Nhà đầu tư hoảng sợ thương chiến leo thang, chứng khoán châu Á bị bán tháo
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch sáng 26/8 do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch sáng 26/8. Những bước leo thang mới của thương chiến Mỹ-Trung trở thành cú sốc niềm tin về kinh tế toàn cầu, khiến nhà đầu tư chuyển vốn mạnh từ cổ phiếu sang thị trường trái phiếu và vàng.
Theo tin từ Reuters, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản có lúc giảm 2%. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật sụt 2,3%.
Các thị trường chủ chốt khác trong khu vực giảm la liệt: chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục mất hơn 1% điểm số; Hang Seng của Hồng Kông có lúc giảm 3%; Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 1,3%; ASX 200 của Australia "bốc hơi" hơn 1,5%.
Phiên giảm này nối tiếp phiên "đỏ lửa" hôm thứ Sáu tuần trước ở Phố Wall, khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế quan trừng phạt đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước đó cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố áp thuế trả đũa lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
"Đang có một cảm giác bất an rằng các cuộc đàm phán vốn dĩ rất mong manh đang tuột khỏi tầm kiểm soát", một báo cáo của ngân hàng ANZ sáng 26/8 được Reuters trích dẫn.
"Sự leo thang mới nhất cho thấy bất ổn sẽ tiếp tục đè nặng lên thương mại, sản xuất công nghiệp và đầu tư toàn cầu. Chưa có một dấu hiệu nào về giải pháp cho vấn đề", báo cáo viết.
Thương chiến leo thang đã lấn át ảnh hưởng của lời hứa mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đưa ra hôm thứ Sáu ở Jackson Hole rằng FED sẽ "hành động phù hợp" để giữ sức khỏe kinh tế Mỹ.
Ông Powell không đưa ra cam kết sẽ cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh như lời kêu gọi của ông Trump. Tuy nhiên, thị trường đang tin rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 9, và sẽ cắt giảm tổng cộng hơn 1 điểm phần trăm lãi suất trong thời gian từ nay đến hết 2020.
"Ông Trump không cho thấy dấu hiệu nào sẽ dịu đi trong chính sách thương mại gây thiệt hại lớn của ông ấy", nhà phân tích Adam Crisafulli của JPMorgan Chase nhận xét.
"Các ngân hàng trung ương không thể ứng phó được hết quả tiêu cực của một cuộc chiến thương mại toàn cầu", ông Crisafulli nói thêm. "Các công ty sẽ đi vào trạng thái dừng đầu tư, mở rộng sản xuất, thậm chí là cả tuyển dụng cho tới ít nhất cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 vì tất cả những bấp bênh này".
Song song với bán tháo cổ phiếu, giới đầu tư đang mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng, và các đồng tiền "vịnh tránh bão" như Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,48% trong phiên sáng tại châu Á, từ mức 1,66% vào hôm thứ Sáu. Hiện lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang xấp xỉ ngang bằng với trái phiếu kỳ hạn 2 năm.
"Điều này sẽ buộc FED phải tiếp tục cắt giảm lãi suất", ông Priya Misra, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất và tỷ giá toàn cầu thuộc TD Securities, nhận xét.
Giá vàng giao ngay tăng lên vùng 1.550 Usd/oz, cao nhất kể từ tháng 4/2013.
Giá dầu sụt giảm do lo ngại thương chiến Mỹ-Trung sẽ gây suy thoái kinh tế và suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc giảm 0,68 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, còn 58,66 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York có lúc giảm 0,79 USD/thùng, còn 53,38 USD/thùng.