16:42 01/07/2025

Giám đốc phân tích VPS: VN-Index đang tiến đến 1450 điểm, nhóm tài chính - chứng khoán dẫn sóng

Thu Minh

Sau khi vượt mốc 1350 điểm, chỉ số VN-Index đang trên hành trình hướng tới các vùng mục tiêu cao hơn, cụ thể là quanh ngưỡng 1400 – 1450 điểm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định về triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm trong Talk show Phố Tài chính mới đây, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán VPS, nhấn mạnh chỉ số VN-Index đã chính thức vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.350 – 1.355 điểm, xác lập đỉnh mới trong ba năm trở lại đây và tiếp tục tiến dần đến các ngưỡng cao hơn, như vùng mục tiêu 1.380 – 1.400 điểm trong quý 3.

Diễn biến này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đang được cải thiện đáng kể, nhất là khi thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao trong thời gian dài.

Các ngành có diễn biến tích cực bao gồm cảng biển, bất động sản, nông nghiệp và tài chính – những lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô hỗ trợ, sự cải thiện của dòng tiền và kỳ vọng về xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự quay lại mạnh mẽ của dòng tiền trong nước, đặc biệt là từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nội, cũng góp phần tạo lực đẩy đáng kể cho chỉ số chung.

Bước sang nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều yếu tố hỗ trợ từ cả trong nước lẫn quốc tế.

Trên bình diện toàn cầu, những bất ổn từng khiến thị trường tài chính, hàng hóa biến động mạnh như xung đột ở Trung Đông hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang dần lắng dịu. Đồng thời, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào quý IV/2025 là tín hiệu rất tích cực, không chỉ cho thị trường tài chính toàn cầu mà còn giúp giảm áp lực lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất tại Việt Nam.

Ở trong nước, 2025 là năm then chốt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021–2025, với tổng vốn giải ngân lên tới 791.000 tỷ đồng. Các công trình hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, các tuyến cao tốc liên vùng, cũng như các chương trình phát triển năng lượng thế hệ mới đang được Chính phủ tập trung triển khai.

Song song, chính sách giảm 2% thuế VAT kéo dài đến hết năm 2026 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã từ ngày 1/7/2025 không chỉ mang ý nghĩa về mặt hành chính mà còn góp phần cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại địa phương, yếu tố thiết yếu trong thúc đẩy tăng trưởng thực chất.

Với những yếu tố kể trên, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2025 có nhiều cơ sở để tiếp tục duy trì đà phục hồi, thậm chí tạo bước đệm cho chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2026.

Dựa trên bức tranh vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và mở rộng dư địa tăng trưởng trong các tháng tới. Sau khi vượt mốc 1.350 điểm, chỉ số VN-Index đang trên hành trình hướng tới các vùng mục tiêu cao hơn, cụ thể là quanh ngưỡng 1.400 – 1.450 điểm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán VPS.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán VPS.

Các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng này bao gồm triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, cải thiện trong tăng trưởng kinh tế, tiến trình đàm phán thương mại Mỹ – Việt có nhiều điểm sáng và kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Trên phương diện ngành nghề, các nhóm được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường gồm tài chính – chứng khoán, bảo hiểm, cảng biển – logistics, xây dựng – vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may và bán lẻ tiêu dùng. Đây là những ngành đang hội tụ cả yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô lẫn nội lực doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhóm ngành tài chính tiếp tục là tâm điểm khi được hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường vốn, dòng tiền đổ vào mạnh mẽ cùng với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới. Nhóm cảng biển và logistics cũng đáng chú ý trong bối cảnh xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng đang gia tăng vai trò của Việt Nam trong bản đồ thương mại toàn cầu.

Nhìn tổng thể, thị trường chứng khoán nửa cuối năm đang có nhiều "gió thuận", nhưng sự phân hóa theo nhóm ngành và từng cổ phiếu sẽ ngày càng rõ nét, đòi hỏi nhà đầu tư phải có chiến lược chọn lọc và quản trị rủi ro phù hợp.

Đối với nhà đầu tư dài hạn, nên ưu tiên tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, định giá vẫn còn thấp so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Đặc biệt là ở các ngành được hỗ trợ bởi chính sách vĩ mô như hạ tầng, tài chính, công nghệ, và tiêu dùng.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần sẵn sàng cơ cấu danh mục khi thị trường có các nhịp tăng mạnh nhằm tối ưu hóa tỷ trọng và kiểm soát rủi ro.

Về ngắn hạn, cơ hội sẽ đến từ các cổ phiếu có thanh khoản tốt, có sóng tăng giá nhờ yếu tố kết quả kinh doanh, tin tức hỗ trợ hoặc dòng tiền quay lại. Những mã cổ phiếu thuộc nhóm tài chính, chứng khoán, vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may hoặc những cổ phiếu có chuyển biến tích cực về hoạt động sản xuất, kinh doanh nên được ưu tiên theo dõi.