14:32 23/11/2012

Nghịch lý hạt gạo Việt Nam

Hoàng Đình

Chúng ta đã làm gì để quảng cáo cho gạo Việt Nam, với vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?

Giá gạo loại 5% tấm của Thái Lan bán ra năm 2008 cao hơn cùng loại của 
Việt Nam 68 USD/tấn, đến năm 2009 khoảng cách đã lên tới 123 USD/ tấn, 
gần gấp đôi giá gạo của nước ta.
Giá gạo loại 5% tấm của Thái Lan bán ra năm 2008 cao hơn cùng loại của Việt Nam 68 USD/tấn, đến năm 2009 khoảng cách đã lên tới 123 USD/ tấn, gần gấp đôi giá gạo của nước ta.
Thành tựu nổi bật và rõ nét nhất của nền kinh tế nước ta là hạt gạo đã vươn lên đứng hạng đầu thế giới về xuất khẩu. Nhưng điều rất đáng quý phải suy nghĩ ở chỗ, quy mô “phủ” thị trường thế giới của hạt gạo lớn đến thế mà hầu như chẳng có mấy nhà phân phối gạo ở các nước biết đến tên tuổi, chưa nói đến việc “nổi tiếng” ấy tương xứng với vị trí xuất khẩu. Chung quy là ở cách làm thương hiệu.

Một chuyên gia kinh tế hình ảnh đã kể cho tôi, chuyện về một phụ nữ Việt Nam theo chồng sang Dubai công tác. Khi tra trên mạng của hải quan Dubai, chị thấy có trên 100 mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam đang được nhập khẩu ở đây.

Hàng đầu và... không mấy ai biết!


Thấy độ “phủ” của hàng nông sản nước mình khá lớn ở thị trường này, chị về nước rồi nhập khẩu gạo, rồi mang chào bán cho các nhà phân phối tại Dubai. Họ vô cùng ngạc nhiên khi nghe chị giới thiệu rằng gạo chị muốn bán là của Việt Nam.

Trước sự ngạc nhiên của họ, chị cung cấp thông tin rằng chẳng những Việt Nam có gạo mà còn là nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Theo mô tả của chị, các nhà phân phối hàng nông sản Dubai đã đón nhận như kiểu “người trên trời rơi xuống”. Họ hoàn toàn không hề biết gì về tên tuổi của hạt gạo Việt Nam (?).

Câu chuyện này nhắc chúng ta nhiều điều trong cuộc làm ăn thời kỳ hội nhập toàn cầu. Trước hết, phải khẳng định rằng vị thế của hạt gạo Việt Nam cũng như năng lực cung ứng lương thực thực phẩm nội địa, được hầu hết mọi người dân trong nước ghi nhận và trân trọng. Nhưng đặt vào bối cảnh thương mại toàn cầu lại hoàn toàn khác.

Cái chúng ta tưởng là số 1, số 2 trên thị trường tiêu dùng toàn cầu, thì luật chơi toàn cầu khác xa với luật chơi trong nước. Sự ngỡ ngàng của người phụ nữ kể trên cũng giống với hầu hết người Việt Nam nào khi nghe lại câu chuyện thực này. Quan trọng là, câu chuyện khiến chúng ta tỉnh ngủ, hay nói theo cách khác là giúp chúng ta “trở về với thực tế”. Và nếu chúng ta thức tỉnh, thay đổi cách làm ăn cũ, không chỉ hạt gạo mà nhiều mặt hàng lợi thế của Việt Nam sẽ được đặt đúng vị trí với tầm mức của nó trong mắt người tiêu dùng toàn cầu.

Có một lý giải cho câu chuyện hạt gạo là cách làm thương hiệu, làm hình ảnh. Quảng bá gạo Thái Lan cho thế giới, người ta bắt gặp hình ảnh quảng cáo độc đáo của xứ người: gạo của họ được các minh tinh màn bạc Hollywood ăn hàng ngày, và mỗi người đều có một lời nhận xét về gạo Thái.

Trong khi đó, chúng ta đã làm gì để quảng cáo cho gạo Việt Nam, với vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới? Hay điều duy nhất mà người ta biết là: Gạo Việt Nam đang được bán sang châu Phi, một địa chỉ khó khăn và thiếu đói nghiêm trọng.

Thua từ tư duy đến cách làm


Chỉ đơn cử từ ngay trang mạng của mỗi nước - không nói đến các chiến dịch truyền thông, quảng bá khác - đã thấy, tư duy về cách làm thương hiệu, làm hình ảnh cho hạt gạo đã cách nhau một trời một vực.

Khi hạt gạo Thái được các minh tinh màn bạc lớn nhất thế giới tiêu dùng và ca ngợi, nó sẽ được cả thế giới tiêu dùng nhìn vào và ăn theo. Còn hình ảnh gạo Việt Nam? Không có gì, ngay cả trên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn! Có thể, nhiều người dân châu Phi biết họ đang ăn gạo của Việt Nam. Nhưng chỉ với những người tiêu dùng bình thường, không thiếu đói, không thiếu tiền, họ đã không hướng tới hạt gạo của chúng ta mà hướng tới gạo có chất lượng, được minh tinh màn bạc ăn hàng ngày.

Cũng tương tự, loại gạo bán cho giới tiêu dùng giàu có và khá giả sẽ có giá cao hơn rất nhiều so với loại gạo bán cho người nghèo khó. Một ví dụ liên quan, giá gạo loại 5% tấm của Thái Lan bán ra năm 2008 cao hơn cùng loại của Việt Nam 68 USD/tấn, đến năm 2009 khoảng cách đã lên tới 123 USD/ tấn, gần gấp đôi giá gạo của nước ta.

Chỉ xét ngay việc quảng bá “trên sân nhà”, chúng ta đã thua! Làm thương hiệu, làm hình ảnh cho sản phẩm lúa gạo và nông sản, một lợi thế so sánh rất lớn của Việt Nam trong cùng lĩnh vực trên thế giới, đã bị hổng. Đó là lỗ hổng của tư duy, của cách nghĩ và cách làm trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập sâu, sản phẩm đã có mặt và có độ phủ thị trường rộng rãi trên thế giới.

Nếu hạt gạo Việt Nam có giá bán cao bằng Thái Lan, tức là gần gấp đôi của chúng ta thì doanh thu, lợi nhuận sẽ lớn hơn cái chúng ta đang có rất nhiều, đời sống của nhân dân nói riêng và đời sống của toàn xã hội ta sẽ được nâng lên một mức cao hơn nhiều.

Mong muốn này lại không quá khó vì nó không phụ thuộc điều kiện khác biệt nào về chất lượng gạo, điều kiện gieo trồng, thu hoạch mà chỉ phụ thuộc vào tư duy, cách làm của chúng ta, đặc biệt là của các nhà quản lý, những người hướng dẫn cụ thể cho người dân làm theo.

Nếu đặt trách nhiệm lên vai người nông dân hay một nhóm, một tổ chức xã hội nào đó với yêu cầu hướng dẫn cho toàn dân quy định gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, quảng bá, phân phối... thì quả quá sức.

Hãy đặt vấn đề này với những con người có đầy đủ năng lực về học vấn, tầm tư duy cũng như trách nhiệm và quyền lực quản lý cao nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục tiêu trước mắt là cải thiện nhanh chóng phương pháp, giá trị sản xuất lúa gạo qua đó cải thiện và nâng cao nhanh chóng đời sống người trồng lúa nước ta. Ở giai đoạn tiếp theo là nâng cao cải thiện đời sống của nông dân cả nước trong mọi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Câu chuyện hạt gạo Việt Nam còn là chuyện chung cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam mà chúng ta chưa tận dụng được lợi thế so sánh. Chính thế, nên nhiều lúc, nhiều nơi chúng ta âm thầm là những “người hùng không ai biết tới” và không đem lại hiệu quả tương xứng cho chính mình. Nghĩ lại mà thấy buồn cho vị thế hạt gạo Việt!

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)