Nâng cao vai trò của trọng tài quốc tế trong giải quyết các tranh chấp thương mại và đầu tư
Cùng sự biến động của kinh tế khu vực và thế giới, vai trò của trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giải quyết các tranh chấp thương mại và đầu tư nhờ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí...
Ngày 11/01/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) phối hợp cùng Liên đoàn Luật sư Thái Bình Dương (IPBA) tổ chức hội thảo “Chiến lược giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Trọng tài quốc tế và những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)”.
NHỮNG LĨNH VỰC NÀO DỄ XẢY RA TRANH CHẤP?
Tại hội thảo các luật sư đều nhận định, hoạt động đầu tư xuyên biên giới thông qua các dự án mua bán & sáp nhập (M&A), phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng là những lĩnh vực dễ xảy ra tranh chấp.
Ông Kazuhide Ohya, Luật sư thành viên, Công ty Luật Nishimura&Asah, cho rằng tại Việt Nam, thị trường M&A ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong quý 4/2023, cùng với một số quy định pháp luật có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư như Quy hoạch điện 8, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân,...
Tại các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore,... M&A cũng là thị trường sôi động và có giá trị giao dịch lớn. Đối với lĩnh vực dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, các quy định pháp lý và nội dung hợp đồng có nhiều thay đổi sau thời kỳ đại dịch COVID-19. Cụ thể, quy định về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) nhận được nhiều sự chú trọng, bao gồm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe dân cư, chống cưỡng bức lao động,...
Các hợp đồng được các bên giao kết trên cơ sở hợp tác, hướng tới các lợi ích chung thay vì lợi ích riêng cho từng bên giao kết hợp đồng như trước đây. Bên cạnh đó, điều khoản bất khả kháng cũng được chú ý hơn trong quá trình soạn thảo và giao kết hợp đồng.
Như vậy, trong lĩnh vực M&A, theo quan sát từ chuyên gia, các tranh chấp phát sinh sau giai đoạn mua bán và sáp nhập thường liên quan đến một số vấn đề, như cam đoan và bảo đảm trong hợp đồng mua bán cổ phần, các giới hạn trách nhiệm trong hợp đồng, yêu cầu sửa đổi hợp đồng trong trường hợp có những thay đổi về thị trường,...
Trong lĩnh vực xây dựng, tranh chấp cũng hay xảy ra, tuy nhiên ông Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN), cho biết theo kết quả khảo sát từ Báo cáo Giải quyết Tranh chấp trong lĩnh vực Xây dụng năm 2021, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Ban Giải quyết Tranh chấp chiếm 7,9%, so với thương lượng chiếm 80,7% và tòa án chiếm 29,5%. Song thách thức đối với việc áp dụng cơ chế trên, chủ yếu liên quan đến việc pháp luật Việt Nam thiếu các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp Hợp đồng Xây dựng thông qua Ban Giải quyết Tranh chấp.
Tương tự, các tranh chấp phát sinh từ các dự án cơ sở hạ tầng cũng xuất phát từ các điều khoản bất khả kháng, thay đổi hoàn cảnh cơ bản,... là hệ quả của các biến động thị trường hậu đại dịch COVID-19.
“Trong hoàn cảnh số lượng tranh chấp phát sinh tăng cao, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu, tồn tại và được sử dụng song song với DAB (Ban xử lý tranh chấp)”, ông Kazuhide Ohya nhấn mạnh.
HOÀN THIỆN THỐNG PHÁP LÝ VÀ CHÍNH SÁCH, HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ADR
Theo ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện nay vai trò của trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế đóng vai trò ngày càng quan trọng nhờ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí trong xử lý các tranh chấp.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) thuộc VIAC Nguyễn Mạnh Dũng cũng đưa ra những số liệu và nhận định tổng quan về thị trường ADR tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng trong năm 2023, trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ghi nhận nhiều đối tác quan trọng trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,... tiếp tục có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu ghi nhận kim ngạch hơn 600 tỷ USD.
“Trong thị trường thương mại và đầu tư quốc tế ghi nhận sự phát triển như vậy, ADR tại Việt Nam cũng có những chuyển biến tích cực”, ông Dũng nhấn mạnh.
Số liệu từ Bộ Tư pháp ghi nhận số lượng trọng tài viên tại Việt Nam là 1000 trọng tài viên, hoạt động tại 45 trung tâm trọng tài trên toàn quốc, cùng với đó là 100 hòa giải viên trực thuộc 17 trung tâm hòa giải. Tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, trong năm 2023 đã tiếp nhận hơn 400 vụ việc mới, với giá trị vụ tranh chấp lớn nhất lên tới 270 triệu USD.
Theo ông Dũng, với những chuyển biến tích cực như trên, ADR tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, như việc kết hợp hòa giải và trọng tài trong quy trình liên thông (Arb - Med – Arb); sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp chuyên biệt cho các lĩnh vực, ví dụ như Ban Phân xử tranh chấp (DAB) trong tranh chấp xây dựng.
Hướng tới mục tiêu phát triển ADR tại Việt Nam, ông Nguyễn Duy Linh, luật sư thành viên Công ty Luật VILAF, cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để chặt chẽ hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, mục tiêu chính là nâng cao và hiện đại hóa hệ thống pháp luật, tạo ra một khung pháp lý toàn diện và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Các cải tiến này bao gồm sửa đổi, bổ sung và thay đổi các luật lệ để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp xuyên biên giới.