09:03 12/09/2014

Mỹ “trầy trật” tập hợp đồng minh chống Nhà nước Hồi giáo

An Huy

Các đồng minh của Mỹ tỏ thái độ thận trọng trong cam kết ủng hộ chiến lược chống IS mà Tổng thống Barack Obama vạch ra

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức Saudi Arabia tại Jeddah ngày 11/9 - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức Saudi Arabia tại Jeddah ngày 11/9 - Ảnh: Reuters.<br>
Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược triệt hạ nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), các đồng minh quốc tế của Washington lên tiếng cam kết ủng hộ kế hoạch này, nhưng không nói rõ sẽ tham gia các hoạt đông quân sự của kế hoạch tới mức độ nào.

Tối ngày 10/9 theo giờ Washington, ông Obama có một bài phát biểu trước toàn dân Mỹ, thề “làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt” IS, lực lượng cực đoan đã chiếm giữ một vùng lãnh thổ lớn từ Iraq sang Syria và có nuôi những tham vọng chiếm giữ thêm những vùng đất mới. Sau một ngày tham vấn với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, phần lớn các nước láng giềng của Iraq đều đã ký vào một tuyên bố ủng hộ kế hoạch chống IS của ông Obama, nhưng với thái độ khá thận trọng.

Tờ Wall Street Journal cho biết, trong tuyên bố này, các nước Arab cam kết hợp tác với Mỹ để ngăn chặn dòng chiến binh ngoại về tài chính cho IS. Thổ Nhĩ Kỳ, nước phản đối việc cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ của mình cho các cuộc không kích chống IS, không ký vào bản tuyên bố chung. Hiện đang có 50 nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bị quân IS ở thành phố Mosul của Iraq bắt giữ làm con tin.

Tại châu Âu, Đức cho biết sẽ không tham gia vào các cuộc không kích của Mỹ chống IS, trong khi Anh không loại trừ khả năng sẽ tham gia. Tại hội nghị thượng đỉnh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Wales mới đây, nhiều nước châu Âu và các thành viên NATO khác nhất trí ủng hộ chiến dịch chống IS của Mỹ, nhưng hôm qua, nhiều nước trong số này vẫn đáng cân nhắc xem nên ủng hộ ở mức độ nào.

Theo giới chức Mỹ và Arab, trọng tâm của liên minh chống IS đang nổi lên là một thỏa thuận giữa Mỹ với Chính phủ Saudi Arabia trong đó, nước này sẽ là nơi đặt cơ sở đào tạo cho hàng nghìn chiến binh nổi dậy người Syria. Các binh sỹ này đang cùng lúc chiến đấu chống lại IS và chính quyền của Tổng thống Syria Basha al-Assad. Đến cuối ngày hôm qua, thỏa thuận này vẫn đang được bàn thảo và chưa đạt được sự nhất trí cuối cùng.

Ngoài ra, Mỹ và giới chức Arab cũng còn đang thảo luận về việc các chính phủ Trung Đông cho phép máy bay chiến đấu của Mỹ sử dụng căn cứ và bay qua không phận khi tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS. Một vấn đề khác chưa rõ là liệu nước Arab nào sẽ tham gia vào các cuộc không kích diệt IS của Mỹ. Vào năm 2011, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tham gia chiến dịch không kích của Mỹ ở Libya nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi.

Mức độ cấp bách của chiến dịch chống IS càng gia tăng khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hôm qua cho biết, số phiến quân của IS đã tăng gấp đôi trong mùa hè năm nay. Phát ngôn viên CIA Todd Ebitz nói, IS hiện có từ 20.000-31.500 chiến binh. Con số này được đưa ra dựa trên các báo cáo tình báo trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8.

Trong tuyên bố chung ủng hộ Mỹ chống IS, các nước Arab nói họ sẽ tham gia các nỗ lực quân sự ở mức độ “phù hợp”. Giới chức Mỹ nói rằng, việc để các đồng minh quyết định mức độ tham gia của họ là hợp tình hợp lý. “Điều này rất quan trọng. Chúng tôi đã đạt được bước tiến. Liên minh đang lớn dần và giờ đã có một mục tiêu rõ ràng trong khu vực. Điều này quyết định khả năng thành công của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói trước báo giới khi đang ở thăm Jeddah, thủ đô của Saudi Arabia.

Về trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh ở châu Âu và Trung Đông, giới chức Mỹ nói, các nước này có thời gian để xem xét vấn đề “một cách thận trọng và khôn ngoan”. “Các bạn có thể đóng vai trò gì? Chúng ta sẽ cùng nhau làm gì? Quá trình xem xét đang diễn ra”, phát ngôn viên Nhà Trắng Marie Harf nói.

Quân đội Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động đào tạo quân sự sau bài phát biểu hôm 10/9 của ông Obama. Theo chiến lược mà người đứng đầu Nhà Trắng vạch ra, quân đội Mỹ sắp tới sẽ mở rộng các cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq, và quan trọng hơn là bắt đầu chiến dịch không kích đầu tiên ở Syria nhằm vào lực lượng này. Giới chức Mỹ nói rằng, một số phần của bản kế hoạch có thể phải mất vài tháng mới có thể thực thi được.

Một phần của kế hoạch đào tạo quân sự sẽ phụ thuộc vào việc liệu Quốc hội Mỹ có phê chuẩn đề xuất ngân sách 500 triệu USD mà chính quyền Obama đưa ra hay không.

Tất cả những vấn đề trên cho thấy, Mỹ đang gặp khó khăn trong việc thành lập một liên minh quốc tế mới chống lại một mối đe dọa khu vực đang ngày càng lớn.

Ngoại trưởng Kerry cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ cho chiến dịch chống IS của Mỹ khi ông tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Pháp trong những ngày tới. Ngoài ra, giới chức Mỹ nói, cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York trong tháng này cũng sẽ là một nơi lý tưởng để Washington tập hợp lực lượng chống IS.

Trong khi đó, giới chức Nga và Syria hôm qua nói rằng, hai nước này sẽ thách thức chiến lược của Washington. Các quan chức Nga nói, chính quyền Obama sẽ cần phải có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mới có thể tiến hành không kích ở Syria. Giới chức Syria thì nói, họ ủng hộ chiến dịch quân sự chống IS, nhưng chỉ khi chiến dịch được phối với với Tổng thống Assad và các nhà lãnh đạo quân sự nước này.

Giới quan sát ở Trung Đông đánh giá, nhiều chính phủ Arab có thể thận trọng trước đề nghị của Mỹ về đưa lực lượng tham gia chiến dịch chống IS. Đối với Saudi Arabia, chống IS là một vấn đề quan trọng bởi nhóm cực đoan này đã thề sẽ đánh bại vương triều Saudi Arabia. Tuy nhiên, Saudi Arabia lại là một trong những nước có nhiều người Hồi giáo Sunni nhất, nên việc đưa quân chống lại IS - những phần tử Hồi giáo Sunni cực đoan - có thể sẽ vấp phải sự phản đối của dân chúng.