15:16 23/05/2014

“Nhân dân cần được biết đầy đủ tình hình đất nước”

Nguyên - Hà

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị thắt lưng buộc bụng dành tiền đầu tư cho ngư dân và bảo vệ chủ quyền

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: CTV.<br>
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: CTV.<br>
Chính phủ cần chính thức báo cáo với toàn thể nhân dân một cách rõ ràng, phù hợp về tình hình đất nước hiện nay, giải pháp về những vấn đề nhân dân quan tâm, để người dân không bị lợi dụng, kích động. Đây là đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách sáng 23/5.

"Vàng, ngoại tệ lộn xộn vì người dân không có đủ thông tin, dân thiếu thông tin không biết tình hình thực tế thế nào thì dân lo lắng là đúng rồi, nên Chính phủ cần có phát ngôn chính thức", bà Tâm phát biểu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần đặt nền kinh tế vào trạng thái động, vừa ổn định vĩ mô vừa gắn kinh tế với quốc phòng. Ông Ngân đề nghị phải sắp xếp lại ưu tiên trong đầu tư để dành ngân sách hỗ trợ cho ngư dân có có đội tàu lớn và ưu tiên các dự án quốc phòng biên giới.

Nhận định là kinh tế thực chất đã chạm đáy từ quý 2 năm trước đến nay phục hồi yếu ớt và vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng với biến động liên quan đến tình hình biển Đông hiện nay, nay nếu không có giải pháp đặc biệt thì khó thoát giai đoạn trì trệ này.

Ông Lịch cũng tỏ ra sốt ruột khi phân tích rằng Quốc hội đã quyết định thay đổi chính sách lạm phát bị động sang chủ động để tạo dư địa cho tăng trưởng, Nhưng tín dụng không tăng, trái phiếu phát hành xong rồi thì thủ tục nhiêu khê nên dòng tiền cứ luẩn quẩn ở ngân hàng thương mại và kho bạc nhà nước, không thể khơi thông được tổng cầu.

Yêu cầu lớn nhất của năm nay là làm sao phải khai thông tổng cầu. Nếu CPI ở mức 4 - 5% là không đạt chứ không phải là tốt, ông Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Lịch cũng đề nghị cần có bàn tay nhà nước tập trung đóng tàu cho ngư dân thuê, tương kế tựu kế trong hoàn cảnh hiện nay.

"Lần này, đề nghị Quốc hội có nghị quyết cắt tối đa chi thường xuyên, tình hình đất nước thế này nên cắt giảm chi tiêu", ông Lịch nói.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, với tình hình biển Đông hiện nay thì Quốc hội phải tính tới ngân sách quốc phòng, phải đánh giá xác đáng ảnh hưởng của giàn khoan của Trung Quốc.

Ông Đương cũng đề nghị, phải rà soát lại các dự án đầu tư, dành nguồn lực ngư dân thuê tàu, mượn tàu, để cùng trấn giữ biển Đông, thắt lưng buộc bụng, tập trung nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền.

"Quốc hội cần hiệu triệu toàn dân yêu nước và thực hành tiết kiệm, đồng thời gương mẫu cắt giảm chi tiêu", doanh nhân Đặng Thành Tâm đề nghị.

Nhận định nền kinh tế có xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng do sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan, một số ý kiến tại đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị phải có giải pháp tích cực hơn cho nền kinh tế.

"Quy mô của doanh nghiệp thành lập mới nhỏ hơn doanh nghiệp phá sản. Nợ xấu xử lý chậm, chưa được giải quyết cơ bản, tổng cầu nội địa yếu", đại biểu Phạm Huy Hùng phát biểu.

Vẫn theo đại biểu Hùng, tái cấu trúc ngân hàng chỉ mới dừng ở việc sáp nhập, đóng cửa, chưa thay đổi nhiều về chất lượng hoạt động.

Lo lắng diễn biến tình hình trong nước có liên quan đến biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng cần tranh thủ cơ hội này để thoát khỏi sự lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Đồng thời cần dự liệu các kịch bản để chủ động trong mối tình huống.

Và lúc này, Quốc hội cần có quyết sách đúng tầm, huy động tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, vừa bảo vệ chủ quyền vừa chống “giặc nội xâm” là tham nhũng, lãng phí.