“Nhà nước Hồi giáo” kiếm tiền như thế nào?
“Lực lượng Nhà nước Hồi giáo có lẽ là nhóm khủng bố giàu có nhất mà chúng tôi từng được biết đến”
Dùng nỗi sợ hãi để kiểm soát một dân số lớn và có khả năng tự cung cấp tài chính trên quy mô không hề nhỏ, Nhà nước Hồi giáo - nhóm khủng bố thực hiện vụ hành hình nhà báo người Mỹ James Foley mới đây - được hãng tin Bloomberg ví như quân Taliban sở hữu những mỏ dầu.
Phiến quân Hồi giáo hiện đang nắm trong tay một khu vực thuộc lãnh thổ Iraq và Syria lớn hơn cả diện tích nước Anh. Theo giới chức tình báo Mỹ và các chuyên gia về tài chính chống khủng bố, lực lượng này có khả năng huy động hơn 2 triệu USD mỗi ngày nhờ nguồn thu từ bán dầu, tống tiền, thuế và buôn lậu.
Không giống như các nhóm cực đoan khác phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ nước ngoài - những nguồn tiền có thể bị lệnh trừng phạt, các nỗ lực ngoại giao hay thực thi pháp luật làm cạn kiệt bất kỳ lúc nào - nguồn thu chính của Nhà nước Hồi giáo là nguồn thu tại chỗ. Và điều này đang đặt ra một thách thức “có một không hai” đối với những chính phủ đang tìm cách ngăn chặn và làm suy yếu khả năng của lực lượng này trong việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
“Lực lượng Nhà nước Hồi giáo có lẽ là nhóm khủng bố giàu có nhất mà chúng tôi từng được biết đến”, ông Matthew Levitt, một cựu chuyên gia tình báo thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đánh giá. “Chúng không bị ràng buộc bởi hệ thống tài chính quốc tế, và bởi thế không dễ bị ảnh hưởng” bởi các lệnh trừng phạt hay luật chống rửa tiền.
Ngược lại, thủ lĩnh nhóm al-Qaeda trước đây, trùm khủng bố Osama bin Laden, xuất thân từ một gia đình giàu có mà được hậu thuẫn bởi một lực lượng đông đảo ở nước ngoài. Các nguồn tài trợ cho bin Laden về sau đã bị siết chặt do hoạt động của các lực lượng tình báo phương Tây.
Theo ông Patrick Johnston, một chuyên gia về chống khủng bố thuộc công ty Rand Corp., Nhà nước Hồi giáo kiếm tiền chủ yếu, không hẳn là hoàn toàn, tại chỗ. Một quan chức tình báo Mỹ đề nghị giấu tên khẳng định, số tiền mà nhóm này có được từ các nhà tài trợ bên ngoài không thấm vào đâu so với khoản thu nhập từ cướp bóc, tống tiền, buôn lậu…
al-Qaeda và các nhóm khác bị Mỹ cho là khủng bố như Hezbollah, Hamas… từ lâu phụ thuộc chính vào các nguồn tài trợ bên ngoài. Tuy vậy, các nhóm phiến quân “tự kiếm tiền” như Nhà nước Hồi giáo không phải là mới. Chẳng hạn, quân Taliban ở Afghanistan buôn lậu thuốc phiện, các loại khoáng sản và gỗ; nhóm Abu Sayyaf ở Philippines hay al-Qaeda ở Yemen và Bắc Phi cũng kiếm nhiều triệu USD bằng các hoạt động bắt cóc tống tiền… Không có nhiều số liệu đáng tin cậy, nhưng một báo cáo của Liên hiệp quốc cho rằng, riêng trong năm 2011, Taliban đã “đút túi” 400 triệu USD nhờ các khoản thuế địa phương, tài trợ, cướp bóc…
Các nguồn thu mà Nhà nước Hồi giáo có được nhờ quyền kiểm soát của nhóm này đối với một vùng đất rộng lớn giàu dầu lửa và quyền tiếp cận với các khoản thuế địa phương khiến nhóm này có thu nhập “khủng” hơn các nhóm khác.
Theo ông Luay al-Khatteeb, một chuyện gia của viện nghiên cứu Brookings Institution, Nhà nước Hồi giáo kiểm soát 7 mỏ dầu và 2 nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Iraq, 6/10 mỏ dầu ở Đông Syria. Với nguồn dầu thô có được, Nhà nước Hồi giáo bán ra với giá 25-60 USD/thùng. Mức giá “rẻ bèo” so với giá thị trường này phản ánh rủi ro lớn mà những tay buôn lậu trung gian phải đối mặt khi giao dịch với các phần tử khủng bố. Hiện giá dầu thô Brent tại thị trường London là hơn 102 USD/thùng.
Theo những thông tin mà ông al-Khatteeb có được, các mỏ dầu ở Iraq mà Nhà nước Hồi giáo kiểm soát có khả năng cho sản lượng 80.000 thùng mỗi ngày, và hiện tốc độ khai thác đang ở mức khoảng một nửa con số này. Theo vị chuyên gia, Nhà nước Hồi giáo đang kiếm mỗi ngày khoảng 2 triệu USD từ bán dầu, và số tiền này có thể được trả dưới dạng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng.
Giới chức tình báo Mỹ nhận định, một chiến địa tài chính quan trọng của Nhà nước Hồi giáo là nhà máy lọc dầu Baiji ở Bắc Iraq. Đây là nhà máy sản xuất gần 1/3 tổng sản lượng dầu của nước này. Nhà máy Baiji đã bị đóng cửa từ tháng 6 do bị những kẻ cực đoan tấn công và hiện vẫn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng cực đoan và quân chính phủ.
Ông al-Khateeb nói, nguồn thu từ dầu lửa sẽ “duy trì hoạt động của cỗ máy chiến tranh” tại khu vực mà Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ ở Iraq và Syria, đồng thời phục vụ cho việc tuyển mộ thêm binh sỹ của lực lượng này.
Tuy vậy, ông Robin Mills, một chuyên gia của công ty tư vấn Manaar Energy Consulting and Project Management có trụ sở ở Dubai, nhà chức trách ở Iraq và Syria đã bắt đầu tấn công mạnh vào hoạt động buôn lậu dầu ở khu vực người Kurd, đồng nghĩa với việc nguồn thu từ dầu của Nhà nước Hồi giáo có thể suy giảm trong thời gian tới.
Khi đó, lực lượng này có thể sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu thứ hai là đánh thuế người dân ở những thành phố đông dân trong khu vực mà chúng kiểm soát như Mosul. Bên cạnh đó, các hoạt động cướp nhà băng, “xin đểu”, buôn lậu, bắt cóc đòi tiền chuộc… cũng là một nguồn thu quan trọng khác của Nhà nước Hồi giáo. Một quan chức Mỹ nói rằng, trong mấy năm trở lại đây, nhóm này đã kiếm được 10 triệu USD từ các vụ bắt cóc.
Một số nguồn nói rằng, Nhà nước Hồi giáo hiện đang kiểm soát số tài sản trị giá lên tới 2 tỷ USD. Nhưng chuyên gia Brian Fishman thuộc tổ chức nghiên cứu New America Foundation có trụ sở ở Washington, cũng như nhiều chuyên gia tình báo Mỹ khác, tỏ ra nghi ngờ con số này.
Trên thực tế, ước tính ban đầu sau vụ 11/9/2001 cho rằng al-Qaeda có hàng trăm triệu USD thực ra là “nói quá” về những gì mà bin-Laden có trong tay. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, al-Qaeda tiêu khoảng 30 triệu USD mỗi năm để duy trì hoạt động trước vụ 11/9, và số tiền này được huy động hoàn toàn thông qua xin tài trợ.
Vụ 11/9 chỉ tiêu tốn của al-Qaeda 1 triệu USD. Bởi vậy, cho dù Nhà nước Hồi giáo chỉ có một phần nhỏ trong số tiền 2 tỷ USD như đồn đoán, và nếu lực lượng này tiếp tục kiếm 1-2 triệu USD mỗi ngày từ bán dầu, thì nguồn tiền đó vẫn là rất dồi dào.
Chuyên gia Fishman nói, sức mạnh của Nhà nước Hồi giáo gắn kết với những vùng đất và tài nguyên mà chúng kiểm soát, cũng như từ dân số mà chúng có thể bóp nặn tiền. “Điều này đồng nghĩa với việc nhóm này sẽ rất vững vàng và sẽ phải mất nhiều thời gian để trấn áp”.
Phiến quân Hồi giáo hiện đang nắm trong tay một khu vực thuộc lãnh thổ Iraq và Syria lớn hơn cả diện tích nước Anh. Theo giới chức tình báo Mỹ và các chuyên gia về tài chính chống khủng bố, lực lượng này có khả năng huy động hơn 2 triệu USD mỗi ngày nhờ nguồn thu từ bán dầu, tống tiền, thuế và buôn lậu.
Không giống như các nhóm cực đoan khác phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ nước ngoài - những nguồn tiền có thể bị lệnh trừng phạt, các nỗ lực ngoại giao hay thực thi pháp luật làm cạn kiệt bất kỳ lúc nào - nguồn thu chính của Nhà nước Hồi giáo là nguồn thu tại chỗ. Và điều này đang đặt ra một thách thức “có một không hai” đối với những chính phủ đang tìm cách ngăn chặn và làm suy yếu khả năng của lực lượng này trong việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
“Lực lượng Nhà nước Hồi giáo có lẽ là nhóm khủng bố giàu có nhất mà chúng tôi từng được biết đến”, ông Matthew Levitt, một cựu chuyên gia tình báo thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đánh giá. “Chúng không bị ràng buộc bởi hệ thống tài chính quốc tế, và bởi thế không dễ bị ảnh hưởng” bởi các lệnh trừng phạt hay luật chống rửa tiền.
Ngược lại, thủ lĩnh nhóm al-Qaeda trước đây, trùm khủng bố Osama bin Laden, xuất thân từ một gia đình giàu có mà được hậu thuẫn bởi một lực lượng đông đảo ở nước ngoài. Các nguồn tài trợ cho bin Laden về sau đã bị siết chặt do hoạt động của các lực lượng tình báo phương Tây.
Theo ông Patrick Johnston, một chuyên gia về chống khủng bố thuộc công ty Rand Corp., Nhà nước Hồi giáo kiếm tiền chủ yếu, không hẳn là hoàn toàn, tại chỗ. Một quan chức tình báo Mỹ đề nghị giấu tên khẳng định, số tiền mà nhóm này có được từ các nhà tài trợ bên ngoài không thấm vào đâu so với khoản thu nhập từ cướp bóc, tống tiền, buôn lậu…
al-Qaeda và các nhóm khác bị Mỹ cho là khủng bố như Hezbollah, Hamas… từ lâu phụ thuộc chính vào các nguồn tài trợ bên ngoài. Tuy vậy, các nhóm phiến quân “tự kiếm tiền” như Nhà nước Hồi giáo không phải là mới. Chẳng hạn, quân Taliban ở Afghanistan buôn lậu thuốc phiện, các loại khoáng sản và gỗ; nhóm Abu Sayyaf ở Philippines hay al-Qaeda ở Yemen và Bắc Phi cũng kiếm nhiều triệu USD bằng các hoạt động bắt cóc tống tiền… Không có nhiều số liệu đáng tin cậy, nhưng một báo cáo của Liên hiệp quốc cho rằng, riêng trong năm 2011, Taliban đã “đút túi” 400 triệu USD nhờ các khoản thuế địa phương, tài trợ, cướp bóc…
Các nguồn thu mà Nhà nước Hồi giáo có được nhờ quyền kiểm soát của nhóm này đối với một vùng đất rộng lớn giàu dầu lửa và quyền tiếp cận với các khoản thuế địa phương khiến nhóm này có thu nhập “khủng” hơn các nhóm khác.
Theo ông Luay al-Khatteeb, một chuyện gia của viện nghiên cứu Brookings Institution, Nhà nước Hồi giáo kiểm soát 7 mỏ dầu và 2 nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Iraq, 6/10 mỏ dầu ở Đông Syria. Với nguồn dầu thô có được, Nhà nước Hồi giáo bán ra với giá 25-60 USD/thùng. Mức giá “rẻ bèo” so với giá thị trường này phản ánh rủi ro lớn mà những tay buôn lậu trung gian phải đối mặt khi giao dịch với các phần tử khủng bố. Hiện giá dầu thô Brent tại thị trường London là hơn 102 USD/thùng.
Theo những thông tin mà ông al-Khatteeb có được, các mỏ dầu ở Iraq mà Nhà nước Hồi giáo kiểm soát có khả năng cho sản lượng 80.000 thùng mỗi ngày, và hiện tốc độ khai thác đang ở mức khoảng một nửa con số này. Theo vị chuyên gia, Nhà nước Hồi giáo đang kiếm mỗi ngày khoảng 2 triệu USD từ bán dầu, và số tiền này có thể được trả dưới dạng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng.
Giới chức tình báo Mỹ nhận định, một chiến địa tài chính quan trọng của Nhà nước Hồi giáo là nhà máy lọc dầu Baiji ở Bắc Iraq. Đây là nhà máy sản xuất gần 1/3 tổng sản lượng dầu của nước này. Nhà máy Baiji đã bị đóng cửa từ tháng 6 do bị những kẻ cực đoan tấn công và hiện vẫn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng cực đoan và quân chính phủ.
Ông al-Khateeb nói, nguồn thu từ dầu lửa sẽ “duy trì hoạt động của cỗ máy chiến tranh” tại khu vực mà Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ ở Iraq và Syria, đồng thời phục vụ cho việc tuyển mộ thêm binh sỹ của lực lượng này.
Tuy vậy, ông Robin Mills, một chuyên gia của công ty tư vấn Manaar Energy Consulting and Project Management có trụ sở ở Dubai, nhà chức trách ở Iraq và Syria đã bắt đầu tấn công mạnh vào hoạt động buôn lậu dầu ở khu vực người Kurd, đồng nghĩa với việc nguồn thu từ dầu của Nhà nước Hồi giáo có thể suy giảm trong thời gian tới.
Khi đó, lực lượng này có thể sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu thứ hai là đánh thuế người dân ở những thành phố đông dân trong khu vực mà chúng kiểm soát như Mosul. Bên cạnh đó, các hoạt động cướp nhà băng, “xin đểu”, buôn lậu, bắt cóc đòi tiền chuộc… cũng là một nguồn thu quan trọng khác của Nhà nước Hồi giáo. Một quan chức Mỹ nói rằng, trong mấy năm trở lại đây, nhóm này đã kiếm được 10 triệu USD từ các vụ bắt cóc.
Một số nguồn nói rằng, Nhà nước Hồi giáo hiện đang kiểm soát số tài sản trị giá lên tới 2 tỷ USD. Nhưng chuyên gia Brian Fishman thuộc tổ chức nghiên cứu New America Foundation có trụ sở ở Washington, cũng như nhiều chuyên gia tình báo Mỹ khác, tỏ ra nghi ngờ con số này.
Trên thực tế, ước tính ban đầu sau vụ 11/9/2001 cho rằng al-Qaeda có hàng trăm triệu USD thực ra là “nói quá” về những gì mà bin-Laden có trong tay. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, al-Qaeda tiêu khoảng 30 triệu USD mỗi năm để duy trì hoạt động trước vụ 11/9, và số tiền này được huy động hoàn toàn thông qua xin tài trợ.
Vụ 11/9 chỉ tiêu tốn của al-Qaeda 1 triệu USD. Bởi vậy, cho dù Nhà nước Hồi giáo chỉ có một phần nhỏ trong số tiền 2 tỷ USD như đồn đoán, và nếu lực lượng này tiếp tục kiếm 1-2 triệu USD mỗi ngày từ bán dầu, thì nguồn tiền đó vẫn là rất dồi dào.
Chuyên gia Fishman nói, sức mạnh của Nhà nước Hồi giáo gắn kết với những vùng đất và tài nguyên mà chúng kiểm soát, cũng như từ dân số mà chúng có thể bóp nặn tiền. “Điều này đồng nghĩa với việc nhóm này sẽ rất vững vàng và sẽ phải mất nhiều thời gian để trấn áp”.