11:22 01/04/2022

Mỹ, Nhật muốn cùng ASEAN ngăn chặn cuộc khủng hoảng chip tiếp theo

Đức Anh

Đầu tư cho sản xuất chip tại Đông Nam Á đang được đẩy mạnh với tham vọng đưa khu vực trở thành một trung tâm về chất bán dẫn toàn cầu...

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin từ Nikkei Asia, Mỹ và Nhật Bản có ý định mời các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia vào một khuôn khổ về chuỗi cung ứng mới, được thiết kế nhằm ngăn chặn xảy ra tình trạng thiếu chất bán dẫn cũng như các mặt hàng chiến lược khác. Động thái này được đưa trong bối cảnh hai quốc gia này đang muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Washington dự kiến trong năm nay sẽ công bố một Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới nhằm xây dựng một lĩnh vực kinh tế mới cùng “các đối tác tin cậy”.

Nguồn tin cho biết, Mỹ gần đây đã gửi một dự thảo cho Chính phủ Nhật, hướng tới khuyến khích các nước ASEAN tham gia vào khuôn khổ nói trên.

“Hai bên hiện đang thảo luận về câu chữ cụ thể và việc này cần được hiệu chỉnh kỹ càng để tránh làm Trung Quốc nổi giận, đồng thời tạo điều kiện cho các nước thành viên ASEAN vốn có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh cũng có thể tham gia”, nguồn tin của Nikkei Asia cho biết.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều bất ổn do xung đột ở Ukraine và đại dịch Covid-19, khuôn khổ mới này nhằm giảm các rủi ro về an ninh kinh tế bằng cách xây dựng lại các chuỗi cung ứng tậm trung vào các “quốc gia thân thiện”, như Nhật Bản, nguồn tin nói.

 

Theo TrendForce, công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) của Đài Loạn hiện nắm giữ 52,1% thị phần chip toàn cầu trong quý 4/2021. Theo sau là tập đoàn Samsung của Hàn Quốc với thị phần 18,3%. Các công ty còn lại trong top 5 nhà sản xuất chip dẫn đầu về thị phần gồm UMC của Đài Loan (7%), GlobalFoundries của Mỹ (6,1%) và SMIC của Trung Quốc Đại lục (5,2%).

Dự thảo nói trên nhấn mạnh rằng, việc đảm bảo các chuỗi cung ứng quốc tế hoạt động bình thường sẽ củng cố hoạt động sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và duy trì việc làm. Xác định các lĩnh vực ưu tiên là chất bán dẫn và năng lượng sạch, dự thảo kêu gọi các quốc gia tham gia mở rộng hợp tác để đảm bảo khả năng tiếp cận với các mặt hàng quan trọng.

Về mục tiêu trung hòa carbon, dự thảo đặt mục tiêu đầu tư tập trung vào công nghệ để thúc đẩy triển khai ứng dụng năng lượng sạch. Dự thảo cũng đề cập tới các mục tiêu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số và duy trì tự do thương mại.

Nguồn tin cho biết, khuôn khổ này không nhằm mục đích xây dựng một thỏa thuận kinh đơn thuần. Mỹ được cho là sẽ thúc đẩy Hàn Quốc tham gia nhưng việc này có thể gặp khó khăn.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, mùa thu năm ngoái, Washington đã tiếp cận cả Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thành lập một nhóm hành động về việc cung ứng chất bán dẫn. Cũng có đề xuất đưa Đài Loan - nơi có những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới - vào nhóm này.

Tuy nhiên, việc này không có tiến triển suốt 6 tháng qua do bất đồng giữa Nhật và Hàn Quốc về nguyên vật liệu sản xuất chip. Năm 2019, Nhật đã hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng sang Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao liên quan tới vấn đề lao động thời chiến tranh và sự cố tàu khu trục của Hàn Quốc khóa radar điều khiển hỏa lực trên một máy bay tuần tra của Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, dự kiến nhậm chức vào tháng 5 tới, có vẻ sẵn sàng tiến tới cải thiện quan hệ với Nhật Bản, dù điều này không hề dễ dàng bởi các vấn đề lịch sử của hai quốc gia này là chủ đề nhạy cảm với công chúng Hàn Quốc.

Washington được cho là sẽ thúc đẩy chính quyền mới của ông Yoon hợp tác với Tokyo. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã có cuộc gặp tại Hawaii (Mỹ) và đưa ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm tăng cường an ninh kinh tế”.

Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan hiện chiếm hơn 70% sản lượng chip toàn cầu. Đầu tư cho lĩnh vực này tại Đông Nam Á cũng đang được đẩy mạnh với tham vọng đưa khu vực trở thành một trung tâm về chất bán dẫn toàn cầu. Các nhà phân tích nhận định, việc hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ này sẽ giúp các bên tham gia chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra xung quanh Đài Loan – vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh muốn thống nhất với Trung Quốc đại lục.

Theo TrendForce, công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) của Đài Loạn hiện nắm giữ 52,1% thị phần chip toàn cầu trong quý 4/2021. Theo sau là tập đoàn Samsung của Hàn Quốc với thị phần 18,3%. Các công ty còn lại trong top 5 nhà sản xuất chip dẫn đầu về thị phần gồm UMC của Đài Loan (7%), GlobalFoundries của Mỹ (6,1%) và SMIC của Trung Quốc Đại lục (5,2%).