09:09 05/05/2008

Nguy cơ tăng giá thuốc đột biến

Những diễn biến đáng lo ngại của cả thị trường thế giới lẫn trong nước hiện đang ẩn chứa nguy cơ tăng giá thuốc đột biến

Trong năm 2008, ngành dược sẽ đẩy mạnh việc sản xuất thuốc trong nước, các loại thuốc generic (thuốc có gốc hoá học giống thuốc phát minh).
Trong năm 2008, ngành dược sẽ đẩy mạnh việc sản xuất thuốc trong nước, các loại thuốc generic (thuốc có gốc hoá học giống thuốc phát minh).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ năm 2007 đến hết quý 1/2008, giá thuốc trên thị trường đã biến động tăng 8,93%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những diễn biến đáng lo ngại của cả thị trường thế giới lẫn trong nước hiện đang ẩn chứa nguy cơ tăng giá thuốc đột biến và đồng loạt giống như hồi đầu năm 2004.

Hệ thống lưu thông, phân phối nhiều hạn chế

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, khó khăn trong quản lý giá thuốc hiện nay do bất ổn chính trị của nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, diễn biến phức tạp của thị trường trong nước với nhiều dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ lạm phát.

Thêm nữa, biến động liên quan đến giá nguyên liệu thuốc phải nhập khẩu tới 90%, chi phí của các doanh nghiệp gia tăng do triển khai các tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, bảo quản, lưu thông... thuốc cũng làm "đội" giá thành thuốc trong nước. Còn thuốc nhập khẩu tiếp tục chịu chi phối mạnh của các biến động thị trường thế giới. Một số thuốc hiếm, ít người dùng không được nhập, dẫn đến tình trạng độc quyền, giá cả không kiểm soát được.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 20.000 thuốc đã đăng ký lưu hành. Thuốc sản xuất trong nước bao trùm ở cả 27/27 nhóm dược lý nhưng có rất ít thuốc chuyên khoa, biệt dược như chống độc, huyết thanh miễn dịch, chống ung thư... Các nhà sản xuất trong nước tập trung chủ yếu vào thuốc thông thường, giá trị thấp.

Trong khi đó, hệ thống lưu thông, phân phối thuốc còn nhiều hạn chế đã làm gia tăng các chi phí trung gian trước khi thuốc đến được với người bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nêu thực trạng là nhiều doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu trực tiếp lại nhập khẩu ủy thác để hưởng phần trăm; cơ cấu thuốc nhập khẩu chưa phù hợp với mô hình bệnh tật.

Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ thuốc gồm 39.016 nhà thuốc, quầy thuốc lại chưa đáp ứng được các quy định về diện tích, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản thuốc theo tiêu chuẩn thực hành nhà thuốc tốt (GPP). Hiện mới chỉ có chưa đầy 40 quầy thuốc đạt chuẩn GPP so với mục tiêu đến năm 2011 nhà thuốc GPP sẽ bao phủ cả nước.

Thuốc giả đang trở lại

Theo thống kê của Cục Quản lý dược, thuốc không đạt chất lượng năm 2007 chiếm 3,30% tổng số mẫu lấy, cao hơn so với năm 2006 (3,18%). Thuốc nguồn gốc dược liệu không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ khá cao 10,8% (355 mẫu không đạt/3.287 mẫu kiểm tra).

Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương Trịnh Văn Lẩu cho rằng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng, thuốc giả ở Việt Nam có nguy cơ xuất hiện trở lại nhiều hơn, tỷ lệ thuốc giả, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng (kể cả thuốc trong nước và thuốc nhập khẩu từ nước ngoài) cũng đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là thuốc nhập khẩu; tỷ lệ thuốc đông dược và dược liệu không đạt chất lượng còn ở mức cao (trên 10%).

Theo ông Lẩu, loại thuốc nào bán chạy trên thị trường là ngay lập tức bị làm giả. Công nghệ làm thuốc giả tinh vi đến nỗi chính nhà thuốc và nhà sản xuất cũng không phát hiện ra. Nếu như trước đây, thuốc giả xuất hiện ở những vùng sâu, vùng xa thì nay thuốc giả lại tập trung ở những thành phố lớn đông dân cư và có sức tiêu thụ lớn. Nhóm thuốc kháng sinh và thuốc đông dược bị làm giả nhiều nhất.

Công tác thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi các sản phẩm thuốc giả, kém chất lượng của Sở Y tế chưa kịp thời. Các nhà nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất thu hồi thuốc vi phạm chất lượng chậm, chưa triệt để. Mặt khác, hệ thống thanh kiểm tra giám sát việc thu hồi thuốc còn quá mỏng.

Sẽ đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước

Vì vậy, tại hội nghị toàn quốc ngành dược 2008, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gợi ý giải pháp kiểm soát giá thuốc trong tương lai là phải thành lập một website giá dược phẩm trong nước, đăng tải toàn bộ giá các sản phẩm dược nhập khẩu, giá kê khai dược phẩm của các công ty trong nước và chế tài xử phạt với các cơ sở vi phạm giá. Đồng thời phải giám sát chặt, thực hiện công khai giá, xử phạt vi phạm giá, giám sát về chất lượng, giám sát hệ thống phân phối và cạnh tranh...

Còn các giải pháp lâu dài của ngành y tế nhằm hạn chế tình trạng bị động trong quản lý về giá thuốc là tập trung phát triển công nghiệp nguyên liệu để từng bước sản xuất được một số nguyên liệu kháng sinh, hóa dược hữu cơ quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp cho công nghiệp bào chế thuốc thành phẩm.

Cụ thể, trong năm 2008, ngành dược sẽ đẩy mạnh việc sản xuất thuốc trong nước, các loại thuốc generic (thuốc có gốc hoá học giống thuốc phát minh) để cung cấp cho hệ thống y tế công lập, thuốc điều trị trong danh mục bảo hiểm y tế...

Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng nhấn mạnh, để bình ổn thị trường thuốc trong tương lai, cần phải gia tăng các nguồn cung ứng trên cơ sở đảm bảo giá bán đúng với giá trị thực, áp dụng các tiêu chuẩn về thực hành tốt bảo quản, phân phối thuốc đối với 39.016 cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc.