17:09 11/12/2016

Ngoài tỷ phú Thái Lan, không ai mặn mà đi đấu giá Vinamilk

Bạch Dương

Ngoài F&N, không ai mặn mà đi đấu giá cổ phiếu VNM bởi giá thị trường chỉ khoảng 135.800 đồng/cổ phiếu

Vinamilk liệu có làm nên lịch sử như hơn một thập kỷ trước?
Vinamilk liệu có làm nên lịch sử như hơn một thập kỷ trước?
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo, chốt danh sách tham gia đăng ký mua cổ phần VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chỉ có hai quỹ đầu tư là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing đã đăng ký.

Hai quỹ đầu tư của một ông chủ

Theo đó, hai quỹ này đặt mua 78,38 triệu cổ phần, tương ứng 5,4% vốn điều lệ của Vinamilk. Theo quy định thoái vốn của SCIC, mỗi tổ chức chỉ được mua tối đa 2,7% vốn điều lệ của Vinamilk. Do đó, lượng mua của hai quỹ trên là hợp lệ.

Hai tổ chức đã đăng ký mua cổ phần của Vinamilk là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing. Đây là hai quỹ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore. Tuy nhiên, sở hữu hai quỹ này chính là tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ của Tập đoàn đồ uống F&N.

Với mức giá tối thiểu mà SCIC đưa ra đấu giá, tỷ phú Thái Lan sẽ phải chi ra khoảng 11.500 tỷ đồng để sở hữu lô cổ phần đã mua.

F&N Dairy Investment đầu tư vào Vinamilk từ năm 2005, đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 11,04% và có đại diện là ông Lee Meng Tat trong Hội đồng Quản trị của Vinamilk.

Nếu việc mua thành công, F&N có thể nâng sở hữu tại Vinamilk lên 16,35% vốn điều lệ của Vinamilk.

Theo kế hoạch, ngày mai (12/12), SCIC sẽ chào bán cạnh tranh 130,6 triệu cổ phiếu VNM, giá khởi điểm 144.000 đồng. Dự kiến tổng giá trị thu về khoảng 840 triệu USD.

Tuy nhiên, việc ít nhà đầu tư tổ chức tỏ ra mặn mà với phiên đấu giá Vinamilk khiến giới đầu tư liên tưởng đến phiên đấu giá hơn một thập kỷ trước của công ty này.

Tháng 2/2005, sau khi cổ phần hoá thành công, Nhà nước đã bán 11,4% vốn tại Vinamilk, tương ứng 18,2 triệu cổ phần. Khi đó, một nhóm nhà đầu tư nước ngoài, đã chi khoảng 572 tỷ đồng mua toàn bộ lô cổ phiếu trên, giá bình quân là 31.400 đồng/cổ phiếu.

Tháng 11/2005, nhằm chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu Vinamilk trên sàn chứng khoán vào đầu năm 2006, nhà nước tiếp tục bán ra 10,5% cổ phần với giá bán bình quân đạt xấp xỉ 49.000 đồng/cổ phần. Đây đều là những lần thoái vốn thành công vang dội, khi chỉ cần công bố là lượng cổ phiếu VNM được thị trường hấp thụ "hết veo”.

Tuy nhiên, sau 12 năm, lịch sử dường như đã lặp lại, nhà nước tiếp tục có cuộc thoái vốn ở Vinamilk và lần này quy mô thoái vốn lên tới gần 18.800 tỷ đồng. Việc chỉ có 2 quỹ đầu tư của một ông chủ tỏ ra hào hứng với đợt đấu giá, khiến giới tài chính hoài nghi việc Vinamilk có còn lập ra kỳ tích như đã từng trong ngày 12/12.

Từ khi công bố roadshow bán vốn ngày 21/11, giá cổ phiếu VNM giảm từ mức 138.000 đồng xuống còn 135.800 đồng, có thời điểm giảm xuống 129.000 đồng.

Hai kịch bản

Trao đổi với VnEconomy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn đưa ra hai kịch bản cho VNM, một là nhà đầu tư ngoại đang ồ ạt bán ra với mục đích đè giá VNM trên thị trường giao dịch ở mức thấp để hạn chế các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức tham gia phiên đấu giá ngày 12/12 tới.

Kịch bản này cho đến giờ đang có lợi thế, minh chứng là chỉ có F&N đăng ký mua Vinamilk. 

"Bởi thị trường giao dịch chỉ 135.000 đồng thì không cớ gì họ phải tham gia phiên đấu giá trên”, ông Tuấn nói.

Theo kịch bản này, định giá trên thị trường thấp sẽ là cơ sở tham chiếu nên mặt bằng giá trong phiên đấu giá ngày mai có thể sẽ thấp hơn kỳ vọng.

Kịch bản thứ hai, gần đây khối ngoại bán ròng cổ phiếu VNM lớn như Dragon Capital đăng ký bán ròng 1,2 triệu cổ phiếu, Asia Investment Holdings đăng ký bán 236.865 cổ phần, Amersham Undustries Limited bán 1,6 triệu cổ phiếu…

Vinamilk công bố nâng room ngoại lên 100% song thực tế thời gian qua, việc nắm giữ của khối ngoại trên thị trường lại có xu hướng giảm. Tính đến 9/12, khối ngoại nắm giữ 47,9% vốn tại Vinamilk, giảm đáng kể so với tỷ lệ kín room 49% trước đó.

Theo ông Tuấn, kịch bản thứ 2 là, nhà đầu tư tỏ tra không mặn mà nhiều bởi vì giá VNM được chào bán là 144.000 đồng, khá đắt đỏ, vượt khả năng của khối ngoại nên họ rút vốn về.