18:01 05/02/2019

Ngân hàng Việt chạy đua lì xì… quanh năm

Minh Đức

Chưa bao giờ các ngân hàng tại Việt Nam xởi lởi tặng tiền khách hàng nhiều như hiện nay, chứ không chỉ lì xì Tết

Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đang dần trở thành như thiết yếu đặt bên cạnh điện, nước, viễn thông…
Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đang dần trở thành như thiết yếu đặt bên cạnh điện, nước, viễn thông…

Cứ dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có chương trình lì xì, ưu đãi khách hàng. Hết Tết, chính sách này vẫn trở thành cuộc đua quanh năm, với lợi ích lớn.

Vẫn phải dẫn lại chính sách miễn toàn bộ phí giao dịch trực tuyến cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đã và đang áp dụng. Vì hiện không nhiều ngân hàng thực hiện.

Miễn phí cũng là tiền. Vì phổ biến hiện nay, phí sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam đang trở thành một hóa đơn thực sự, như với điện, nước, cước viễn thông. Thậm chí khoảng một năm gần đây, có những trường hợp tăng mạnh các loại phí cũng như chia nhỏ mức tiền được giao dịch mỗi lần ở một số kênh để thu thêm phí…

Dù vậy, có một xu hướng và dần hình thành một cuộc đua: các ngân hàng thương mại tặng tiền thường xuyên cho khách, với sự tham gia của các khối tư nhân, nhà nước và nước ngoài.

Cũng tại Techcombank, trong năm 2018 có chính sách hoàn tiền 1% trên tổng số tiền giao dịch thanh toán qua thẻ để mua hàng hóa, không giới hạn số tiền hoàn, không giới hạn lĩnh vực chi tiêu và không giới hạn số lượng khách hàng.

Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), dịp Tết Nguyên đán này, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của VIB được "lì xì" bằng chính sách hoàn tiền 9.19% cho mọi giao dịch mua sắm hợp lệ, và số tiền được hoàn có thể lên đến 919.000 đồng mỗi tháng. Không chỉ Tết, quanh năm tại ngân hàng này thường có 4 loại thẻ với các chính sách theo số tuyệt đối hoặc tỷ lệ trên giao dịch…

Ở khối ngoại, tại HSBC Việt Nam, khách mở thẻ tín dụng được áp chính sách hoàn tiền 1 triệu đồng…

Ở khối nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có chính sách hoàn tiền 1,5% không giới hạn cho mọi giao dịch chi tiêu trong và ngoài nước, không yêu cầu số lượng giao dịch tối thiểu và không giới hạn giá trị hoàn tiền tối đa cho một dòng thẻ mới ra mắt gần đây…

1%, 1,5% hay 1 - 2 triệu đồng…, đều là mức đáng kể, nhất là với những khách hàng có giao dịch nhiều và đều quanh năm. Mức độ tặng tiền với nhiều thành viên áp dụng hiện nay đã mở rộng hơn nhiều so với trước đây.

Vì lợi ích các ngân hàng nhận về ngày càng lớn. Và theo đó, cạnh tranh để trở thành một cuộc đua "lì xì" quanh năm là có thực.

Theo số liệu mới nhất từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ đạt gần 167 triệu giao dịch (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017) với giá trị giao dịch đạt 442 nghìn tỷ đồng.

Cùng kỳ thống kê, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet lên tới hơn 178 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 11 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động lên tới gần 122 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng.

Một số dữ liệu cơ bản về các giao dịch thông dụng và phổ biến của khách hàng (nhóm nhu cầu thường được hoàn tiền) cho thấy, cả lượng và chất của tài nguyên khách hàng cho hoạt động ngân hàng tại Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Xu hướng mở rộng ở một thị trường gần 95 triệu dân, lực lượng dân số trẻ cao và nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng nhanh hàng năm.

Có những lợi ích nói chung về phát triển dịch vụ, các loại phí liên quan, bán chéo sản phẩm… Và một trong những lợi ích nhất để xu hướng trên trở thành cuộc đua "lì xì" quanh năm: tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Bên cạnh chất lượng và tiện ích dịch vụ, chính sách "lì xì" góp phần thúc đẩy thu hút và tạo nền tảng khách hàng cá nhân. Nền tảng càng dày, lợi ích CASA càng lớn.

Như dữ liệu trên, hàng trăm triệu giao dịch đều phải gắn với gốc là tài khoản thanh toán. Để thanh toán, hầu hết các kênh đều yêu cầu tài khoản đó phải có số dư. Ngay cả kênh thẻ tín dụng cũng kết nối với tài khoản thanh toán, nơi có lượng tiền nhàn rỗi đọng lại.

Với quy mô cả lượng và giá trị giao dịch như trên, lượng tiền đối ứng cần cho thanh toán và cả dôi dư, số đọng lại sau giao dịch… ở quy mô lớn. Nguồn tiền này trở thành nguồn vốn của các ngân hàng, chúng có chi phí thấp (với lãi suất ngân hàng trả phổ biến chỉ từ 0,1-0,5%/năm).

Quy mô lớn thấy rõ. Ngoài đặc thù một số ngân hàng quốc doanh lớn có tiền gửi ngân sách, khoảng chục năm trước, tỷ trọng tiền gửi thanh toán tại hầu hết các ngân hàng thương mại chỉ ở mức độ một con số. Nhưng vài năm gần đây, hệ thống đã xuất hiện nhiều ngân hàng cổ phần tỷ nhân có CASA chiếm tỷ trọng lên tới 28-30%.

Về riêng lẻ mỗi tài khoản, tiền gửi thanh toán không kỳ hạn này được xem là lỏng lẻo. Nhưng khi đọng lại xét trên toàn hệ thống, tỷ trọng 28-30% nói trên trở nên khá ổn định trong cơ cấu vốn, gắn với nhu cầu giao dịch thường xuyên của khách hàng.

Tỷ trọng nguồn này góp phần quan trọng giúp giảm chi phí hoạt động cho các ngân hàng, bình quân giá vốn đầu vào. Nó cũng góp phần giải thích vì sao lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài hạn đang 6,5-7,2%/năm mà một số thành viên vẫn cho vay cạnh tranh được mức 5,5-6%/năm, trong khi lãi biên bình quân vẫn đảm bảo.

Nhiều năm trước, về mặt hoạch định chính sách, từng có những lúc CASA có thân phận chưa được ưu ái vì tính lỏng lẻo và tỷ trọng còn thấp của nó, khi dùng để tính toán một số cân đối vốn đảm bảo các tỷ lệ an toàn liên quan trong hoạt động.

Nhưng nay, với tỷ trọng ngày càng lớn, tính ổn định gia cố thêm từ nhu cầu mở rộng và thường nhật hơn trong giao dịch của khách hàng, CASA bắt đầu khẳng định vị trí danh dự trong bảng cân đối của mỗi nhà băng.

Mức độ danh dự thậm chí còn khẳng định rõ hơn qua các chính sách "hy sinh" nguồn những dịch vụ khác, mà như trên, trở thành một cuộc đua "lì xì" cho khách hàng quanh năm chứ không chỉ dịp Tết.

Là cuộc đua và cạnh tranh, đương nhiên càng tốt hơn cho lợi ích khách hàng, khi mà nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đang dần trở thành như thiết yếu đặt bên cạnh điện, nước, viễn thông…