Lạm phát ở châu Âu giảm nhanh, liệu ECB có sớm xoay trục?
“Châu Âu có thể đã đi qua đỉnh của lạm phát, nhưng vấn đề nằm ở sự dai dẳng của lạm phát lõi"...
Việc lạm phát ở châu Âu qua đỉnh có thể là tin tốt đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong khu vực. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.
Các báo cáo thống kê gần dây cho thấy tốc độ tăng giá đã giảm nhanh hơn dự báo trong tháng 12 ở khắp các nền kinh tế châu Âu từ Đức tới Pháp hay Tây Ban Nha. Nguyên nhân dẫn tới sự giảm tốc này của lạm phát ở châu Âu là giá khí đốt “hạ nhiệt” và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ phát huy tác dụng - theo hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên, việc lạm phát toàn phần giảm đã che giấu sức ép tăng giá ở chỉ số lạm phát lõi - thước đo mà ECB quan tâm hơn cả khi ra quyết định tăng lãi suất bao nhiêu. Cũng giống như ở Mỹ, nơi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ quan điểm cứng rắn cho dù lạm phát đã có 5 tháng giảm liên tiếp, việc lạm phát lõi giảm chậm khiến cho khả năng ECB sớm dịch chuyển chính sách khó có thể trở thành hiện thực.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã cam kết sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 2, và thậm chí cả trong cuộc họp sau đó. Từ khi bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 7 năm ngoái tới nay, ECB đã nâng tổng cộng 2,5 điểm phần trăm. Dự báo mới nhất của ECB cho thấy lạm phát sẽ không giảm về mức mục tiêu 2% trước cuối năm 2025.
“Châu Âu có thể đã đi qua đỉnh của lạm phát, nhưng vấn đề nằm ở sự dai dẳng của lạm phát lõi. Bởi vậy, một quyết định tăng lãi suất vào tháng 2 là điều chắc chắn”, chiến lược gia Piet Christiansen của Danske Bank nhận định.
Sau khi ECB thể hiện rõ quan điểm cứng rắn trong cuộc họp tháng 12 - dù bước nhảy lãi suất giảm về 0,5 điểm phần trăm từ mức 0,75 điểm phần trăm của lần họp trước - giới chuyên gia đã nâng dự báo về mức lãi suất cực đại trong chu kỳ thắt chặt này của ECB, đồng thời dự kiến bước nhảy 0,5 điểm phần trăm sẽ được áp dụng trong hai cuộc họp tiếp theo. Sau khi dữ liệu lạm phát tháng 12 của các nước châu Âu được công bố, các nhà giao dịch cắt giảm dự báo về mức lãi suất cực đại, nhưng giữ nguyên nhận định về bước nhảy lãi suất trong 2 lần họp tới của ECB.
Giá tiêu dùng ở Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực Eurozone, tăng 5,6% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 6,7% ghi nhận trong tháng 11. Lạm phát cũng xuống thang ở Bồ Đào Nha, Đức và Pháp. Trong đó, lạm phát ở Pháp giảm còn 5,9% trong tháng 12 từ mức 6,2% trong tháng 11. Dữ liệu lạm phát của toàn Eurozone sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu. Giới phân tích dự báo lạm phát toàn phần của khu vực giảm tháng thứ 2 liên tiếp, còn 9,5%.
“Lạm phát toàn phần của châu Âu đã qua đỉnh. Chặng đường đi xuống của lạm phát sẽ gập ghềnh, nhưng chắc chắn là đi xuống. Tốc độ tăng giá có thể giảm về vùng 3% vào tháng 1/2023. Lạm phát lõi trước mắt sẽ giảm chậm. Chi phí gia tăng đối với các nhà sản xuất vẫn chưa được phản ánh hết vào giá tiêu dùng và tiền lương tăng sẽ đẩy lạm phát dịch vụ lên. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ buộc ECB phải tăng lãi suất ít nhất đến hết quý 1/2023”, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực Eurozone của Bloomberg Intelligence, ông Maeva Cousin, nhận định.
Trong một cuộc trao đổi với Bloomberg, chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg đưa ra quan điểm tương tự: “Dữ liệu lạm phát ở thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều biến động. ECB đã quyết tâm kéo lạm phát xuống một cách chắc chắn”.
Đó cũng chính là thông điệp mà bản thân Chủ tịch ECB đã đưa ra. “Chúng tôi không thể chỉ dựa vào một con số duy nhất”, và Lagarde nói và cho rằng “có nhiều lý do để tin rằng lạm phát sẽ tăng trở lại trong tháng 1”.
“Chúng ta phải nhìn vào xu hướng, nhìn vào triển vọng lạm phát, phải đánh giá những gì đã đạt được, và cả việc chúng ta phải đi đến đâu. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và chúng ta đang ở trong một cuộc chiến lâu dài”, bà Lagarde nói.