Nhận diện sáu bất an mà Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm
''Tiền có thể nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất và đang mất''
Tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị? Chức năng của Chính phủ là kiến tạo nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không song hành?
Đây là bất an thứ nhất trong sáu bất an mà theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì cả Quốc hội và Chính phủ đều cần phải quan tâm hơn.
Đại biểu Phong phát biểu trong phiên thảo luận sáng 9/6, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi.
Bất an thứ hai được đại biểu nêu là tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa được chặn đứng là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động.
Bất an thứ ba, xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm. Các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt là nặng chú trọng đầu tư. Hiệu quả đầu tư thấp, nợ công còn cao. Nếu theo chỉ số, mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 UDS tiền nợ và xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ lớn. Chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%. Mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng.
Như vậy, chúng ta làm 1 đồng nhưng xài tới 3 đồng - vị đại biểu Bến Tre nhấn mạnh.
Bất an thứ tư, theo đại biểu là đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền.
Bất an thứ năm, dân không thể an tâm khi rừng đã hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau chắc chỉ còn trong lịch sử. Đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có trong khi đó đất nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh, thu tô. Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, sự hời hợt thiếu trách nhiệm trong thẩm định đánh giá từng bước đã biến Việt Nam thành điểm đến của công nghiệp rác, công nghệ lạc hậu và hệ lụy môi trường không sao tả nổi.
Tiền có thể nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất và đang mất - đại biểu nhấn mạnh.
Bất an thứ sáu được đại biểu đề cập là về an toàn của môi trường sống khi bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ vì an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây.
"Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm trở thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến trong ứng xử của con người"- đại biểu Phong khái quát.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) khẳng định bà tôn trọng ý kiến của đại biểu Đặng Thuần Phong vì mỗi người có một cách nhìn, có một đánh giá riêng. Nhưng đại biểu Tâm muốn trao đổi thêm để có cái nhìn nhiều chiều về câu hỏi đại biểu Phong đặt ra, rằng đại tại sao chỉ có Chính phủ liêm chính còn hệ thống chính trị thì ở đâu?
Bà Tâm nói, bà tôn trọng việc Chính phủ đặt ra là một Chính phủ liêm chính, nhưng không có nghĩa là chỉ có Chính phủ hiện nay đang lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ - PV) mà Tp.HCM cũng như nhiều cấp ủy khác trong cả nước cũng đang thực hiện nghị quyết đó rất quyết liệt với ý thức chính trị cao.
Trong thời gian vừa qua, Đảng cũng có chỉ đạo, Trung ương cũng có những chỉ đạo và đã xử lý những vấn đề tham nhũng, vấn đề tiêu cực của người đứng đầu rất nghiêm túc - đại biểu Tâm nhìn nhận.
Theo đại biểu, kết quả có thể chưa được như mong muốn nhưng cử tri ở thành phố mà bà được tiếp xúc thì rất phấn khởi với kết quả bước đầu thực hiện nghị quyết này.
"Không chỉ Chính phủ tuyên bố liêm chính thì chỉ có Chính phủ làm mà hiện nay tôi nghĩ rằng cả hệ thống chính trị của chúng ta cũng đang rất quyết tâm" - bà Tâm thể hiện quan điểm.