15:04 13/09/2021

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng hoà giải

Việt Nam đang nghiên cứu sửa Luật để tham gia Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải...

Việc tham gia Công ước là điều Việt Nam hướng đến để có thể giải quyết các tranh chấp thương mại có tính chất quốc tế.
Việc tham gia Công ước là điều Việt Nam hướng đến để có thể giải quyết các tranh chấp thương mại có tính chất quốc tế.

Chia sẻ về khả năng tham gia Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, bà Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư Pháp, cho rằng so sánh với pháp luật của Việt Nam hiện hành có một số điểm tương thích.

Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là hoàn thiện pháp lý liên quan nhưng hoàn toàn có khả năng tham gia.

SẼ CÒN NHIỀU TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI MANG TÍNH CHẤT QUỐC TẾ

Vừa qua, Bộ Tư pháp và Dự án khu vực của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tiến hành tham vấn, đánh giá về khả năng tham gia Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải của Việt Nam.

Theo Báo cáo đánh giá khả năng tham gia Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải của Việt Nam do Bộ Tư pháp đang tiến hành xây dựng, Công ước có hiệu lực từ ngày 12/9/2020 và ngoài 7 quốc gia thành viên đã 54 quốc gia khác ký đồng ý.

Về phía Việt Nam, hiện nay Bộ Tư pháp đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá các nội dung của Công ước và khả năng ký kết, gia nhập của Việt Nam.

Công ước bao gồm 16 Điều điều chỉnh phạm vi áp dụng, nguyên tắc chung và định nghĩa, các điều kiện để thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được viện dẫn hoặc thi hành, các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu từ chối trợ giúp…

Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải này được xây dựng trên nền kết cấu của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.

Theo đó, Công ước sẽ áp dụng cơ chế hoà giải đơn giản và nguyên tắc không xem xét lại về mặt nội dung mà trọng tài thương mại đã phán quyết nhằm hiện thực hóa kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp ở khâu cuối cùng.

 
Hiện nay Việt Nam đang có 15 trung tâm hoà giải thương mại, 7 trung tâm trọng tài được thực hiện hoạt động hòa giải và hơn 100 hoà giải viên vụ việc.

Tuy nhiên, Công ước này có điểm linh hoạt hơn khi áp dụng căn cứ để từ chối của các bên tranh chấp do tính chất của hòa giải khác biệt so với trọng tài.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng nhận định, với việc Việt Nam ngày càng tham gia nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới khả năng phải giải quyết, công nhận kết quả hào giải thương mại có tính chất quốc tế sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Do đó, việc tham gia Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải là điều Việt Nam hướng đến để có thể giải quyết các tranh chấp thương mại có tính chất quốc tế…

PHÁP LUẬT VIỆT NAM CÒN VÊNH VỚI CÔNG ƯỚC

Theo lãnh đạo Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư Pháp, qua rà soát cho thấy nhiều khái niệm trong Công ước đã tương thích với pháp luật hiện hành của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung để tham gia Công ước còn phải hoàn thiện nhiều.

Cụ thể, vấn đề về hoà giải thương mại đã được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 22/2017 quy định về hòa giải thương mại.

Tuy nhiên những quy định này mới chỉ dừng lại ở các tranh chấp thương mại phát sinh trong nước mà chưa bao quát các trường hợp kết quả hòa giải có tính chất quốc tế.

Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định về công nhận hiệu lực pháp lý và thi hành kết quả hòa giải hoặc cho phép viện dẫn kết quả hòa giải để chứng minh tranh chấp đã được giải quyết mang tính quốc tế.

Trong khi đó, Công ước đòi hỏi pháp luật của các quốc gia thành viên tham gia phải tương ứng với các quy định trong Công ước để tránh có độ vênh khi thực thi. Do đó, để tham gia Công ước Việt Nam phải tiến hành sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.

CẦN CÓ LUẬT RIÊNG VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI

Theo Bộ Tư pháp, khi tiến hành xây dựng Báo cáo đơn vị này nhận được nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên tham gia Công ước hay không. Cụ thể, có ý kiến cho rằng chưa nên tham gia Công ước vì thị trường hoà giải thương mại của Việt Nam rất nhỏ, phần lớn các tranh chấp được doanh nghiệp đưa ra toà án luôn thay vì qua hoà giải thương mại.

Thực tế là hoà giải thương mại chưa được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm sử dụng. Do đó, việc tham gia công ước sẽ phải đặt ra yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật trong nước là chưa cần thiết.

 
Từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2020 các Trung tâm hoà giải thương mại của Việt Nam đã tiếp nhận 27 vụ việc chấp thương mại, trong đó có 11 vụ hoà giải thành, 16 vụ còn lại phần lớn là các bên rút yêu cầu hoặc không đồng ý tham gia hòa giải.

Tuy nhiên, đa số ý kiến lại cho rằng việc tham gia Công ước là cần thiết và phải tham gia càng sớm càng tốt.

Tham gia Công ước chính là một động lực để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, công bằng. Việc này cũng thu hút cộng đồng doanh nghiệp lựa chọn phương thức hoà giải thương mại thay vì sử dụng toà án.

Những lợi ích của việc tham gia Công ước sẽ lớn hơn chi phí sửa đổi pháp luật và về lâu dài pháp luật thương mại của Việt Nam cũng phải thay đổi để thích nghi với thương mại quốc tế.

Việt Nam đang trên đường hội nhập sâu rộng nên hoà giải thương mại mang tính chất quốc tế cần được ưu tiên hoàn thiện, áp dụng.

Góp ý với Bộ Tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cấp Nghị định số 22/2017 của Chính phủ lên thành một luật riêng về hoà giải thương mại, thậm chí có thể xây dựng luật riêng để thực thi Công ước.

Khi có một luật riêng về hoà giải thương mại các doanh nghiệp sẽ tin tưởng để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại qua con đường hoà giải thay vì toà án hay trọng tài thương mại.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành đánh giá tác động toàn diện của việc gia nhập Công ước, tính toán các chi phí lợi ích, tìm hiểu kỹ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp… để hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.