08:56 12/01/2023

Nhà đầu tư chờ điều gì ở báo cáo CPI Mỹ sắp công bố?

An Huy

Đây là thống kê lạm phát cuối cùng trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ đầu tiên của Fed trong năm 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 31/1-1/2. Bởi vậy, báo cáo này được xem là một sự kiện lớn đối với thị trường tài chính...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá tiêu dùng ở Mỹ được dự báo giảm nhẹ trong tháng 12 so với tháng trước do giá năng lượng giảm mạnh, nhưng mức lạm phát cả năm nhiều khả năng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Bởi vậy, ngân hàng trung ương này còn phải tăng lãi suất cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, giới chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước nhưng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 11, CPI của Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới lập đỉnh của hơn 4 thập kỷ ở mức 9,1% vào tháng 6 năm ngoái.

CPI lõi, thước đo không tính đến giá năng lượng và thực phẩm, được dự báo tăng 0,3% trong tháng 12 so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 11, CPI lõi tăng 0,2% trong tháng và tăng 6% trong vòng 1 năm.

NHÀ ĐẦU TƯ RỘN RÀNG HY VỌNG

“Chúng tôi rất hoan nghênh sự xuống thang này của lạm phát. Đó là một tin tốt. Thật tuyệt vời khi lạm phát giảm và khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu trong quý 4… Nhưng như thế vẫn chưa đủ”, chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của KPMG nhận định.

Báo cáo CPI sẽ được công bố vào sáng ngày thứ Năm theo giờ Mỹ. Đây là thống kê lạm phát cuối cùng trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ đầu tiên của Fed trong năm 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 31/1-1/2. Bởi vậy, báo cáo này được xem là một sự kiện lớn đối với thị trường tài chính.

Một số nhà giao dịch đang đặt cược rằng lạm phát thậm chí giảm nhanh hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Họ cũng đề cập đến mức tăng trưởng tiền lương yếu hơn dự báo trong báo cáo việc làm tháng 12 công bố vào tuần trước, cũng như các dữ liệu khác phản ánh kỳ vọng lạm phát giảm xuống.

Những hy vọng này đã đưa thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. “Thị trường đang nhìn vào một cốc nước đầy một nửa. Lạm phát đang giảm và Fed sắp hoàn tất việc tăng lãi suất. Hai tháng qua, các số liệu liên quan đến lạm phát đều thấp hơn dự báo. Thị trường đang tin rằng điều đó sẽ lặp lại”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Financial Group nhận định với hãng tin CNBC.

Trên thị trường tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều nhất vào khả năng Fed chỉ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới. Dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Fed vẫn có thể áp dụng bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Kỳ vọng của thị trường đối với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm chỉ là 20%.

“Thật thú vị khi chứng kiến thị trường có nhiều phản ứng đến như vậy chỉ với một dữ liệu. Rõ ràng, báo cáo CPI lần này là rất quan trọng, bởi có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách, đến mức tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp sắp tới”, chuyên gia kinh tế trưởng Simona Mocuta của State Street Global Advisors phát biểu trên CNBC.

Bà Mocuta nói rằng CPI hạ nhiệt sẽ ảnh hưởng đến Fed. “Thị trường chưa phản ánh hết khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Nhưng tôi cho rằng thị trường đúng trong trường hợp này. Fed vẫn có thể đi ngược lại kỳ vọng của thị trường, nhưng những gì mà thị trường đang phản ánh vào giá tài sản là một quyết định đúng đắn”, vị chuyên gia nói.

“FED KHÔNG MUỐN CÔNG BỐ CHIẾN THẮNG QUÁ SỚM”

Chuyên gia kinh tế trưởng Luke Tilley của Wilmington Trust nói rằng việc giá xăng giảm 12% trong tháng 12 và giá các năng lượng khác cũng giảm là nhân tố quan trọng đưa lạm phát đi xuống.

Trong bối cảnh giá hàng hoá dịu đi, giới chuyên gia kinh tế quan tâm nhiều hơn đến lạm phát giá dịch vụ. “Việc lạm phát toàn phần giảm trong 2-3 tháng vừa rồi đã nói quá lên về sự cải thiện thực sự. Giá xăng và giá nhà đều đã giảm rồi, và tôi muốn thấy giá của những thứ không thiết yếu giảm xuống. Tôi cho rằng trọng tâm hiện nay là vấn đề lạm phát giá dịch vụ”, bà Mocuta nói.

Tốc độ lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giới đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung ở thời điểm hiện nay, bởi mức lạm phát sẽ quyết định đường đi của lãi suất Fed, thậm chí quyết định nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm hay rơi vào một cuộc suy thoái.

“Hy vọng ở đây là chúng ta về cơ bản đã đạt tới một vị thế có thể có được một cuộc hạ cánh mềm. Việc này đòi hỏi Fed không chỉ dừng tăng lãi suất mà còn sớm tiến tới cắt giảm lãi suất. Nhưng hiện tại, chúng ta chưa có được vị thế đó”, bà Swonk nhận định. “Chúng ta đang ở trong tình trạng tương tự như một bệnh nhân đang khoẻ lên, nhưng chưa thể ra viện ngay được”.

Lãi suất của Fed hiện ở khoảng 4,25-4,5%. Trong dự báo mới nhất, các quan chức Fed dự kiến tăng lãi suất lên tối đa 5,1% trong năm nay.

“Fed đang lo lắng về một cú sốc nguồn cung nữa có thể xảy ra, có thể từ việc Trung Quốc bất ngờ từ bỏ Zero Covid hoặc vì một điều gì đó liên quan đến Nga. Họ không muốn công bố chiến thắng quá sớm. Fed đã nói rõ điều đó và nói nhiều lần, nhưng không ai chịu nghe”, bà Swonk nhận định.

Giới chuyên gia kinh tế dự báo một thước đo lạm phát quan trọng khác là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 12 có thể giảm dưới mức dự báo 3,5% mà Fed đưa ra. Một số chuyên gia tin kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay và Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất trước cuối năm - tương tự như dự báo của thị trường. Trong khi đó, Fed đã tuyên bố sẽ không giảm lãi suất trước năm 2024.

Dù vậy, một vài chiến lược gia tin rằng các quan chức Fed sẽ bắt đầu có những phát biểu mềm mỏng hơn và ít xung đột hơn với góc nhìn của thị trường. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The New York Times hôm thứ Tư, Chủ tịch chi nhánh Boston của Fed, bà Susan Collins nói bà muốn tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới.

“Chúng tôi cho rằng một trong những thay đổi trong những tháng tới là Fed sẽ sớm nhận ra rằng việc thay đổi cách nói về lạm phát sẽ rẻ hơn so với việc gây ra một cuộc suy thoái dẫn tới mất hàng triệu việc làm”, ông Tom Lee - nhà sáng lập Fundstrat - viết trong một báo cáo.