Ngân hàng đang đưa quá nhiều tiền mệnh giá lớn ra lưu thông
Tỷ lệ chi loại tiền 500.000 đồng ra lưu thông tại một số đơn vị vẫn ở mức cao
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch, Chi nhánh cân đối tỷ lệ cơ cấu các loại mệnh giá tiền đưa ra lưu thông, đảm bảo tỷ lệ chi loại tiền 500.000 đồng ra lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và tăng cường chi tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông.
Cụ thể, qua theo dõi của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhiều đơn vị đã nỗ lực thực hiện cơ cấu loại tiền chi ra lưu thông; tỷ lệ chi mệnh giá 500.000 đồng bình quân toàn quốc có xu hướng giảm, mệnh giá 200.000 đồng và 100.000 đồng được tăng cường đưa ra lưu thông, tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống được chi ra hợp lý, đúng mục đích thanh toán, cơ cấu các loại tiền trong lưu thông được cải thiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ chi loại tiền 500.000 đồng ra lưu thông tại một số đơn vị vẫn ở mức cao (năm 2020, các chi nhánh có từ 5/10 tháng chi loại tiền 500.000 đồng vượt mức 60% trở lên là Quảng Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Thái Bình); việc chi các loại tiền mệnh giá nhỏ tại một số đơn vị chưa được thực hiện tích cực, thông suốt.
Để tiếp tục đảm bảo tỷ lệ cơ cấu hợp lý các loại tiền chi ra lưu thông, ngày 8/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 2350/NHNN-PHKQ về việc đáp ứng cơ cấu loại tiền chi ra lưu thông yêu cầu Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất, thường xuyên theo dõi diễn biến thu, chi tiền mặt trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước.
Chủ động cân đối tỷ lệ cơ cấu các loại mệnh giá tiền chi ra lưu thông, trong đó tăng cường chi các loại tiền 100.000 đồng và 200.000 đồng. Riêng loại tiền 500.000 đồng tỷ lệ chi ra lưu thông không vượt quá 60% giá trị của mỗi khoản chi.
Thứ hai, tăng cường chi tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông, bao gồm tiền đã qua sử dụng và tiền mới in (thời gian chi tiền mới in từ tháng 4 đến hết tháng 11/2021); yêu cầu tỏ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán cho các siêu thị, đơn vị bán lẻ và cá nhân (tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến Ngân hàng Nhà nước đổi tiền nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu thanh toán).
Thứ ba, chủ động nghiên cứu đánh giá tình hình tiền mặt, cơ cấu và chất lượng tiền trong lưu thông, nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ trên địa bàn, phối hợp với Cục Phát hành và Kho quỹ để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiền mặt trên địa bàn.
Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm chỉ đạo, quán triệt chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để các đơn vị chủ động cân đối kế hoạch thu - chi và triển khai thực hiện tăng cường chi các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống.
Cục Phát hành và Kho quỹ theo dõi, nắm diễn biến tình hình lưu thông tiền mặt, cơ cấu các loại mệnh giá tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và Sở Giao dịch để thực hiện tốt công tác điều hòa, điều chuyển tiền mặt, đảm bảo đáp ứng cả về mặt giá trị và cơ cấu các loại mệnh giá.
Đồng thời, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo này đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.