17:52 18/12/2019

Nếu tái cử, chính sách kinh tế của ông Trump sẽ thế nào?

Kiều Oanh

Phố Wall đang chuẩn bị cho khả năng đương kim Tổng thống Donald Trump tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa

Ông Donald Trump, khi còn là ứng viên Tổng thống Mỹ, trong đêm trước ngày bầu cử năm 2016 - Ảnh: Getty/CNBC.
Ông Donald Trump, khi còn là ứng viên Tổng thống Mỹ, trong đêm trước ngày bầu cử năm 2016 - Ảnh: Getty/CNBC.

Trong lúc các ứng cử viên của Đảng Dân chủ chạy đua quyết liệt để giành sự đề cử của đảng này cho cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra vào năm tới, giới phân tích ở Phố Wall đang chuẩn bị cho khả năng đương kim Tổng thống Donald Trump tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa và theo đó đưa ra các dự báo về chính sách kinh tế của ông Trump trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.

Theo hãng tin CNBC, nhiều nhà phân tích ở Phố Wall nói rằng nếu tái cử, ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi một quan điểm cứng rắn với các thể chế thương mại đa phương. Ông được cho là sẽ gia tăng sức ép lên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell và có thể thay thế ông Powell vào cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2022 bằng một nhân vật "dễ bảo" hơn.

Nhà phân tích Chris Krueger thuộc Cowen cho rằng nếu giành thêm một nhiệm kỳ đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump sẽ theo đuổi những kế hoạch chi tiêu lớn và không ngại sử dụng biện pháp mạnh đối với những ai mà ông cho là gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.

"Tôi nghĩ nếu ông Trump tái cử vào năm tới, ông ấy sẽ hoàn toàn ‘bùng nổ’", ông Krueger nhận định.

Có một điều chắc chắn là Quốc hội Mỹ - với quyền lực được phân chia khá đồng đều giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ - sẽ làm tốt vai trò kiểm soát bất kỳ nhân vật nào đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Đảng Cộng hòa được dự báo sẽ tiếp tục chiếm đa số ở Thượng viện và Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục chiếm đa số tại Hạ viện. Thế cân bằng này sẽ đặt ra rào cản đối với nhiều đề xuất chính sách và nỗ lực của ông Trump trong việc viết lại các thỏa thuận thương mại tồn tại bấy lâu giữa Mỹ và các nước đối tác nếu ông tái cử.

Sức ép lên WTO và WB

Tại một cuộc vận động tranh cử vào tháng 6/2016 ở bang Pennsylvania, ông Trump - khi đó đang là ứng cử viên Tổng thống Mỹ - nói rằng "thảm họa" suy giảm việc làm trong ngành sản xuất ở Mỹ là do "thứ nhất, Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), và thứ hai là việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".

Cho tới nay, những ưu tiên này của chính quyền ông Trump không thay đổi nhiều.

Một trong những thắng lợi ngoại giao chủ chốt của chính quyền ông Trump được ghi nhận vào tuần trước, khi Nhà Trắng đạt một thỏa thuận với phe Dân chủ tại Hạ viện về thúc đẩy thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) thay thế cho NAFTA. Cùng ngày, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Một khi giải quyết tạm ổn vấn đề thương mại với Trung Quốc và hai nước láng giềng Bắc Mỹ, chính quyền ông Trump sẽ "rảnh tay" hơn để xử lý những mối lo liên quan đến hệ thống thương mại trên diện rộng - theo ông Clete Williems, một cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng.

2

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, hai nhân vật được cho là có quan điểm cứng rắn về thương mại trong chính quyền Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Bloomberg/Getty.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tái cử, ông Trump có thể sẽ đưa cuộc chiến của Mỹ với các đối thủ kinh tế như Trung Quốc tới các định chế như WTO.

"Tôi cho rằng Mỹ đã khiến tình hình trong WTO thay đổi và họ đã tranh thủ đòn bẩy của mình trong WTO. Họ đã đưa ra nhiều đề xuất cải tổ WTO", ông Williems nói.

Thế bế tắc giữa Mỹ và nhiều thành viên trong WTO đe dọa cản trở tòa án cấp cao nhất của định chế này ra phán quyết về một loạt vụ kiện về việc chính quyền ông Trump mạnh tay sử dụng hàng rào thuế quan. Trong khi đó, giới chức thương mại Mỹ lập luận rằng sự cản trở này là cần thiết ch tới khi WTO được cải tổ để giải quyết những hành vi của Trung Quốc mà Washington cho là bóp méo thị trường.

Chiến dịch gây sức ép của Mỹ lên WTO được thể hiện rõ trong tuần trước, khi Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách bổ sung các mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu mà Mỹ dự kiến áp thuế quan lên tới 100% để trả đũa việc Washington cho là châu Âu trợ cấp bất hợp pháp cho hãng chế tạo máy bay Airbus.

"Mục tiêu của chúng tôi là đạt tới một giải pháp dựa trên đàm phán. Nhưng chúng tôi luôn có một mối quan hệ rất thiếu bình đẳng với châu Âu", Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói.

Căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc cũng được thể hiện rõ ở Ngân hàng Thế giới (WB), định chế mà Washington cho là bị Bắc Kinh lợi dụng để giành lấy những khoản vay lẽ ra phải dành cho các nước thu nhập thấp hoặc trung bình.

Đích thân ông Trump vào hôm 6/12 kêu gọi WB dừng việc cho Trung Quốc vay tiền. Lời kêu gọi này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra chỉ một ngày sau khi WB thông qua một kế hoạch cấp vốn vay mỗi năm 1-1,5 tỷ USD cho Bắc Kinh trong thời gian đến hết tháng 6/2025, bất chấp sự phản đối của Washington.

"Tại sao Ngân hàng Thế giới lại cho Trung Quốc vay tiền? Điều này có thể sao? Trung Quốc có đầy tiền, và nếu không có tiền thì họ cũng tạo ra tiền đừng. Hãy dừng lại đi", ông Trump viết trong một trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter.

Sức ép lên Chủ tịch FED

Mỗi khi FED không điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng và với mức độ như ông Trump mong muốn, ông thường trút sự giận dữ của mình lên ông Powell.

Sự bất mãn của ông Trump đối với ông Powell - người mà chính ông đề cử cho ghế Chủ tịch FED - thường xuyên và mang tính cá nhân đến nỗi gần như chắc chắn ông Trump sẽ không tái đề cử ông Powell cho cương vị này khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022, theo nhận định của nhà phân tích Ed Mills thuộc công ty phân tích Raymond James Washington.

"Đối với ông Powell, nếu ông Trump tái cử thì mọi chuyện khá rõ ràng: rất ít khả năng ông Powell được tái đề cử cho một nhiệm kỳ Chủ tịch FED nữa", ông Mills nhận định. "Còn nếu một người Dân chủ đắc cử Tổng thống, tôi cho rằng họ muốn có một Chủ tịch FED của họ. Bởi vậy, ông Powell đều có khả năng ra đi cho dù kết quả bầu cử có thế nào".

3

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch FED Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Từ khi lên cầm quyền, ông Trump liên tục đòi FED giảm lãi suất xuống thật thấp, cho rằng lãi suất của Mỹ cao hơn các quốc gia khác gây cản trở cho nỗ lực của ông trong việc giảm thâm hụt thương mại. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ - cơ quan giữ vai trò giám sát FED - trao cho ngân hàng trung ương này nhiệm vụ điều chỉnh lãi suất sao cho tối đa hóa việc làm và giữ giá cả ổn định. Mấy năm gần đây, FED làm tốt việc này, với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức 3,5%, thấp nhất trong nửa thế kỷ.

Trong khi đó, ông Trump vẫn muốn FED giảm lãi suất sâu hơn để kích thích nền kinh tế nhiều hơn, thậm chí kêu gọi FED hạ lãi suất về ngưỡng âm.

Kế hoạch giảm thuế 2.0?

Chuyên gia Mills cho rằng nếu tái cử nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump có thể tập trung vào một số ưu tiên chủ chốt có khả năng giành được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ trong Hạ viện. Ưu tiên thứ nhất có thể là một chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn thứ hai, sau đợt giảm thuế năm 2017 đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ về mức 21%.

Tháng trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hé lộ với CNBC rằng ông Trump đã đề nghị ông xem xét một kế hoạch như vậy, nhưng ông Kudlow cho rằng còn quá sớm để đi vào chi tiết của một "kế hoạch giảm thuế 2.0". Trước đó, tờ Washington Post đưa tin rằng các cố vấn cấp cao của ông Trump đang xem xét khả năng giảm thuế cho tầng lớp trung lưu về 15%.

Việc ông Trump tính giảm thuế lần nữa cho tầng lớp trung lưu có vẻ mang mục đích chính trị hơn là thực tiễn. Phe Dân chủ, những người có khả năng tiếp tục nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ vào năm 2021, khó có khả năng phê chuẩn một dự luật của Đảng Cộng hòa về giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, theo ông Mills, nếu Đảng Cộng hòa gây được bất ngờ trong ngày bầu cử và giành thêm ghế trong Hạ viện, thì một kế hoạch giảm thuế như vậy hoàn toàn có triển vọng.