Người không xứng đáng vào Quốc hội: Ai chịu trách nhiệm?
Có ý kiến đề nghị đề án nhân sự đại biểu Quốc hội khóa 14 nên lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội khoá 13
Nhiệm kỳ khóa 13 vẫn còn những đại biểu không xứng đáng, Quốc hội vẫn phải bãi nhiệm một số đại biểu Quốc hội, cần đánh giá trách nhiệm thuộc về ai?
Đây là câu hỏi được đặt ra khi các vị đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khoá 13.
Đây là câu hỏi được đặt ra khi các vị đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khoá 13.
Còn phụ thuộc Chính phủ
Cả ngày 28/3, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp, Quốc hội
sẽ thảo luận về dự thảo báo cáo này, cùng với báo cáo công tác nhiệm kỳ
của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Trước đó, các vị đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận tại tổ về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội.
Bản tổng hợp các ý kiến thảo luận tổ vừa hoàn thành cho thấy, bên cạnh sự ghi nhận kết quả hoạt động của Quốc hội 5 năm qua, các vị đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận không ít hạn chế, yếu kém.Trong công tác lập pháp, có ý kiến cho rằng hoạt động này còn chưa có cái nhìn tổng thể cho cả nhiệm kỳ, tính dự báo chưa tốt, còn bị động, phụ thuộc Chính phủ, có lúc không đầy đủ quy trình, chưa thực sự khách quan.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn thường xuyên phải điều chỉnh. Một số đạo luật còn có quy định chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao; có luật mới ban hành đã phải sửa đổi, gây phản ứng trong nhân dân.
Bên cạnh đó, một số quy định vẫn còn chung chung nên khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, gây lãng phí. Giữa các văn bản khác nhau vẫn còn có trường hợp quy định chồng chéo, mâu thuẫn.
Góc nhìn khác nhau về quyết sách biển Đông
Về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhiều đại biểu nhận xét, trong một số trường hợp, Quốc hội đã kiên quyết bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình, ban hành những quyết định được cử tri đồng tình, ủng hộ cao.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội còn chưa thuyết phục, chưa có sự đồng thuận cao, hiệu quả chưa rõ ràng. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề vượt quá khả năng kinh tế-tài chính của đất nước, dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện.
Trong việc xây dựng các chính sách lớn còn chưa có cơ chế để thu hút được các chuyên gia. Một số ý kiến cho rằng, các số liệu của Chính phủ chưa chính xác, khiến đại biểu Quốc hội chưa tin tưởng để căn cứ vào đó mà ra quyết định.
Nhiệm kỳ khoá 13 cũng là 5 năm tình hình biển Đông hết sức căng thẳng. Và góc nhìn của đại biểu cũng còn khác nhau.
Có ý kiến nhận xét, quyết sách của Quốc hội về vấn đề biển Đông là hợp lý, bảo đảm sự ổn định, môi trường phát triển của đất nước.
Nhưng, cũng có vị cho rằng Quốc hội đã không dành nhiều thời gian thảo luận về sự kiện giàn khoan của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. Dự thảo báo cáo cần thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn về tâm huyết bảo vệ chủ quyền quốc gia của nhân dân, đại biểu này đề nghị.
Trong thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đọc văn bản, phát biểu trùng lặp, trong khi đó, các đại biểu là chuyên gia về kinh tế lại ít có cơ hội phát biểu.
Ý kiến tại một số tổ thảo luận cũg cho rằng cần phải xem xét lại vấn đề kỷ cương ngân sách. Quốc hội còn dễ dãi trước việc Chính phủ không chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Quốc hội về ngân sách Nhà nước.
Ví dụ: Quốc hội đã ban hành nghị quyết chỉ cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, sau đó Quốc hội lại điều chỉnh, cho phép thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và 2016.
Hoặc Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 là 4,8%, song đến kỳ họp cuối năm lại cho điều chỉnh thành 5,3%, đến lúc quyết toán ngân sách nhà nước lại thành 6,9%).
Chuẩn bị bầu Quốc hội khoá mới chưa tốt
Theo một số đại biểu, dự thảo báo cáo đánh giá về đại biểu Quốc hội còn chung chung, chưa nêu bật được trách nhiệm của đại biểu.
Có ý kiến đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội chưa cao, nhiều đại biểu Quốc hội còn vắng mặt tại một số phiên họp của Quốc hội hoặc không phát biểu tại kỳ họp, không phản ánh kịp thời kiến nghị của cử tri, dẫn đến nhiều vấn đề bức xúc không được giải quyết.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa 14 chưa được tốt, một số đại biểu là phó đoàn chuyên trách hoạt động tốt lại không được tái cử.
Một trong những bài học được các vị đại biểu đề nghị bổ sung là việc chọn người đại diện cho nhân dân có vai trò quyết định đến việc Quốc hội làm trọn trọng trách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ nêu rõ: nhiệm kỳ khóa 13 vẫn còn những đại biểu không xứng đáng, Quốc hội vẫn phải bãi nhiệm một số đại biểu Quốc hội, cần đánh giá trách nhiệm thuộc về ai?
Bên cạnh đó, chất lượng, trình độ, năng lực của đại biểu Quốc hội cũng là vấn đề đáng quan tâm, đại biểu Quốc hội phải là những người có kinh nghiệm cuộc sống, có kiến thức về luật, kinh tế, xã hội, phải dám nói, dám làm. Quy định về độ tuổi đã hạn chế việc tham gia Quốc hội của những người có kinh nghiệm, năng lực và nhiệt huyết cống hiến.
Có ý kiến đề nghị đề án nhân sự đại biểu Quốc hội khóa 14 nên lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp phản ánh.