”, ông Shambaugh nói với Financial Times. Tham dự cuộc trả lời phỏng vấn còn có ông Brent Neiman, trợ lý thứ trưởng phụ trách tài chính quốc tế, người gần đây cũng dẫn đầu một phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc.

Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện Trung Quốc. Cao uỷ phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager hôm 17/2 tuyên bố khối này đã sẵn sàng sử dụng các công ty thương mại để xử lý các hành vi thương mại không bình đẳng của Trung Quốc.

Một quan chức Mỹ nói Washington muốn đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Chủ đề dư thừa công suất sẽ là một phần chính trong chương trình nghị sự khi bà Yellen có chuyến thăm Trung Quốc tiếp theo trong năm nay, vị này cho biết thêm. Ngoài ra, bà Yellen cũng được cho là sẽ nêu vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc với các đối tác trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) tại một cuộc họp của nhóm ở Sao Paulo, Brazil trong tháng 2 này.

NỖ LỰC GIẢM CĂNG THẲNG CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC

Giới chức Trung Quốc chỉ ra rằng Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ khiến cho việc nhập khẩu pin lithium và ô tô điện Trung Quốc vào Mỹ trở nên bất khả thi về mặt giá cả. Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng gần 1/3 xuất khẩu ô tô điện của Trung Quốc trong năm ngoái là xe do Tesla - một công ty Mỹ - sản xuất tại nhà máy đặt tại Thượng Hải.

Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói Mỹ nên gây sức ép đòi Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. “Giả sử tất cả những nỗ lực đó đều không thể mang lại sự thay đổi, Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc theo chân EU mở các cuộc điều tra có thể dẫn tới việc mở rộng mạnh mẽ các hạn chế nhập khẩu đối với hàng hoá từ Trung Quốc”, ông Kennedy nói.

Trung Quốc đã thừa nhận những rủi ro từ sự dư thừa công suất của nước này - điều vốn đã trở thành một nét đặc trưng trong phát triển công nghiệp của Trung Quốc nhiều thập kỷ qua - những chưa vạch ra được một kế hoạch rõ ràng để giải quyết vấn đề. Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sự dư thừa công suất trong một số ngành là một trong những thách thức cẩn được xử lý để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Bộ Thương mại Trung Quốc tháng này công bố kế hoạch hỗ trợ “sự phát triển lành mạnh” của ngành công nghiệp ô tô điện ra thị trường nước ngoài, bao gồm tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Một số chuyên gia nhận định đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn xoa dịu mối lo của thế giới về xuất khẩu ô tô điện của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chỉ trích mạnh mẽ điều mà nước này cho là hành vi bảo hộ gia tăng và lạm dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của phương Tây. Bắc Kinh đã đáp trả cuộc điều tra ô tô điện của EU bằng cách mở một cuộc điều tra nhằm vào rượu cognac Pháp bán ở Trung Quốc.

Song song với việc thảo luận các vấn đề gai góc như dư thừa công suất, Mỹ và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phối hợp về các cơ chế nhằm giảm rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu và ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Ông Neiman cho biết hai bên đã bắt đầu triển khai thực hành kỹ thuật - tương tự như những gì mà Mỹ cùng các quốc gia khác tiến hành - về ứng phó với khủng hoảng.

“Chúng tôi đã luyện tập kỹ thuật về xử lý tình huống căng thẳng có thể xảy ra tại các ngân hàng có tầm quan trọng đối với hệ thống toàn cầu, ở Mỹ hoặc Trung Quốc, và về căn bản đảm bảo rằng chúng tôi biết nếu có điều gì đó xảy ra, chúng tôi sẽ phải nhấc máy lên để gọi cho ai”, ông Neiman lấy ví dụ.