Nấc thang mới cho chứng khoán Việt: “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”
Chính phủ mong muốn các thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng nắm tay nhau để về đích theo đúng mục tiêu mà Chính phủ kỳ vọng
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức ngày 22/2, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ về tham vọng, kỳ vọng mới vào thị trường chứng khoán đồng thời cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một thị trường lành mạnh, bền vững.
Tham vọng của Chính phủ
Phó thủ tướng cho biết Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể với tham vọng là cơ cấu lại và phát triển thị trường chứng khoán trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải "ăn đong" từng năm.
Phó thủ tướng tiết lộ một số chỉ tiêu mới đặt ra trong Đề án t cấu trúc thị trường chứng khoán sắp sửa được ban hành. Theo đó, đến năm 2020, điều chỉnh mục tiêu quy mô của thị trường chứng khoán đạt 100%GDP và 120% GDP vào năm 2025. Quy mô thị trường trái phiếu đạt 47%GDP vào năm 2020 và 55%GDP vào năm 2025.
Số lượng công ty niêm yết đến 2020 tăng ít nhất 20% so với cuối năm 2017. Số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào năm 2025. Đồng thời, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, giữa trong nước và nước ngoài, tạo cơ chế để phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Đề án cũng ra chỉ tiêu triển khai đa dạng các sản phẩm trên thị trường doanh nghiệp, triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (2019), hợp đồng tương lai trái phiếu doanh nghiệp và hợp đồng tương lai trên chỉ số mới trước năm 2020, triển khai các hợp đồng quyền chọn trước năm 2025.
Lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị, nâng chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Trước năm 2020 phải đổi mới toàn diện, đồng bộ công nghệ giao dịch, thanh toán, bù trừ trên thị trường chứng khoán. Đến năm 2025, chất lượng quản trị của công ty niêm yết phải đạt mức bình quân của ASEAN6.
Chia sẻ về một số vấn đề lớn trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ cam kết hai vấn đề lớn. Thứ nhất, cam kết củng cố và tăng cường hơn nữa sự ổn định, gia tăng hơn nữa sức chống chịu va đập của hệ thống tài chính - ngân hàng, trong đó có thị trường chứng khoán đối với các biến động bên trong.
"Cam kết này không phải Chính phủ "ăn đong" từng năm, mà ngay từ năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phân tích, đánh giá từng loại rủi ro đối với từng thị trường và những giải pháp để đối phó. Từ 2017 đến 2020, Chính phủ đã có kịch bản đặt trong bối cảnh kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm đến năm 2025 đang xây dựng và chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội tầm nhìn đến năm 2045. Chúng ta không chủ quan, nhưng Chỉnh phủ đã có những kế hoạch rất cụ thể và sẽ làm rất quyết liệt", Phó thủ tướng chia sẻ thêm.
Thứ hai, Chính phủ đang làm mọi cách để duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng.
"Đây là hai cam kết rất mạnh mẽ và Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh nhiều lần, vì thế chúng ta nên yên tâm để chung tay gánh vác. Chúng ta muốn đi nhanh có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa và quan trọng hơn muốn về đích thì phải đi cùng nhau. Mong muốn các thành viên thị trường, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng nắm tay nhau đi thật xa và về đích theo đúng mục tiêu mà Chính phủ kỳ vọng là xây dựng một thị trường chứng khoán phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững và an toàn", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
8 nhiệm vụ của ngành chứng khoán
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, có 8 nhiệm vụ phát triển chứng khoán về lâu dài.
Thứ nhất, tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững có khả năng chống lại các cú sốc, va đập từ bên ngoài, thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế. Tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế tính theo giá trị phát hành thực tế trong năm 2018 vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ chiếm 14% tổng cung ứng vốn (năm 2017 là 10,2%).
Với mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội đặt ra trong năm 2019 là từ 6,6%- 6,8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phải đạt mức 33-34% GDP.
Thứ hai, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về cả chất và lượng của thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò vị thế của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán, thể chế hóa các nội dung quan trọng, đảm bảo sự đồng bộ phù hợp với các luật quan trọng khác.
Thứ ba, triển khai quyết liệt các giải pháp nêu tại Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh với tính chất cung cấp công cụ tài chính phòng vệ rủi ro, phát triển các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán.
Thứ tư, đối với khối các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải mạnh dạn tận dụng kênh thị trường chứng khoán để huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng.
Thứ năm, đối với khối các tổ chức trung gian kinh doanh chứng khoán trên thị trường, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán tập trung đẩy mạnh công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tiếp tục thanh lọc các tổ chức kinh doanh chứng khoán yếu kém về quy mô vốn và chất lượng dịch vụ.
Thứ sáu, tích cực khơi thông dòng vốn nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại tiếp cận thông lệ quốc tế để sớm đạt mục tiêu về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ bảy, tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, tăng quyền tiếp cận thông tin, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, bảo đảm hoạt động ổn định, an ninh tài chính quốc gia.
Thứ tám, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường tài chính, thị trường chứng khoán; phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; coi đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp là một đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng, đề xuất khung nhất định để trình Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm Đề án phát triển thị trường chuyên biệt cho startup, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.