Ngân hàng cung cấp thông tin người nộp thuế: Đại biểu lo, Bộ trưởng nói cần
Băn khoăn quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế
Ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài, không quản lý là không được, Bộ trưởng Bộ Tài chính hồi âm băn khoăn của đại biểu về nhiệm vụ của ngân hàng thương mại trong quản lý thuế quy định tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Theo dự thảo, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Trong phiên thảo luận chiều 15/11, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp vì theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng.
Do vậy, cần có sự hài hòa giữa hai quy định này để không làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, để tránh lạm dụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật, đại biểu Trang góp ý.
"Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ các trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt là theo quy định chặt chẽ việc khấu trừ tiền trong tài khoản để nộp thuế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của công dân", bà Trang phát biểu.
Giải trình sau khi nghe toàn bộ ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói luật hiện hành cũng quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Theo luật mẫu của IMF cũng như các nước OECD đều khuyến nghị Việt Nam phải có chế tài như vậy, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang phát triển giao dịch điện tử cũng như thương mại qua biên giới.
"Ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài, không quản lý là không được. Chưa nói là kinh tế của chúng ta vẫn đang là kinh tế tiền mặt. Có rất nhiều vấn đề phải xem xét xử lý không thì rất khó. Cho nên phải rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có ngân hàng", Bộ trưởng nói.
Liên quan đến quy định về chống chuyển giá, tránh thuế và quản lý thuế đối với thương mại điện tử được một số vị đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho biết vừa qua Bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị định 20 về chống chuyển giá.
Theo Bộ trưởng thì chuyển giá có rất nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, cơ quan thuế làm được ở khâu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhưng còn khâu đầu tư, như đầu tư nước ngoài hàng năm kêu gọi 18 - 20 tỷ USD, giải ngân 15 - 17 tỷ USD nhưng cũng không ai xác thực 15 - 17 tỷ USD đó là giá trị thực tế tài sản doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.